Bên bờ hạnh phúc

Qua một thời gian khá dài, bà con nông dân trồng lúa đã quen rồi tập quán cũ. Nghĩa là cứ lấy lúa thịt, lúa ngang hàng năm làm giống sạ lại cho vụ sau. Qua nhiều thế hệ, nguồn lúa này bị thoái hóa dần, phẩm chất và năng suất đều giảm. Do vậy, việc sử dụng nguồn giống tốt, đúng phẩm cấp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong canh tác lúa ngày nay.

Cụ thể là khuyến cáo bà con nông dân phải sử dụng giống cấp thấp nhất là giống xác nhận, để sản xuất lúa hàng hóa, hạn chế và đi đến xóa bỏ hoàn toàn tập quán lấy lúa ngang làm lúa giống. Vì vậy, công tác giống được xem là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo của nước ta hiện nay.

 

 

Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, nơi nào công tác giống được đẩy mạnh, chất lượng cũng như giá cả lúa hàng hóa nơi đó được nâng lên, và kết quả là dần dần bà con cũng ý thức được tầm quan trọng của việc chọn giống trước mỗi mùa vụ. Thế nên, những cơ sở sản xuất lúa giống tại các địa phương cũng trở thành điểm đến tin cậy của bà con.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác lúa giống, những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực này. Những nông dân giỏi nghề sản xuất lúa giống luôn là những điển hình tiên tiến để các địa phương khuyến khích nhân rộng.

Anh Nguyễn Văn Thanh tại xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm là một  điển hình. Vừa làm việc tại UBND xã, anh vừa dành thời gian chăm sóc 2,7 ha lúa giống, 10 năm nay, năm nào lợi nhuận của anh cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhờ việc sản xuất lúa giống.

 

 

Anh Thanh chia sẻ, vào năm 2002, thấy nhiều nơi bà con làm lúa giống hiệu quả đạt được rất cao, thường cao hơn gấp rưỡi so với lúa hàng hóa, từ đó anh chuyển sang làm thử nghiệm trước 2 công. Mặc dù diện tích không nhiều, nhưng anh Thanh cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ lúa giống. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, dần dần vấn đề tiêu thụ sản phẩm không còn khó nữa, mà vấn đề nảy sinh tiếp theo lại là việc chọn lọc giống mới.

 

Ngoài việc tìm tòi, chuyên tâm nghiên cứu để phát triển kinh tế gia đình, anh Thanh còn rất tích cực trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, nhất là công tác giống cho bà con trồng lúa tại địa phương. Hiện nay, trên 40% diện tích đất trồng lúa tại xã Trung Hiếu đã được bà con sử dụng giống đúng phẩm cấp để gieo sạ. Tuy con số này chưa cao so với nhiều địa phương khác, nhưng với nhận thức đúng đắn đó của bà con cũng phần nào cho thấy vai trò của những nông dân đi đầu trong việc thay đổi tạp quán sản xuất như anh Nguyễn Văn Thanh.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *