Bên bờ hạnh phúc

 Trong tháng 4, Ngân hàng nhà nước đã có công văn 2056 yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp, chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn.
 

Tiếp theo đó là Quyết định 780 ngày 23/ 4/ 2012 của NHNN về việc phân loại nợ với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Mục đích là giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu. Đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các hồ sơ vay vốn có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ. Cơ cấu lại nợ được xem là giải pháp nhiều mục tiêu , vừa cải thiện nợ xấu ngân hàng , vừa giúp doanh nghiệp có điều kiện ổn định sản xuất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Quyết định số 780 ngày 23/ 4/ 2012 của Ngân hàng nhà nước về việc phân loại nợ và trước đó là công văn 2056, ngày 10/ 4/ 2012 cũng của Ngân hàng nhà nước , yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp. Qua đó chủ động phối hợp với khách hàng vay vốn để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu. Ở Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank Vĩnh Long, nhà băng này cho biết hiện cũng đã thực hiện các qui trình cơ cấu nợ cho khoảng 10 doanh nghiệp thuộc diện này. Tuy nhiên, số nợ được cơ cấu lại là bao nhiêu thì không được ngân hàng tiết lộ.

 

 

Có thể thấy việc cơ cấu nợ đang được các ngân hàng thương mại tiến hành khá thận trọng. Phương án cơ cấu nợ cho từng doanh nghiệp có vay vốn tại các chi nhánh ngân hàng cũng khác nhau, tùy điều kiện thực tế tại doanh nghiệp. Quan trọng hơn là phương án cơ cấu nợ này phải được sự thống nhất của hội sở, tức ngân hàng mẹ. Chi nhánh Agribank Vĩnh Long hiện cũng đang thực hiện công việc này. Bước đầu, số nợ thuộc diện cơ cấu tại chi nhánh chỉ khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm 2 doanh nghiệp và 10 hộ cá thể. Và theo ngân hàng thì việc cơ cấu nợ chưa dừng lại mà sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. 

Việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được qui định trong quyết định 780 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước có nhiều thay đổi so với Quyết định 493 của Ngân hàng nhà nước ban hành năm 2005 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, nợ tại ngân hàng được phân làm 5 nhóm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn buộc ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro và theo tỷ lệ tăng dần. Đối với nợ nhóm 5, tức nợ không còn khả năng chi trả thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro bằng 100% vốn vay. Do vậy, nợ quá hạn luôn là một chỉ tiêu kinh doanh được các ngân hàng kiểm soát nghiêm ngặt. Điều đáng ngại là nợ quá hạn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tăng nhanh và đã gần 10%, tức vượt gấp đôi ngưỡng an toàn mà ngân hàng nhà nước cho phép. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các dự án bất động sản, đóng tàu và chế biến thủy sản.

 

Theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng mà từng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành. Nhất là đối với các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. 

Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước lần này có độ mở cao vừa giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội sản xuất kinh doanh vừa giúp các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên phân loại nợ. Trước đây, các doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, ngân hàng cũng cơ cấu lại nợ nhưng doanh nghiệp sẽ bị thay đổi nhóm xếp hạng tín nhiệm. Việc giãn nợ hợp pháp lần này không làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Về phía khách hàng cũng tránh được việc phải trả lãi quá hạn mà theo qui định là cao gấp 150% lãi suất mà ngân hàng cho vay. 

Giảm lãi suất hay giãn nợ quan trọng nhất là tất cả hiện trạng nợ phải được xem xét kỹ càng, không bị che giấu. Mục đích cơ chế này giúp tạo dòng tiền lưu thông cho doanh nghiệp và bảo đảm việc cơ cấu sẽ mang lại  hiệu quả.

Do vậy, trong quyết định 780, NH nhà nước cũng yêu cầu NH thương mại tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các DN có nhu cầu vốn vay và đảm bảo khả năng trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều thắt chặt điều kiện cho vay. Trong đó yêu cầu cơ bản nhất là tài sản thế chấp. Song, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được do những nguyên nhân khách quan. Như tại một công ty với ngành nghề vật liệu xây dựng đa ngành, dù doanh số hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhưng hiện cũng chỉ vay được 570 triệu đồng. Trong khi đó, vốn lưu động tự có thể hiện qua giá trị hàng hóa luôn trên 5 tỷ đồng. 

Năm 2012 này được xem là năm mà doanh nghiệp đặc biệt khó khăn về vốn, tín dụng, thị trường. Báo cáo của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có 41 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Trong đó chính thức giải thể 25 doanh nghiệp, 16 doanh nghiệp ngừng hoạt động mà nhiều nhất là loại hình doanh nghiệp tư nhân. Còn trong năm 2011 trước đây, cũng đã có 88 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động.

Việc ngân hàng cơ cấu nợ cho doanh nghiệp là liều thuốc hữu hiệu để giải cứu doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ cũng cần phải được các ngân hàng thực hiện rõ ràng, minh bạch. Quan trọng nữa là sau cơ cấu nợ, chính sách mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp có thay đổi hay không, như: mức độ tín nhiệm của ngân hàng với doanh nghiệp, hạn mức tín dụng có sụt giảm hơn so với trước? Tất cả điều này luôn cần có một sự giám sát chặt chẽ, quyết liệt và công tâm từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước. Có như thế mới đạt được mục tiêu mà những người làm chính sách mong muốn là vực dậy sức sống cho doanh nghiệp.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *