Bên bờ hạnh phúc

Tình hình đóng băng của thị trường bất động sản khởi điểm từ năm 2008 và kéo dài cho đến đầu năm nay. Cho đến thời điểm này, tại Vĩnh Long,  hầu hết các dự án nhà ở thương mại  đều lâm vào tình cảnh khó khăn do thiếu nguồn vốn để hoàn thành dự án và không tìm được đầu ra.

Điển hình như dự án nhà ở dành cho công nhân viên của Cty Hoàng Quân Mekong ở khóm 2, phường 3 thành phố Vĩnh Long, quy mô mặt bằng hơn 11.000 m vuông, với khoảng 77 căn hộ ,đã qua hơn 1 năm triển khai nhưng hiện trạng mặt bằng dự án cũng chỉ ở mức xuất phát  ban đầu. 

 

 

Còn ở khu nhà ở Hoa Lan do Công ty TNHH TM Toàn Quốc đầu tư với quy mô 2 hecta, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân có mức thu nhập trung bình khá, với mức giá mỗi căn nhà từ 500 triệu , 700 triệu đến dưới 1 tỷ đồng,  đến nay cũng chỉ phát triển khoảng 50% diện tích. Dù còn quỹ đất khá nhiều, nhưng do tín hiệu thị trường chậm, cộng thêm tín dụng còn thắt chặt nên doanh nghiệp này đã quyết định gói gọn lại dự án, tiến độ phát triển dựa trên thực lực sẵn có chứ không vay vốn đầu tư để tránh rủi ro. 

Nguyên nhân sâu xa của việc thắt chặt tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản chính vì sự tăng trưởng đột biến và thiếu tính bền vững trong những năm trước đây. Vì vậy, khi thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng từ năm 2008, thì nguồn vốn tồn động vào lĩnh vực này cũng  không thể phát huy hiệu quả phát triển kinh tế của nó, góp phần tạo nên sức ép của lạm phát trên thị trường. Một điều đáng lo lắng là tình trạng nợ xấu trên lĩnh vực bất động sản đã tăng lên đáng kể trong đầu năm nay. Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho nhánh Vĩnh Long,  trong năm 2011 nợ xấu của lĩnh vực này chỉ ở mức hơn 180 tỷ đồng thì đến tháng 2 đầu năm nay đã tăng lên hơn 500 tỷ đồng còn nợ thuế trên lĩnh vực bất động sản là trên 30 tỷ đồng. 

Cái khó nhất trong việc khơi thông thị trường bất động sản hiện nay chính là do nguồn cung chưa gặp cầu. Tiền vay lãi suất cao nên khách hàng chưa mạnh dạng mua nhà đất. Doanh nghiệp bất động sản thì vì thế mà không quay được nguồn vốn, ngân hàng lại siết chặt tín dụng nên khó khăn càng nhiều hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có thời điểm nào giá bán bất động sản lại tiệm cận với giá thành như hiện nay nhưng vẫn chưa kích thích được thị trường. 

Với nhiều giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, trong năm 2011, tăng trưởng tín dụng cả nước chỉ ở mức 12% và trong năm 2012 này là không quá 17%. Lạm phát đã được kiểm soát tạo điều kiện thúc đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 2 năm 2012, Thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành chỉ thị 01 về điều hành tín dụng trong năm 2012, đồng thời trong đầu tháng 3,  đề án 254 của Chính Phủ cũng sẽ tập trung cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng để giảm nhanh lãi suất. Nhà nước sẽ mua lại một số dự án bất động sản khó bán để dùng vào mục đích an sinh xã hội.  Theo đó, chính sách tín dụng dành cho bất động sản cũng được cho là sẽ khả quan hơn trong thời gian tới với một số đối tượng được xếp ra khỏi lĩnh vực cho vay không khuyến khích.

 

Trên thực tế, thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian vừa qua đã tạo khó khăn lớn cho giới doanh nghiệp bất động sản do đồng vốn bị ứ đọng không phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng giúp cho các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn toàn diện hơn trong quá trình triển khai các dự án của mình. Đặc biệt là phải xác với nhu cầu thực tiễn của thị trường để tạo đầu ra tốt cho sản phẩm. Đồng thời, nó cũng góp phần đưa giá bất động sản trở về đúng với gía trị thực của nó, tránh hiện tượng đầu cơ gây nên hiện tượng sốt giá ảo. Như ở công ty liên doanh TNHH Tân Thành Ngọc – Thanh Bình vẫn tiếp tục phát triển khu nhà ở thương mại tại phường 9, TPVL trong đầu năm nay. Kinh ngiệm để doanh nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn chính là phát triển với quy mô vừa phải, phù hợp với nhu cầu nhà ở của người dân tại địa phương và dựa trên vốn liếng sẵn có của mình chứ không phụ thuộc vào vốn vay nhằm tránh tình trạng mất kiểm soát nguồn vốn. 

 Có thể nói trong gia đoạn khó khăn như hiện nay, thì nhà ở cho người thu nhập thấp được xem là các dự án đi sát với nhu cầu thiết thực của người dân và là một hướng đi tạo guồng quay tốt về vốn cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do mà doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hảo vẫn tạo được đầu  ra tốt trong khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn đều gặp khó khăn và tiếp tục phát triển các dự án nhà ở của mình trong năm nay.  

Với mức lãi suất huy động giảm xuống còn 13% một năm là động thái tích cực nhất để giảm lãi suất cho vay. Trong nhiều ngày qua, hầu hết hệ thống ngân hàng đều đồng loạt giảm lãi suất cho vay với mức cho vay thấp nhất còn hơn 15%. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực tiếp tục chịu sự thắt chặt tín dụng và không khuyến khích cho vay. 

 Chỉ có tín hiệu đáng mừng là những khoảng tín dụng ưu đãi dành cho người cần vốn mua nhà. Xét về góc độ này, thì doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ quay được nguồn vốn khi bán được nhà, góp phần kích thích thị trường bất động sản phát triển. 

 

Có thể nhận thấy rõ, nhu cầu lớn nhất  đối với lĩnh vực bất động sản tại Vĩnh Long vẫn chính là nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người thu nhập thấp.  

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các dự án này vẫn chưa triển khai được xuất phát từ hai nguyên nhân chính là cơ chế chưa thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn ngân hàng bị thắt chặt hoặc cho vay với lãi suất quá cao, đầu tư không hiệu quả. Trong khi , người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên lại có nhu cầu bức thiết về nhà ở. 

Thực tế trên cho thấy, cần có một cơ chế hoàn chỉnh hơn cho việc khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thị trường bất động sản dần trở về với giá trị thực của nó với nguồn cung đi sát với nhu cầu hơn, tránh được hiện tượng đầu cơ gây sốt giá. Có thể nhận định đây là tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường này lâm vào cảnh đóng băng như trong thời gian vừa qua.

Hướng đi tốt nhất để khai thông thị trường này chính là hướng đến những đối tượng có nhu cầu nhà ở thật sự với những dự án vừa phải có mức giá phù hợp. Bên cạnh chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bất động sản thì chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người có nhu cầu nhà ở thật sự cũng là điều hết sức cần thiết. Bởi nó không chỉ tạo nguồn ra tốt cho doanh nghiệp mà còn giải quyết được nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người dân hiện nay. Khơi thông thị trường bất động sản cũng sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nhiều cơ hội tốt trong kinh doanh và guồng quay của nền kinh tế cũng sẽ vận động nhịp nhàng hơn.

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *