Mặc dù không phải đang thời điểm gọi là mùa mãng cầu xiêm nhưng lúc nào ở địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cũng diễn ra hoạt động mua bán nhộn nhịp. Bởi ở đây bà con đã biết kỹ thuật xử lý cho mãng xiêm ra trái theo ý muốn, vì vậy mà quanh năm, mùa nào mãng cầu cũng có mặt. Những hộ dù có ít đất canh tác cũng có thể thu được từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cải thiện rất lớn đời sống kinh tế gia đình.

 

Như gia đình của ông Đào Văn Đồng ở ấp Tân Ninh, trước đây khi còn làm ruộng, 05 công đất của gia đình chỉ giải quyết được cái ăn mà thôi, còn tất cả chi tiêu khác đều phải nhờ vào tiền chăn nuôi hoặc làm thuê thêm của gần 6- 7 thành viên trong gia đình. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm đến nay, gia đình đã khá lên rất nhiều, các con của ông dù đã có gia đình riêng cũng không còn sợ cái cảnh nghèo khó như trước nữa.

Theo như gia đình ông Đào Văn Đồng chia sẻ, với giá bán khoảng 12 ngàn đồng/kg thì với 700 kg thu hoạch, gia đình ông đã thu được trên 8 triệu đồng. Số tiền này trước đây ông phải vất vả hàng năm trời cũng không có được. Đây quả là kết quả rất đáng mừng đối với gia đình ông.

Ông kể lại, thời điểm trước năm 2006, trong khi những hộ xung quanh đã mạnh dạn lên liếp lập vườn trồng mãng cầu và đã làm giàu cả rồi, nhưng gia đình của ông vẫn cứ loay hoay làm ruộng, nuôi heo, thu nhập bấp bênh, các con của ông phải bỏ quê đi làm thuê xa xứ mới đủ tiền xoay xở chuyện nhà.

Bàn tính mãi, cuối cùng ông cũng nhận ra vấn đề: mỗi nơi đều có một đặc sản phù hợp với vùng đất của mình, có lẽ vùng đất phèn mặn này thiên nhiên đã ban tặng cây mãng cầu xiêm để nông dân vơi đi phần vất vả và có điều kiện vươn lên làm giàu; chứ không lẽ cứ mãi bỏ quê mà đi. Vậy là ông quyết tâm chuyển đổi như nhiều hộ khác: trồng mãng cầu xiêm.

 

Ngoài yếu tố cho trái quanh năm làm tăng năng suất, việc trồng ghép mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bác cũng là yếu tố quan trọng quyết định tuổi thọ, sức sinh trưởng và năng suất của cây. Được biết, cây mãn cầu gốc ghép như thế này sức chịu đựng khô hạn, ngập úng hay phèn mặn đều rất tốt. Chính vì vậy chúng đã dần thay thế những cây trồng trước đó vốn không chịu nỗi sự khắt nghiệt của vùng đất cù lao ven biển này.

Tính trung bình, mỗi công mãng cầu có thể trồng từ 40 gốc đến 60 gốc tùy hộ dân, mỗi gốc khi đạt 4 năm tuổi trở lên cho trái ổn định, thu nhập từ 500 đến 700 ngàn đồng/năm, vậy mỗi công có thể thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng triệu đồng. Mức lời rất khá. Có lẽ nhờ vậy mà, gần 10 năm nay, những hộ dân đã từng rời quê đi làm công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện quay làm giàu trên mảnh đất thân yêu của mình.

Trên địa bàn xã Tân Phú, ngoài cây dừa, hiện nay cây mãng cầu xiêm cũng đang là cây trồng chủ lực góp phần rất lớn để giải quyết bài toán xóa nghèo của xã, đã có gần 600 hộ tham gia trồng mãn cầu với tổng diện tích gần 300 ha. Thu nhập trung bình của mãng cầu xiêm hiện đạt trên 200 triệu đồng/ha. Những xã lân cận trong huyện như Tân Thới, Phú Thạnh cũng bắt đầu tăng dần diện tích, mỗi năm tăng khoảng hàng chục ha. Nhờ phát triển tốt trên vùng đất phèn mặn, nên mãng cầu xiêm được chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang xác định là cây trồng chuyên canh của huyện ven biển Tân Phú Đông này; và hiện đang có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *