Bên bờ hạnh phúc

 Để giảm thiểu những mặt trái từ thuốc trừ sâu rầy có nguồn gốc hóa học, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM) đã được triển khai trong canh tác lúa nhiều năm qua ở ĐBSCL. Theo đó, để phòng trừ dịch hại hiệu quả cần phải thực hiện trong bối cảnh cụ thể của môi trường, mức độ phát triển của sâu rầy trên đồng ruộng. Trong quy trình này các biện pháp bảo vệ thiên địch được chú trọng để kiểm soát mật số dịch hại, các loại thuốc hóa học chỉ được tính đến như là giải pháp  cuối cùng.

 

Tuy vậy, thực tế đồng ruộng cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở những giải pháp của quy trình IPM là chưa đủ. Bởi, khi thâm canh, tăng vụ thì sự thích nghi của dịch hại diễn ra mạnh mẽ hơn các loài thiên địch. Hay nói cách khác, sự cân bằng giữa thiên địch và dịch hại trong đồng ruộng rất khó được duy trì trong điều kiện sản xuất lúa hiện nay. Để khắc phục, việc nhân nuôi, phát tán thiên địch được cho là giải pháp hiệu quả.

Thời gian qua ở ĐBSCL đã có một tiến bộ khoa học kỹ thuật cụ thể hóa hướng đi này. Đó là quy trình nhân nuôi và sử dụng nấm xanh. Qua hơn 03 năm ứng dụng, tiến bộ này đã khẳng định là một giải pháp hiệu quả giúp bà con nông dân quản lý rầy nâu và nhiều đối tượng côn trùng gây hại khác trên đồng ruộng. 

Trong ruộng lúa, bên cạnh dịch hại thì cũng có rất nhiều sinh vật hữu ích, chúng được gọi là thiên địch. Thiên địch sử dụng sâu rầy để làm thức ăn hoặc là ký chủ để ký sinh. Chính sự đấu tranh sinh tồn giữa dịch hại và thiên địch đã tạo ra sự cân bằng sinh thái trong ruộng lúa, giữ cho mật số dịch hại luôn ở mức không có khả năng gây hại.

Thiên địch có nhiều nhóm khác nhau như thiên địch bắt mồi, thiên địch ký sinh, thiên địch gây bệnh.

Trong các loài thiên địch trên thì nhóm có khả năng gây bệnh cho cây trồng được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, sản xuất dạng chế phẩm thương mại phòng trừ dịch hại.

Qua quá trình thu thập mẫu sâu rầy nhiễm bệnh trên đồng ruộng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc và các cộng sự ở Bộ môn phòng trừ Sinh học – Viện lúa ĐBSCL, đã phân lập được một chủng nấm xanh có khả năng tấn công mạnh rầy nâu, bọ xít và nhiều đối tượng côn trùng gây hại khác trên ruộng lúa. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình phân lập, nhân nuôi và ứng dụng vào thực tế đồng ruộng với tên thương mại là chế phẩm sinh học Ô-mê – ta. Đây là một loại thiên địch đầu tiên ở nước ta được nhân nuôi và sản xuất thương mại để trừ sâu rầy trên cây lúa.

 

Sau khi đã chọn được môi trường nuôi cấy thích hợp là tấm gạo, nhóm tác giả đã tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất nấm xanh ở quy mô nông hộ. Từ nguồn nấm phân lập trên các mẫu bệnh, nuôi cấy trong môi trường thích hợp để cho ra nguồn giống cấp 2. Đây là nguồn nấm giống để chuyển giao cho nông dân tự sản xuất.

Quy trình sản xuất nấm xanh Ô–mê-ta trong nông hộ cũng khá đơn giản. Trước tiên là chuẩn bị các phương tiện cơ bản như bọc nylon, co ống nước, gòn, băng keo, nồi nhôm và chất đốt để hấp môi trường nuôi cấy. Tấm gạo sau khi đã được hấp chín, khử trùng, để nguội, làm xốp môi trường sau đó cấy nguồn nấm giống. Quan trọng nhất trong quy trình là phải đảm bảo tủ cấy và các dụng cụ không bị nhiễm các nguồn vi sinh vật. Đồng thời thao tác cấy nấm giống phải nhanh, lẹ để tránh bị nhiễm nấm tạp. Sau khi cấy, bảo quản nguồn nấm ở nơi thoáng mát, thường xuyên lắc đều để nấm phát triển tốt. Khoảng 15 ngày sau là có thể sử dụng để phun xịt ngoài đồng ruộng.

Từ năm 2009 đến nay, quy trình này đã được triển khai ở nhiều địa phương như Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Thành Phố Cần Thơ và Vĩnh Long. Riêng ở Vĩnh Long đến nay đã xây dựng được 06 điểm mô hình. Mỗi điểm được đầu tư tủ cấy và các phương tiện cần thiết để nông dân tự nhân nuôi nấm. Sau 02 vụ triển khai, việc làm này đã được nông dân thực hiện khá thành công.

 

Qua các mô hình khảo nghiệm ở Vĩnh Long cho thấy, việc sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu, bọ xít, sâu cuốn lá mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Kiểm soát dịch hại hiệu quả với chi phí thấp là một trong những ưu điểm nổi bậc nhất của chế phẩm này được bà con nông dân ghi nhận.

Bên cạnh đó thì tác dụng phòng trừ dịch hại, hạn chế sự bộc phát mật số rầy nâu vào giai đoạn cuối vụ cũng là một ưu điểm nổi bậc của chế phẩm nấm Ô-mê-ta. Cơ sở khoa học của vấn đề này là vì nấm xanh không tiêu diệt thiên địch. Nên dù những con sâu rầy không bị nấm ký sinh thì cũng sẽ bị các loài thiên địch khác tấn công. Đồng thời, bào tử nấm được sinh ra từ những con sâu rầy bị nhiễm có thể lây lan sang những lứa rầy tiếp theo. Do đó, chúng không có điều kiện bùng phát mật số. Đây là một lợi thế mà các loại thuốc trừ sâu rầy hóa học không có được.

Do chế phẩm Ô – mê – ta là một dạng bào tử nấm còn sống nên khi phun xịt trên đồng ruộng cũng có nhiều điểm khác so với các chế phẩm sinh học khác. Dù sử dụng ở dạng chế phẩm bột phân tán trong nước hay tự nhân nuôi, thì cũng không được pha trộn với các loại thuốc trừ nấm bệnh khác. Vì các loại thuốc này sẽ tiêu diệt luôn bào tử nấm có trong chế phẩm. Để phát huy hiệu quả phòng trừ sâu rầy tốt nhất, bà con nông dân cần phải chú ý mật số sâu rầy cũng như thời điểm phun xịt thích hợp.

Tuy mang lại nhiều hiệu quả nhưng cần phải nói thêm rằng, sử dụng nấm Ô-mê-ta chỉ là một giải pháp phòng trừ sâu rầy đơn lẻ. Do đó, nếu muốn chúng phát huy tác dụng cần phải dựa trên cơ sở của kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại tiên tiến khác.

Cụ thể như tại mô hình ở xã Hiếu Nhơn huyện Vũng Liêm. Ngành chức năng địa phương đã phối hợp giữa mô hình công nghệ sinh thái với sử dụng nấm xanh trên phạm vi 30 ha. Từ nền tản cơ bản của kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, kết hợp với trồng hoa để thu hút thiên địch nên ngay từ đầu đã xây dựng được 01 ruộng lúa khỏe. Khi lúa 20 ngày tuổi ruộng bắt đầu xuất hiện rầy nâu với mật số thấp thì nông dân tiến hành phun nấm xanh để phòng trừ. Hệ thiên địch tự nhiên từ bờ hoa, cộng với thiên địch nhân nuôi là nấm xanh, đã giúp kiểm soát rất tốt cả rầy nâu và sâu cuốn lá. Đến nay lúa đã sắp trổ, bà con nông dân nơi đây chưa phải sử dụng một lần nào thuốc hóa học để trừ sâu rầy.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, vấn đề bộc phát mật số sâu rầy có liên quan chặt chẽ đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái đồng ruộng. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, phòng trừ dịch hại phải gắn liền với vấn đề bảo vệ thiên địch, hạn chế sử dụng các loại thuốc có độ độc cao.

Thực tế đã chứng minh, chế phẩm sinh học Ô-mê-ta là một giải pháp bổ sung hiệu quả vào quy trình quản lý dịch hại trên đồng ruộng. Không chỉ giúp kiểm soát tốt rầy nâu và nhiều đối tượng côn trùng khác, tiến bộ kỹ thuật này còn giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Đây cũng là một giải pháp kỹ thuật cho mục tiêu sản xuất lúa thân thiện môi trường mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *