Bên bờ hạnh phúc

 Để tham gia một đoạn hành trình nào đó trên dòng Mekong thì trong mỗi chúng ta ai cũng hơn một lần trải nghiệm. Nhất là đối với cư dân miền Tây thì: Sông nước dường như đã trở thành thân thuộc. Tuy nhiên, để có một trải nghiệm mới và cảm xúc khác trên dòng Mekong thì thật không dễ dàng gì.

 
 

 

Điểm đến của chúng tôi hôm nay là tỉnh Bến Tre – quê hương của ba đảo dừa xanh. Tuy nhiên, chúng tôi chọn một hành trình khác với hành trình trên con đường quốc lộ thông thường. Bỏ lại sau lưng những ồn ào và khói bụi của xe cộ để khám phá quê đảo- xứ dừa với một cảm xúc mới lạ khi bồng bềnh trên sông nước bằng con đường thủy lộ.

Chiếc đò nhỏ đưa chúng tôi theo dòng kênh là một nhánh sông nhỏ được chia ra từ sông Bến Tre. Đò len lỏi qua những cù lao xanh mướt vườn dừa. Vùng đất này vốn bị chia cắt bởi nhiều con sông lớn nên trước đây người dân địa phương thường dùng xuồng ghe làm phương tiện chủ yếu. Ngày nay, phương tiện đi lại đã có nhiều thay đổi nhưng xuồng ghe vẫn được người dân nơi đây sử dụng để đi chợ, vận chuyển hàng hóa..vv…. Việc chở khách trên những chiếc xuồng qua lại những con rạch nhỏ khám phá từng ngõ ngách xứ dừa là một hành trình thú vị.

Như muốn giới thiệu với khách phương xa về sản vật quê mình, người địa phương hiếu khách vừa liền miệng mời chúng tôi dùng những trái dừa ngọt lịm, vừa liền tay biểu diễn nghệ thuật chặt dưà mà người miền tây vốn quen gọi là “dừa ba nhát” – Nghĩa là chỉ cần ba nhát dao là có thể mở nắp trái dừa và dùng được mà không ảnh hưởng đến chất lượng nước uống. Đây là một kiểu chặt dừa rất khó đòi hỏi cả kỹ thuật và sự khéo léo của người chặt dừa.

Nhâm nhi quả dừa ngọt mà quên mất chiếc đò đã xuôi dòng một đoạn khá xa. Hai bên sông là những rặng bần và hàng dừa nước xanh um- đặc trưng riêng của Miền Tây sông nước. Đò đi qua sông Bến Tre- đoạn đi qua trung tâm tỉnh lị; là một trong nhiều nhánh của dòng Cửu Long.

 Chế độ thủy triều của dòng sông này là chế độ bán nhật triều. Cứ hễ 24 giờ trong ngày là có 2 lần nước lên, nước xuống. Người dân dựa vào đó mà canh giờ để vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.

Bến Tre không chỉ được biết đến bởi những giống dừa nổi tiếng mà còn râm mát với những hàng dừa nước ven sông. Người Miền Tây ai lớn lên cũng biết đến cây dừa nước. Đây là loại cây đa dụng, sống ven kênh rạch, ven sông, chân ngập trong nước chỉ có thân và lá cao lên khỏi mặt nước, lá dùng để lợp nhà, bẹ làm lạt buộc, trái dùng để ăn và đặc biệt là làm mứt, ngoài ra người ta hay trồng loại dừa này ở những ngã ba hoặc ven sông để bồi đắp phù sa giữ đất. Ngày xưa, loại trái này không có giá trị kinh tế cao nên nhà vườn chỉ chặt về nhà ăn chơi như một thứ quà vặt. Nay dừa nước được xem như một loại đặc sản mang lại giá trị kinh tế của vùng sông nước miền tây nên được nhiều thương lái đến mua mang ra thành phố bán.

Chiếc đò nhỏ tiếp tục đưa chúng tôi đi sâu hơn vào những con kênh lá dừa rợp bóng. Các phương tiện đánh bắt thủy sản truyền thống của người dân rải rác ven sông khi thủy triều xuống thấp, con nước này thuận lợi hơn cho công việc của họ.

Xen lẫn giữa những vườn dừa xanh um là cuộc sống của con người xứ dừa với những tất tả mưu sinh. Sản xuất, chế biến, kinh doanh những sản phẩm từ dừa đang là một trong hai nguồn kinh tế chủ lực của tỉnh Bến Tre hiện nay. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân mà cây dừa còn là hình ảnh du lịch đặc sắc góp phần thuận lợi cho việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Bến Tre. Đồng thời hình ảnh này đã mang đến cho Bến Tre một nét đặc thù riêng khác hẳn với các địa phương khác. Điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng đã tạo nên ba vùng sinh thái: ngọt, mặn và lợ. Từ đó, hình thành nên các hệ thực vật tương ứng. Trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, nước mặn xâm nhập làm thu hẹp diện tích trồng các loại cây khác trong khi cây dừa vẫn thích nghi và có khả năng phát triển tốt trên đất ngọt-mặn-lợ. Do đó, phát triển du lịch sinh thái kết hợp với hình ảnh cây dừa sẽ ít gặp rủi ro hơn. Ngoài tính năng thích nghi tốt với điều kiện bất lợi của tự nhiên, cây dừa còn được xem như cây lâm nghiệp, có độ che phủ cao và rất tốt trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống cho con người trước sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa.

 

 

Để khám phá và  cảm nhận sâu sắc nông  thôn Nam bộ thì ngoài việc len lỏi vào sâu trong những kênh rạch nhỏ bằng xuồng ghe, chúng tôi còn đến thăm những mái đình làng cổ và đi xe lôi qua những con đường làng, đồng ruộng bao la cũng giúp chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn về đời sống văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.

Cũng dưới vườn dừa râm mát, chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề dệt chiếu ở xã Nhơn Thạnh, Tp. Bến Tre. Nghề dệt chiếu ban đầu phát triển tự phát, rải rác ở địa phương. Sau đó, phát triển mạnh ở một nhóm hộ gia đình. Gia đình này đã có 3 đời làm nghề dệt chiếu, trồng lác làm nguyên liệu. Mỗi ngày một người có thể dệt được 3 đôi chiếu bằng phương pháp thủ công. Từ ý tưởng làm phong phú cho điểm đến của mình, những nhà làm du lịch đã nhạy bén kết hợp du lịch sinh thái với du lịch làng nghề tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du khách khi tiếp cận với đời sống cư dân vùng nông thôn Nam Bộ.

Các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống nơi đây thực sự góp phần tạo nên một sản phẩm du lịch phong phú như du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa địa phương.

Ngoài cảm xúc đơn thuần mà mỗi người trong chúng tôi cảm nhận được theo cách của riêng mình thì còn có một cảm nhận chung dành cho tất cả là cung cách phục vụ tận tình, chu đáo- đó là nét riêng của loại hình du lịch trên tàu. Vẻ đẹp ấy cũng mang đến cho chúng tôi một niềm tin về sự chuyên nghiệp của du lịch đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

Ấn tượng nhất dành cho chúng tôi khi tham gia hành trình này có lẽ là tiết mục COOK TOUR dành cho tất cả du khách được chuẩn bị công phu từ trước. Chúng tôi, ai cũng thấy thú vị khi được tự tay chế biến và thưởng thức món ăn dân dã trên tàu.

 

Chiếc tàu chở khách phương xa cứ chầm chậm trôi, chúng tôi mãi hàn huyên và tận hưởng không khí mát mẻ từ sông thổi vào mà quên mất tàu đã đi được một vòng cù lao gần 25km. Đoạn sông này là một nhánh nhỏ của sông Hàm Luông, là ranh giới giữa hai cù lao là: cù lao lớn và cù lao nhỏ. Theo cách gọi của người bản xứ là cù lao Long Thành và cù lao Đeo.

Cù lao Long Thành thuộc địa phận ấp Long Thành,xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm. Tỉnh Bến Tre. Hai cù lao này có tổng diện tích không lớn lắm được tạo nên do sự bồi tụ phù sa ở cuối dòng. Hai cù lao này được tách rời nhau bởi một nhánh sông nhỏ. Cư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và phát triển kinh tế từ cây dừa. Nhịp sống của người cù lao cũng hiền hòa đằm thắm như những rặng bần, những hàng dừa nước ven sông.

 

Tàu chở chúng tôi quay trở lại con sông lớn sau khi đi qua một vòng cù lao. Ở đây, chúng tôi gặp những cư dân bản xứ đang vận chuyển hàng hóa với mặt hàng chủ yếu là dừa khô chuyển từ những chiếc ghe nhỏ sang tàu lớn thu mua rồi vận chuyển đi khắp nơi. Có cả tàu trong nước và ngoài nước đến đây neo đậu. Những hoạt động này diễn ra tấp nập vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Sự nhộn nhịp đó  đã hình thành nên chợ dừa nổi trên dòng Hàm Luông.

Đờn ca tài tử là một trong những loại hình văn nghệ dân gian được nhiều người yêu thích và hưởng ứng. Để giới thiệu và quảng bá loại hình này thì nhiều tuor, tuyến du lịch cũng quan tâm khai thác kết hợp du lịch sinh thái với đờn ca tài tử. Tuy nhiên, cách làm mỗi nơi, mỗi khác. Có nơi chúng ta được thưởng thức loại hình này trong không gian nhà cổ, có nơi là góc vườn, chái hiên..vv…

Tạm biệt đảo xứ dừa, nhưng ấn tượng về một làng quê tươi đẹp, yên bình, những con người chất phác, hiền lành như vẫn còn vương vấn mãi trong lòng…

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *