Bên bờ hạnh phúc

Nói đến Bến Tre,  hình ảnh những cây dừa thường là đầu câu chuyện. Và, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong tác phẩm Dáng đứng Bến Tre đã viết lời ca :

Ai đứng như bóng dừa

Tóc dài bay trong gió

Có phải người còn đó

Là con gái của Bến Tre.

Hình ảnh cây dừa đã gắn liền với mảnh đất Bến Tre , ba đảo dừa xanh, nét đặc trưng riêng của vùng đất này.

 

Hành trình đầu tiên, chúng tôi đến vườn dừa dứa chuyên canh của vợ chồng chị Trần Thị Thanh, ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành- là gia đình nông dân sản xuất giỏi, từ bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. 

Lập gia đình ra riêng, vợ chồng chỉ có một công vườn, nên hàng năm phải đi thuê ruộng làm lúa. Anh chị không dừng ở đó, mà còn phát triển thêm nghề chăn nuôi … Nhờ cần cù chịu khó, nên từ chỗ thuê đất canh tác, dần dần đến nay anh chị đã làm chủ thật sự gần 9 công vườn. Và đó cũng là vườn dừa. Hiện anh đã chuyển đổi qua trồng cây dừa xiêm dứa  để uống nước và ươm giống, mang lại hiệu quả kinh tế rất khả quan.

Theo chị Thanh cho biết, dừa xiêm dứa mà vườn chị đang trồng là loại dừa xiêm dứa xanh cho trái rất say, khi trổ buồng chuỗi bông có màu hơi vàng, kết  từ 15, 18 trái trở lên trên mỗi buồng. Nước uống có độ ngọt thanh và thơm mùi lá dứa, nên thường được gọi là “dừa xiêm dứa”.

Đến Bến Tre trong những ngày tháng 4 này, dù ở Châu Thành, hay huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc…, đến đâu, du khách cũng được các chủ vườn dừa tiếp đón nồng hậu.

 

Ngoài việc tận hưởng không gian thoáng mát, đi bộ ngắm cảnh đường làng quê dừa, du khách sẽ chứng kiến nhiều vườn dừa xanh oằn sai trái, được thưởng thức nước dừa tươi, nguyên chất rất ngon – ngọt – mát tại vườn. Đây thật sự  là một trải nghiệm rất thú vị.

Trên đường đi tham quan và tìm hiểu quy trình sơ chế sản xuất chỉ xơ dừa và cơm dừa xuất khẩu, ở xã Thành Triệu, chúng tôi bắt gặp cuộc sống thường nhật gắn liền với cây dừa của người dân vùng ven đô thị, ngắm con đường làng dừa với cảnh quan thiên nhiên thoáng mát.

Tiếp tục hành trình trên xứ dừa, đoàn chúng tôi đến xã Tân Thạch, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa thủ công truyền thống có nhãn hiệu : “Quê Dừa”.

Đến điểm du lịch sinh thái với không gian sông nước hữu tình, thơ mộng, bên vườn cây ăn trái. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu quy trình làm kẹo dừa với nhiều công đoạn. Chủ cơ sở sẽ mời du khách dùng thử những viên kẹo dừa béo ngậy còn nóng, thơm ngon. Vị ngọt ngào của những viên kẹo dừa mới ra lò, cũng như sự thân thiện, mến khách của những người dân xứ dừa nơi đây, sẽ để lại những dấu ấn khó phai trong lòng  du khách.

Du khách có thể chọn mua những đặc sản của xứ dừa tại đây, để làm quà biếu cho người thân, bạn bè thân hữu sau chuyến đến xứ dừa khám phá “Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012”.

Cùng với viên kẹo dừa, từ xa xưa, dân gian Bến Tre có câu: “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”. Theo câu ca dao xưa, cuộc hành trình trên xứ dừa lại đưa chúng tôi đến với loại bánh đặc sản xứ dừa cũng ngay tại điểm du lịch này.

Trên đường về lại thành phố Bến Tre tham gia các sự kiện lễ hội,  một du khách mời chúng tôi cùng đi mua dừa sáp, dừa xiêm. Và dù đã đến Bến Tre nhiều lần , chúng tôi vẫn thấy bất ngờ trước sự phong phú của các chủng lọai dừa ở đây.  

Tấm biển ghi 2 chữ "dừa sáp" , cắm trên một rổ dừa đâu chừng chục trái, bọc lưới vàng kỹ lưỡng, trái nào cũng lột vỏ phân nửa, đều có đóng dấu  tên chủ dừa, như kiểu người ta đóng dấu hoặc lăn vân tay ở góc bức thư pháp. Rất thích, nhưng cũng sẽ ngỡ ngàng về giá bán : Hai trăm bảy chục ngàn đồng một trái, vị chi hai trái năm trăm bốn chục ngàn đồng. Cô bán hàng ở đây giới thiệu : Dừa sáp còn gọi là dừa kem, là giống dừa đặc sản của Trà Vinh, nay đã được nhân giống tại Bến Tre. Dừa sáp ít nước hoặc không có nước, cơm mềm dẻo, dày thơm, có trái cơm dày đến kín ruột. Mỗi buồng dừa chỉ được một đến hai trái dừa sáp. Cho nên, giá đắt cũng có lý do.

Về Bến Tre lần này, cùng du khách đi thăm khắp chốn "thủ phủ dừa", tham quan các làng nghề, chúng tôi khám phá thêm nhiều giống dừa và tận mắt nhìn thấy sự phong phú đến ngạc nhiên các loại sản phẩm và công dụng của dừa, một loại cây trái thuộc nhóm biểu tượng cho sự trù phú của miền Nam.

 

Từ dừa, người xứ dừa làm ra bao sản phẩm độc đáo .Những thứ tưởng chừng bỏ đi như gáo dừa, cọng lá dừa, chà dừa, kể cả dừa điếc, qua bàn tay của nghệ nhân , phế phẩm đã trở thành hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao, được du khách thập phương ngưỡng mộ.

" Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ, cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió, tôi hỏi nội tôi, dừa có tự bao giờ,… ". Những lời thơ da diết miêu tả cây dừa quê hương của Nhà Thơ Lê Anh Xuân trong tác phẩm “Dừa ơi”  dường như hiện hữu trong không gian xanh mát của xứ dừa. 

" …Nhớ con sông dài Hàm Luông bến ta quen ghé, lại nhớ tóc ai dài, còn thương dáng đứng Bến Tre ,..". 

Ca khúc Dáng đứng Bến Tre , quà tặng thật nhiều ý nghĩa của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý  khi  đặt chân đến xứ dừa.

Hôm nay, dáng đứng Bến Tre vẫn thân thương giữa đồng bằng. Vùng đất nầy từng vượt qua bao thử thách và đang trên đường phát triển với dừa, và đang tôn vinh.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *