Chạy tiếp sức đường dài Ekiden là môn thể thao rất phổ biến tại Nhật Bản. Điểm đặc biệt trong Ekiden là các vận động viên không trao gậy cho đồng đội mà sử dụng một chiếc khăn gọi là Tasuki. Theo quan niệm của người Nhật, khăn tasuki là biểu tượng cho sự bền bỉ và trách nhiệm.

Tùy quãng đường chạy dài hay ngắn mà số lượng vận động viên mỗi đội khác nhau, có thể từ 5 đến 10 người. Nội dung chạy ngắn nhất trong Ekiden là 12 km dành cho các đội nữ sinh trung học, mỗi đội 5 người và nội dung chạy dài nhất lên đến hàng trăm km.

Ekiden là môn thể thao mùa đông, ra đời tại Nhật Bản cách đây khoảng 100 năm. Theo thông lệ, mùa đông là thời điểm các giải thi đấu Ekiden diễn ra trên khắp các địa phương của nước Nhật. Một số giải quan trọng được truyền hình trực tiếp và là chương trình thể thao mùa đông thu hút lượng lớn khán giả theo dõi. Nổi tiếng nhất trong số đó là cuộc thi Hakone Ekiden.

Đối tượng tham dự là nam sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Hakone Ekiden được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, sự kiện kéo dài trong 2 ngày, mỗi đội gồm 10 vận động viên, họ phải hoàn tất chặng đường đua dài gần 220 km. Trong Ekiden, các chặng đường đua thường dài, tính bằng km, nhưng vận động viên không cảm thấy đơn độc bởi họ có đồng đội và luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả 2 bên đường.

Grand Tour Kyushu là giải Ekiden nổi tiếng về độ dài của đường đua, có thời gian chạy tiếp sức kéo dài đến 10 ngày, điểm xuất phát là Công viên Hòa bình Nagasaki. Với chặng đường đua dài 739 km, các vận động viên phải vượt qua 9 tỉnh trên đảo Kyushu. Grand Tour Kyushu là cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden có đường đua dài nhất tại Nhật Bản hiện nay.

Ekiden là môn chạy tiếp sức đặc trưng của đất nước Mặt Trời mọc, mỗi năm, nước này tổ chức vô số giải thi đấu từ giải của các trường trung học đến giải chuyên nghiệp cấp quốc gia. Gian khổ nhất là cuộc thi chạy tiếp sức lên đỉnh núi Phú Sĩ mà người Nhật gọi là Phú Sĩ Ekiden. Mỗi đội gồm 6 vận động viên nam, họ phải luân phiên nhau chạy lên đến độ cao 3.199m của ngọn núi và sau đó quay trở về chân núi trên quãng đường đua dài tổng cộng 47 km. Điểm đến trên đỉnh núi là một ngôi đền Thần Đạo, sau khi ban tổ chức đóng dấu trên chiếc khăn tiếp sức tasuki, các vận động viên tiếp tục cuộc hành trình chạy xuống núi.
Thời gian để các đội hoàn tất cuộc thi đầy thử thách này là trong vòng 4 giờ đồng hồ.

Nếu như chạy vượt dốc lên đỉnh núi khiến vận động viên mau đuối sức thì quãng đường xuống núi cũng không dễ dàng. Họ thường phải đối mặt với những cú ngã nguy hiểm.

Ekiden đã góp phần đào tạo cho ngành thể thao Nhật Bản những vận động viên marathon đẳng cấp quốc tế. Người được ghi nhận có công phát triển môn thể thao này lớn mạnh là vận động viên marathon nổi tiếng của Nhật Bản Kanaguri Shizo.

Việc sử dụng khăn tiếp sức tasuki thay gậy trong Ekiden có ý nghĩa đặc biệt. Không chỉ là biểu tượng cho sự bền bỉ và trách nhiệm, khăn tasuki còn là sợi dây gắn kết không thể tách rời giữa các thành viên trong cùng một đội.

Đối với người Nhật, Ekiden vượt qua khuôn khổ của một môn thể thao rèn luyện thể lực đơn thuần mà ở đó, nó ẩn chứa giá trị tinh thần về tình đồng đội, về sức mạnh của sự đoàn kết.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *