Bên bờ hạnh phúc

Thời gian qua, cây lục bình đã giúp giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn chị em phụ nữ ở nông thôn và phát triển kinh tế hộ gia đình. Ở nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Long, cây lục bình được gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, một bất cập đang diễn ra là những dòng sông được tận dụng để trồng lục bình cũng chính là nguồn dẫn nước tưới cho nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để quy hoạch lại diện tích trồng lục bình để vừa giúp bà con tăng thêm thu nhập, cung cấp nguyên liệu phục vụ hoạt động tiểu thủ công nghiệp; đồng thời cũng đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

 

Dòng sông trên địa bàn huyện Tam Bình được trồng đầy lục bình. Người dân cho biết, chính vì sự phát triển quá nhanh của loại cây này mà giờ đây dòng sông gần như bị bồi lắng hoàn toàn, ghe xuồng không thể vận chuyển lúa cũng như vật tư nông nghiệp vào được ruộng đồng; bên cạnh đó, khâu thủy lợi cho nội đồng cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Hữu Liên, xã Long Phú – Tam Bình phản ánh:“Cái sông này giờ nó bị cạn rồi. Lục bình mộc nhiều quá rồi dẫn đến ruộng lúa bị phèn, sản xuất không năng suất, dân tổn thất rất nhiều, xuồng ghe đi lại không được, không thông thương được.”

Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long hiện toàn tỉnh có trên 150 ha mặt nước được người dân tận dụng trồng lục bình, chủ yếu là trên kênh mương nội đồng. Theo các nhà khoa học, cây lục bình khi không được quy hoạch mà trồng tràn lan thì sẽ tác động xấu đến phát triển nông nghiệp.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long: “Lục bình, ngoài tác hại là cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng của chúng ta thì nó còn có tác hại là lưu tồn nấm bệnh gây bệnh đốm vằn, còn gọi là bệnh khô vằn trên cây lúa, nên chúng ta không nên để cho nó phát triển nhiều. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng lúa và người trồng lục bình thì ở chính quyền địa phương cần có quy hoạch cụ thể, tập trung ở vùng nào nuôi trồng lục bình mà nó không làm ảnh hưởng đến sự vận chuyển hoặc đường nước vào trong ruộng của người dân trồng lúa. Chúng ta phải có những khu riêng biệt, có đê ngăn cách. Mà quan trọng là người trồng lục bình phải có biện pháp xử lý nấm bệnh, không để bệnh phát triển và lây lan sang ruộng lúa.”

Hiện nay, cây lục bình được rất nhiều địa phương trồng để làm ra các sản phẩm thủ công phục vụ xuất khẩu, giúp hàng ngàn chị em phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập, góp phần rất lớn vào việc xóa đói giảm nghèo. Song điều đáng quan tâm là lục bình được trồng trên sông, gây trở ngại lớn cho sản xuất và việc đi lại của người dân.           

Do chưa được quy hoạch hợp lý nên cây lục bình trên các dòng kênh mương nội đồng cứ phát triển ồ ạt. Trước tình hình trên, ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp, quy hoạch thật hợp lý để vừa phát triển được cây lục bình, tăng thu nhập cho bà con nông dân; vừa tạo điều kiện để ngành nông nghiệp được phát triển thuận lợi, tránh tình trạng lợi bất cập hại như hiện nay./.

Trường Sơn             

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *