Bên bờ hạnh phúc

Canh tác trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình là điều mà người nông dân nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, trên địa bàn xã cù lao An Bình, nơi ven đầu cồn, mấy chục hộ dân lúc nào cũng sống trong trạng thái lo âu vì đất của họ có thể bị “hà bá” nuốt bất cứ lúc nào, đặc biệt là việc khai thác cát quá mức làm thay đổi dòng chảy như hiện nay. 

 

 Ao nuôi cá của bà Trần Thị Ngàn thuộc ấp An Thới xã An Bình đã bị sạt lở mất cả đê bao từ vài tháng trước. Giờ thì 2 cái ao với diện tích gần 1ha đã trở thành sông không còn nuôi gì được nữa. Bà Ngàn cho biết: “Nguyên cái bờ kè bằng đal sạt lở 1 đêm chừng 20 thước, nguyên 1 dải nó rớt toàn bộ. Rớt dải bên đó xong, vài ngày rớt qua hồ cá bên đây luôn. Bây giờ kg canh tác, kg nuôi trồng gì được hết. Nó ảnh hưởng tới cái đất ở trong, tới nhà luôn, rồi mình phải đắp bờ ngăn nước nữa. Thiệt hại nhiều lắm.”

 Tại khu vực này hiện có 42 hộ dân với khoảng 60 ao nuôi cá điêu hồng. Đã có 5 ao lở hoàn toàn như ao của bà Ngàn. Đoạn đê này là do ông Phan Hùng Tiến bỏ tiền ra xây dựng, đã bốn lần dời đê với chi phí cả trăm triệu, nhưng hiện tại, sạt lở cũng đã tới chân đê. Theo ông Tiến:  “Tôi cất cái nhà ở đây thì lúc đó bờ đê của tôi ở ngoài bè cá kìa, cách cái bờ cũ này hơn 20m. 4 lần dời đê vì sụp mất cái nhà luôn, giờ chỉ còn ló cái nền gạch. 4 lần dời đê đó chi phí là một trăm bốn mươi mấy triệu. Rõ ràng cái này là do ảnh hưởng của khai thác cát. Khai thác ngày đêm, gần bờ, mà độ sâu nhiều quá đương nhiên nó phải lôi đất ở trong ra ngoài thôi. Đất mà mất chân thì bờ đê nào cũng sụp. Gia cố cỡ nào cũng sụp, đóng cừ dừa mà còn sụp. Bây giờ nhờ cơ quan chức năng làm sao kiểm tra vấn đề khai thác cát này, thứ nhất là phải ngoài cái tầm quy định, để không ảnh hưởng tới người dân, nếu không thì thời gian nữa là đất này mất hết.”         

Anh Phạm Văn Hùng, ở ấp An Long – An Bình cho rằng:   “Mức độ khai thác quá nhiều. Tại vì tôi sống ở đây mấy mươi năm rồi nên tôi biết tình trạng khai thác cát quá dữ. Mỗi xà lan 2000 khối mà khai thác 30 phút là có thể đầy xà lan. Mỗi ngày đậu vài chục chiếc xà lan thành ra bờ đất của anh em lở quá nhiều.”

Còn theo anh Phạm Văn Hải, ấp An Thới – An Bình: “Lở đất quá nhiều đi, năm rồi là rớt xuống sông 1 cái nhà. Hoàn cảnh thì quá khó khăn mà nó khai thác như thế này hoài thì không biết làm sao mà sống được. An cư mới lạc nghiệp, mà trong khi đó đất đai mình ở mà không nương tựa được, vì nó cứ lở hoài thì hoàn cảnh bà con rất khó khăn vì sống ở đây mà cứ lo hoài, mỗi năm mỗi dời, mỗi năm mỗi dời mà hoàn cảnh chúng tôi thì nghèo, phải đi làm mướn. Mà mỗi lần dời thì phải tốn vài triệu.”

Người dân nuôi cá, trồng cây không thể không có đất. Mà đất mỗi ngày cứ sạt lở, nên người dân không thể tránh được sự lo lắng.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng ấp An Long – An Bình – Long Hồ phản ảnh:  Tôi đại diện CQ và nhân dân ở đây, có mấy cái kiến nghị với cơ quan cấp trên không cho nó khai thác cát nữa, để tránh sạt lở . Ở đây đã sạt lở nghiêm trọng rồi mà vẫn cho khai thác vậy hoài thì sẽ làm thay đổi dòng chảy. Dân thì kinh tế khó khăn nên không thể chống được với sự sạt lở này.”

Kiến nghị của bà con trên xã cù lao An Bình là hoàn toàn chính đáng. Tấc đất là tấc vàng. Đất là gia tài, là tư liệu sản xuất không thể thiếu của người dân. Do đó, bảo vệ đất tránh tình trạng sạt lở do khai thác cát cũng là cách bảo vệ người dân, để họ an tâm sản xuất, góp phần phát triển ổn định kinh tế địa phương./.

Trường Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *