Bên bờ hạnh phúc

 20 năm sau ngày chia tách tỉnh, ngành thương mại – dịch vụ của tỉnh Vĩnh Long thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế địa phương. Tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ trong 20 năm qua là 16%/năm, 10 năm trở lại đây tăng trưởng bình quân trên 18%/ năm. Đây là giai đoạn ngành thương mại dịch vụ của tỉnh thích ứng với cơ chế thị trường ; mạng lưới cung ứng vật tư, nguyên liệu, trao đổi hàng hóa được mở rộng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

 

Năm 2000, cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng qui mô lớn đầu tiên của ĐBSCL thông xe đã mở ra cơ hội mới cho Vĩnh Long phát triển kinh tế, đặc biệt là thương mại, dịch vụ. Sự chuyển biến rõ nhất là nhiều nhà đầu tư về mở các siêu thị tại thành phố Vĩnh Long. Từ đây mở ra mô hình bán lẻ hiện đại ,mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng thành thị. Hoạt động cách nay 5 năm, hiện nay siêu thị này có mức tăng trưởng cao so với ngày đầu, trên cả 3 tiêu chí là lượt khách bình quân hàng ngày, doanh số và mức độ mua sắm.

Kênh mua sắm hiện đại  đang phát triển nhanh tại khu vực thành thị. Đến nay, thành phố Vĩnh Long đã có một hệ thống với 4 siêu thị và nhiều Trung tâm thương mại, Cửa hàng tiện lợi  và mạng lưới chợ nông thôn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng và ngày càng cao của khách hàng.

Cùng với sự phát triển hệ thống đường bộ, bao gồm cả đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã ,đã hình thành phát triển nhiều chợ mới ,ngay cả các xã vùng xa. Nhờ vậy, mạng lưới cung ứng vật tư, nguyên liệu, trao đổi mua bán hàng hoá trong tỉnh ngày nay được mở rộng đến tận các xã vùng nông thôn.  Trong  20 năm, đã có 30 chợ được xây dựng mới, nâng tổng số chợ hiện có trên địa bàn toàn tỉnh lên 108 chợ. Ở xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, nơi ngày xưa được biết đến với tên gọi Bưng Sẩm, thì nay đã hình thành khu chợ mới, nhà phố khang trang. Từ chỗ đi lại chỉ bằng đường thủy thì nay đã có đường ô tô về tận xã. Qua đó thúc đẩy thương mại và dịch vụ địa phương phát triển.

Theo kế hoạch xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, đến năm 2015, 50% thị trấn trong tỉnh sẽ có trung tâm thương mại hoặc siêu thị; 30% các chợ thị trấn và một số chợ khu vực nông thôn đạt chợ loại 1 và loại 2; 70% chợ đạt loại 3. Cụ thể đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 116 chợ và 5 thị trấn của tỉnh có trung tâm thương mại hoặc siêu thị.

 

 Để đảm bảo đạt kế hoạch đề ra, tỉnh Vĩnh Long sẽ ban hành quy định khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn. Chợ mới Song Phú, huyện Tam Bình nhờ thực hiện tốt việc xã hội hóa, mời gọi doanh nghiệp đầu tư theo phương thức B.O.T nên tiến độ xây dựng nhanh và đưa vào hoạt động đầu năm 2012 này. Số lượng tiểu thương vào chợ kinh doanh tăng gấp 3 lần so với chợ cũ.

Với một tỉnh đất hẹp người đông, mật độ dân cư vào loại cao nhất khu vực ĐBSCL, là một thế mạnh để tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hoá  huy động vốn đầu tư; đặc biệt là vận động các doanh nghiệp mở rộng hệ thống bán lẻ. 8 năm sau ngày chia tách tỉnh, quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng gấp 5 lần. Đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm gần đây, có thêm nhiều nhà đầu tư về Vĩnh Long mở các Trung tâm thương mại chuyên ngành.

Với lợi thế nằm ngay giữa trung tâm ĐBSCL, Vĩnh Long còn là điểm đến thuận tiện cho khách du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh trong năm vừa qua là 750 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế là 200 ngàn lượt khách, tăng 22% so với năm trước đó.

Thương mại, dịch vụ, du lịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế đã góp phần nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2011 đạt gần 21 ngàn tỷ đồng, tăng 38 lần so với 20 năm trước. Tính chung, tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ trong 20 năm qualà 16%/năm.

Là tỉnh có diện tích đất đai màu mỡ, Vĩnh Long là nơi có nhiều nông sản nổi tiếng, là thế mạnh của tỉnh trong việc chế biến xuất khẩu. Hiện nay, gạo, thủy sản, nấm rơm, khoai lang, v.v… là các sản phẩm chủ lực của Vĩnh Long, được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Đến năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 5,6 lần so với năm 2000 và tăng gần 14 lần so với năm 1992. Tăng trưởng xuất khẩu bình quân cho cả giai đoạn 20 năm đạt 17%/năm. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có sản lượng tăng cao như: gạo xuất khẩu tăng trên 7 lần, thủy sản tăng gần 10 lần.

 

Vĩnh Long hiện có những doanh nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu có thế mạnh trong khu vực. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một điển hình. 20 năm qua, mặt hàng này có giá trị xuất khẩu tăng hơn 13 lần.

Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long tiền thân là một HTX hoạt động từ năm 1996, đến năm 2003 chuyển thành công ty cổ phần. Từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty có sự tăng trưởng liên tục. Kế hoạch năm nay là đưa doanh số xuất khẩu lên 24 triệu USD. Đây được xem là doanh nghiệp  xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mạnh trong cả nước.

Các ngành dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng. Nếu như năm 1992 mới có 1 doanh nghiệp viễn thông thì nay có đến 7 doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn của tỉnh. Thuê bao điện thoại năm 1992 là 4 ngàn máy thì hiện nay phát triển đến 1 triệu 820 ngàn thuê bao. Dịch vụ internet năm 1992 chưa có thì hiện nay đạt gần 20.000 thuê bao. 100% xã trong tỉnh được phủ sóng điện thoại và đường truyền cáp quang.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 20 tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng, phân bố đều khắp trên địa bàn. Qua đó khai thác tốt thị trường vốn và dịch vụ tín dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Sự phát triển toàn diện ngành thương mại – dịch vụ qua 20 năm tái lập tỉnh là một bước tiến dài. Không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh, thương mại dịch vụ của Vĩnh Long thực hiện tốt vai trò cầu nối gắn kết sản xuất với tiêu dùng, liên kết thị trường nội tỉnh với khu vực ĐBSCL và cả nước, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *