Bên bờ hạnh phúc

Nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức đoàn hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh, đi thực tế nắm tư liệu tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam tỉnh Tây Ninh – nơi sinh thời, hai đồng chí Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt đã từng sống và làm việc.

 

 

Di tích lịch sử văn hóa Khu căn cứ Trung ương Cục Miền Nam nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 23/1/1961 quyết định thành lập Trung ương cục Miền Nam – một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, chủ yếu là Nam bộ, căn cứ đóng tại tỉnh Đồng Nai. Đầu năm 1962, căn cứ chuyển về chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến 30/4/1975.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục Miền Nam đã trực tiếp lãnh đạo quân và dân Miền Nam đoàn kết một lòng, liên tiếp đánh bại các âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, giành thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất đất nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thư, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long: “Qua chuyến đi này, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện cho hội viên và phóng viên các cơ quan báo chí trong tỉnh có điều kiện nắm thêm tư liệu thực tế, hiểu hơn về sự cống hiến, sự gian khổ của 2 ông trong kháng chiến. Trong thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ tổ chức đợt sáng tác cho phóng viên đi thực tế tại các công trình, những nơi mà đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo đang phát huy hiệu quả như kênh Tây Nam ở An Giang, khu lọc dầu Dung Quất ở Quãng Ngãi và đường dây điện Bắc Nam

Về thăm di tích khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, lực lượng phóng viên, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long có dịp tìm hiểu rõ hơn về nơi ở và nơi làm việc của các vị lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục như : Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường…trong giai đoạn kháng chiến; đồng thời còn nghiên cứu điều kiện sinh sống và chiến đấu ở căn cứ như hệ thống công sự, hầm chữ A, giao thông hào được bố trí liên hoàn, khoa học.

Anh Nguyễn Thanh Hòa, Đài Truyền thanh huyện Vũng Liêm cho biết:“Khi đến tham khu di tích TW Cục Miền Nam, đặc biệt là thăm 2 ngôi nhà của đồng chí Phạm Hùng và đồng chí Võ Văn Kiệt, thì tôi rất xúc động vì căn nhà hoạt động của 2 đồng chí cũng như các đồng chí khác rất là đơn sơ, trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng các đồng chí vẫn hoạt động tốt để phục vụ cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Chúng tôi sẽ có nguồn tư liệu quý giá để tuyên truyền giúp cho nười dân hiểu cũng như tất cả các bạn trẻ chưa có cơ hội đến đây để hiểu thêm về đời sống, hoạt động kiên cường của các đồng chí và cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một di sản của đất nước, một chứng tích hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Hiện nay, những dấu tích còn lại tại nơi đây đã được xếp hạng .

Chuyến đi thực tế tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam giúp những người làm báo ở Vĩnh Long thu thập được nhiều tư liệu quý về nơi mà các đồng chí lãnh đạo kháng chiến đã từng vượt qua bao gian khó, lãnh đạo quân và dân miền Nam đoàn kết một lòng chiến đấu, đi đến thắng lợi cuối cùng; trong đó có cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt – hai người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm giữ gìn và phát huy những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp./.

Trâm Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *