Bên bờ hạnh phúc

 Mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long đến năm 2020 sẽ phát triển nền nông nghiệp tỉnh theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nâng cao giá trị trên một diện tích đất canh tác, phấn đấu đạt bình quân trên 129 triệu đồng/1ha/năm. Trong đó, đảm bảo diện tích sản xuất lương thực phù hợp với yêu cầu, giữ diện tích đất canh tác lúa khoảng 40.000ha.

 Giải pháp cho mục tiêu là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp. Đồng thời, vấn đề gia tăng thu nhập từ cây lúa cũng luôn được quan tâm đúng mức. Bởi, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực và nguồn thu quan trọng của phần lớn nông dân. Hiện nay, ngành chức năng đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu hạ giá thành, nâng cao hiệu quả canh tác ở những vùng độc canh lúa.

         

         

 Theo thống kê của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, năng suất bình quân của 03 vụ lúa trong năm ở Vĩnh Long trong năm 2011 gần 5,7 tấn/ha, cao hơn mức bình quân trong toàn khu vực khoảng 0,1 tấn/ha. Với năng suất này, năm qua mỗi ha lúa mang lại cho người nông dân lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng. Nhờ giá lúa tăng cao mà thu nhập của nông dân trồng lúa được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với nhiều “lão nông tri điền” thì vẫn còn có nhiều yếu tố bất ổn đối với thu nhập cho người trồng lúa. Và lo lắng này đã được minh chứng trong vụ Đông Xuân 2011-2012.

 Số liệu thống kê cho thấy giá thành sản xuất bình quân 01 kg lúa là gần 3.400đ, tăng hơn vụ Đông Xuân năm trước hơn 12%. Nguyên nhân chính là chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công lao động đều tăng. Chính vì vậy mặc dù năng suất được giữ vững, bình quân 6,73 tấn/ha, nhưng do giá lúa sụt giảm mạnh nên mỗi kg lúa người nông dân chỉ thu lãi bình quân hơn 1.600đ, đạt tỷ lệ 32,5%. Vậy là bình quân mỗi ha lúa Đông Xuân nông dân chỉ còn lời gần 11 triệu đồng. Với tình hình này, lợi nhuận trên 1ha lúa năm 2012 sẽ sụt giảm hơn 50% so năm trước đó.

Từ những diễn biến trên cho thấy, giá lúa luôn biến động trong khi giá thành sản xuất ngày một tăng cao là một nguy cơ làm cho lợi nhuận của người nông dân ngày càng sụt giảm. Để khắc phục, có nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó, những kỹ thuật canh tác nhằm tiết giảm chi phí đang cho hiệu quả rõ nét nhất ở những địa phương mà đời sống nông dân vốn chỉ dựa vào cây lúa.

Cụ thể như tại xã Trung Hiệp, một trong những địa phương dẫn đầu huyện Vũng Liêm về năng suất và hiệu quả trong canh tác lúa. Để phục vụ cho hơn 930 ha đất lúa, xã đã được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, đảm bảo nhu cầu canh tác 03 vụ ăn chắc trong năm. Để gia tăng hiệu quả canh tác từ cây lúa, xã còn chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, các viện trường để chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con nông dân. Những quy trình kỹ thuật canh tác như  IPM, “3 giảm 3 tăng”, “canh đồng lúa 4 tốt”, sử dụng giống chất lượng cao đều được triển khai tại đây. Nhờ vậy mà năng suất lúa bình quân của Trung Hiệp đạt gần 6 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, hiệu quả nổi bật nhất chính là bà con nông dân đã tiết giảm được chi phí canh tác, từ đó thu nhập từ cây lúa được ổn định hơn.

        

 

         

 Qua thực tiển cho thấy, địa phương nào tổ chức được liên kết sản xuất tốt thì nông dân ở đó sẽ dễ dàng tiếp cận với khoa học kỹ thuật hơn. Điển hình như tại xã Xuân Hiệp của huyện Trà Ôn.

 Là một trong những địa phương khởi đầu phong trào xã hội hóa công tác lúa giống ở Vĩnh Long, nông dân xã Xuân Hiệp đã nhanh chóng tiếp cận với kỹ thuật sử dụng nguồn giống tốt để nâng cao năng suất và hiệu quả trong canh tác lúa. Hiện nay, trên địa bàn xã có 02 hợp tác xã và 02 tổ hợp tác, câu lạc bộ chuyên sản xuất lúa giống. Bên cạnh cung ứng nguồn lúa giống chất lượng cao cho địa phương, đây còn là những hạt nhân để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiệu quả từ những nông hộ này là những minh chứng thuyết phục nhất để nhiều bà con nông dân khác làm theo. Điểm nổi bật nhất trong sản xuất lúa ở Xuân Hiệp là có trên 95% diện tích lúa ở đây sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên.         

 Nhờ thực hiện tốt công tác xã hội hóa giống lúa mà hiện nay tỷ lệ nông dân sử dụng hạt giống đạt chất lượng ở Vĩnh Long khá cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp có hơn 70% , trong tổng số khoảng 180 ngàn ha, diện tích gieo trồng lúa mỗi năm nông dân sử dụng giống từ cấp xác nhận hoặc tương đương. Đây hiện là một yếu tố quan trọng để tiết  giảm chi phí, cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

 Với diện tích gieo trồng chiếm hơn 50% đất nông nghiệp, vấn đề gia tăng hiệu quả canh tác lúa được xác định là một nội dung quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long. Nếu làm tốt, sẽ góp phần rất nhiều để đạt được các tiêu chí về kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ở nông thôn.

Thực tế cho thấy, nông dân Vĩnh Long đang phải đối mặt với cái khó chung của bà con trồng lúa cả nước. Đó là vấn đề gia tăng liên tục của giá cả các yếu tố đầu vào. Sự bất ổn của thị trường tiêu thụ lúa gạo. Những nguy cơ rủi ro từ thiên tai, dịch hại. Trong bối cảnh mà thị trường tiêu thụ luôn là ẩn số thì những giải pháp tiết giảm chi phí đang là hướng đi phù hợp nhất. Hiện nay chúng ta đã có nhiều giải pháp, thậm chí là mô hình canh tác kiểu mẫu để thực hiện hướng đi này. Vấn đề là làm thế nào để nhân rộng, ngày càng thu hút được sự tham gia của số đông nông dân trồng lúa. Bên cạnh những giải pháp của ngành chức năng thì ý thức của bà con nông dân chính là yếu tố quyết định những thay đổi cần thiết ngay trên mảnh ruộng của mình.

 Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *