Bên bờ hạnh phúc

Thời gian gần đây, thị trường cây cảnh, hoa kiểng được cho là đã gần đến điểm bão hòa, nghĩa là sức tiêu thụ và lợi nhuận kinh tế không còn hấp dẫn như nhiều năm trước. Nhận thức được xu hướng tất yếu này, nhiều nhà vườn đã có cách đầu tư riêng để nhằm chủ động hơn khi gặp những bất lợi ở thị trường tương lai.

 

Nhiều nông dân chuyên làm nghề cây giống, hoa kiểng nói chung đều có nhận định: thị trường đã gần đến điểm bão hòa; bởi hơn ai hết, bản thân họ đã phải nếm trải nhiều khó khăn của nghề. Chẳng hạn như, tình hình tiêu thụ chậm lại, giá cả cũng giảm dần qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này là do ngày càng có nhiều người nhảy vào nghề sản xuất và kinh doanh cây giống, hoa kiểng – một nghề được cho là làm giàu khá nhanh.

 

Nhiều nông dân nhạy bén, cũng đã nhận diện được vấn đề, nên cũng đã có sự chuẩn bị riêng cho mình từ sớm, để ứng phó với tình hình. Cụ thể như hộ của ông Võ Ngọc Sáng, còn gọi là Mười Sáng ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Hiện nay vườn kiểng nhà ông có diện tích trên 5.000 m2, với gần 15.000 cây kiểng lớn nhỏ khác nhau, mỗi năm đều thu lãi vài trăm triệu đồng. Được biết trong thời gian tới, những cây sầu riêng nhiều tuổi, kém hiệu quả này sẽ bị xóa sổ để nhường chỗ cho hàng loạt những cây kiểng có giá trị thế vào. Bí quyết thành công của ông chỉ đơn giản là đầu tư dài hạn, tính theo chất lượng, không chạy theo số lượng.

Nhờ được chân truyền từ thế hệ trước, nên ít nhiều ông Mười cũng có tay nghề sửa kiểng rất khá. Bởi vậy những cây kiểng đã trồng lâu năm lại được chỉnh sửa khéo léo, đúng nguyên tắc thẩm mỹ thì luôn có giá cao.

Ông Mười cũng chia sẻ thêm, để thành công với nghề kiểng theo cách của ông cũng không phải dễ. Trước tiên, đòi hỏi phải có lòng đam mê và phải có chút ít tay nghề, kế tiếp là phải có vốn để có điều kiện đầu tư lâu dài, bởi có khi phải nuôi cây đến gần chục năm mới có thể bán được.

 

Tuy có những cái khó cơ bản như thế, nhưng dù sao, cách đầu tư theo kiểu của ông Mười vẫn được đánh giá cao, và vẫn được nhiều nông dân học tập.

Điển hình nhất là hộ của ông Phạm Văn Thành, cũng địa phương với ông Mười Sáng. Nhờ nguồn cây kiểng trồng xen trong vườn cây ăn trái nhiều năm trước, khoảng 5 năm nay, khi bắt đầu đầu tư chuyên nghiệp, vườn kiểng này bắt đầu cho thu nhập rất khá. Mỗi năm chỉ cần bán vài cặp cây kiểng, thu nhập cũng trên 100 triệu đồng. Hiện gia đình ông rất tâm đắc với vườn kiểng nhà mình và cũng mong muốn hợp tác lâu dài với ông Mười Sáng trong khâu tiêu thụ.

Ở chừng mực nào đó, mô hình còn được xem là biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn ở nông thôn hiện nay. Đặc biệt, trong giai đoạn địa phương này đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *