Bên bờ hạnh phúc

Sau nhiều năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò, một cơ quan trực thuộc Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu Việt Nam, vào năm 2007, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre và từ năm 2010 trở thành Giám Đốc Sở nầy . Mặc dù rất bận rộn với công việc quản lý – điều hành, chị vẫn tranh thủ thời gian theo đuổi luận án Tiến sĩ chuyên ngành dừa. Công trình nghiên cứu còn đang dang dở, nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã thân mật gọi chị là Tiến sĩ dừa.

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy sinh năm 1968, trong một gia đình lao động nghèo của thành phố Bến Tre. Từ tuổi ấu thơ, chị đã phải làm quen với việc một buổi đi học, một buổi đi làm, vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là để có thêm điều kiện theo đuổi việc học hành.

 

 Năm 1990, chị tốt nghiệp Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ.Tuy nhiên, sau khi ra trường, chị không tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo. Cơ duyên đẩy đưa chị đến Trung tâm Dừa Đồng Gòvà bắt đầu từ đó, số phận đã ràng buộc cuộc đời chị với cây dừa. Tại đây, công việc lúc đầu của chị là làm trợ lý giúp các kỹ sư triển khai các dự án trồng dừa. Năm 1994, cơ quan Mạng lưới Tài nguyên Di truyền Dừa Thế giới triển khai dự án nhân giống dừa ở Trung tâm Dừa Đồng Gò. Nhờ giỏi tiếng Anh,chị có cơ hội tiếp cận với nhiều chuyên gia nước ngoài đến tham gia thực hiện dự án. 

Thấy chị có hiểu biết, lại chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không hề ngờ rằng chị xuất thân không phải kỹ sư ngành trồng trọt, Tiến sĩ Pons Batugal – chuyên gia hàng đầu của Mạng lưới Tài nguyên Di truyền Dừa Thế giới – đã đề xuất cho chị một suất học bổng Thạc sĩ chuyên về dừa ở Philippines.

Vượt qua mọi thử thách trong cuộc thi sát hạch đầu vào, chị Thủy đã được chấp nhận vào học cao học tại Đại học Los Banos ở Philippines. Nhờ các bài viết đăngtrên nhiều tạp chí chuyên ngành, chưa hết năm thứ hai, chị đã được các chuyên gia về dừa trên thế giới biết đến. Sau khi tốt nghiệp cao học, chị trở thành chuyên gia của Mạng lưới Tài nguyên Di truyền Dừa Thế giới, được cử đi giảng bài về di truyền học cây dừa ở nhiều nướcnhư Philippines, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Fiji, Papua New Guinea, Bangladesh, Mexico… Những chuyến đi khắp thế giới như thế đã cho chị cơ hội để hiểu biết một cách tương đối toàn diện về cây dừa trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

 

Là Thạc sĩ chuyên ngành dừa đầu tiên củaViệt Nam, trở về nước, chị Thủy được giao nhiệm vụlàm Giám đốc Trung tâm Dừa Đồng Gò. Chịnhận thấy: Ngoài sản phẩm kẹo dừa rất độc đáo mà các nước khác không có hoặc có nhưng không thể sánh bằng, các lĩnh vực còn lại về dừa như giống, năng suất, chấtlượng, sản phẩm, thị trường… của Việt Nam nói chung và của Bến Tre nói riêng đều thua kém nhiều nước khác. 

Từ đó, chị suy nghĩ, tính toán đến việc phát triển các lĩnh vực chuyên ngành dừa, bắt đầu bằng việc phát huy tài nguyên di truyền dừa và tìm kiếm các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cây dừa. Chị nghiên cứu các giống dừa địa phương,tìm hiểu những tố chất vượt trội của chúng, ứng dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật để lai tạo cho ra những giống dừa mới có năng suất, chất lượng cao.

Mỗi giống dừa có ưu điểm riêng. Thí dụ,dừa cao cho trái to nhưng số lượng ít, dừa lùn cho trái nhiều nhưng trái nhỏ. Chị Thủy nghiên cứu đểhaidòng gen này lai tạo nhau, cho ra giống dừa lùn năng suất cao, trái to. Nổi tiếng nhất là giống dừa Đồng Gò 1-kết quả lai tạo giữa giống dừa ta trái to với dừa ẻo trái sai – và Đồng Gò 2-kết quả lai tạo giữa dừa Bến Tre với dừa Tam Quan của miền Trung.

 

 

 

Sau đó, chị tiến tới lai tạo các giống dừa xiêm địa phương với dừa dứa. Các giống dừa xiêm có ưu điểm là trái sai, nước ngọt, nhưng không thơm mùi hươnglá dứa. Còn dừa dứa nước rất thơm nhưng trái lại quá nhỏ. Vậy là có một cuộc hôn phối giữa dừa xiêm với dừa dứa để cho ra giống dừa có năng suất cao, nước ngọt, đậm đà hương. 

Sau đó, chị còn lai tạo thành công giống dừa sáp lai dứa. Nhữnggiống dừa lai này chưa tới ba năm tuổi đã cho trái rất to với năng suất từ 130 – 200 trái/cây/năm. Đặc biệt, dừa xiêm lục chỉ 18 tháng là ra bông, cho nước ngọt và thơm.

Nhân dịp này, chúng tôi ghé lại cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong – huyện Giồng Trôm để thăm một lão nông trồng dừa rất nổi tiếng ở Bến Tre. Đó là ông Đỗ Thành Thưởng, tên thường dùng là Tám Thưởng – người nông dân trồng dừa đầu tiên của Việt Nam đã hailần nhận giải thưởng quốc tế, từng đượcvinh danh là Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam.

Sau hơn hai thập niên miệt mài sưu tập, giờ đây, ông Tám Thưởng sở hữu 20 loại dừa giống, trong đó có nhiều loại quý hiếm, chất lượng cao.

 

 Ông cho biết, bộ sưu tập hơn 20 giống dừa của ông được chia thành hai nhóm là nhóm lấy dầu và nhóm lấy nước giải khát. Trong cả hai nhóm này đều có những giống dừa lai là kết quả thu được từ các công trình nghiên cứu lai tạo của chị Thủy, thí dụ như dừa lấy dầu BP121, JVA1vàJVA2.

Dừa lai BP121là giống dừa được lai giữa dừa lùn Malaysia với dừa cao Tây Phi,cho rất nhiều trái với số lượng trung bình khoảng 150 trái/cây/năm, lượng dầu nhiều. Dừa lấy nước như dừa dứa, dừa xiêm lục đạt hiệu quả rất tốt, nước ngọt, trái sai. Hiện,dừa dứa ở Bến Tre luôn được thương lái săn lùng mua tận vườn để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp ở TPHCM. Gần đây,loại dừa này còn được xuất khẩu sang một số nước ở châu Á và châu Âu.

Trong khoảng thời gian mười năm trở lại đây, trên thị trường Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ nguyên liệu dừa. Ban đầu là những vật dụng đơn giản được sử dụng trong nhà bếp như đũa- muỗng, rồi đến đồ trang sức như kẹp tóc, vòng đeo cổ, nhẫn, túi xách… Ngày nay,sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa phát triển lên một bước cao hơn, cho ra những sản phẩm mới khá độc đáo như bộ chén – tô – dĩa, bình đựng rượu, giỏ xách tay, trang phục, đồ trang trí nội thất, vân vân… Ít người biết rằng, ban đầu, hầu hết mẫu mã những sản phẩm này đều do chính tay chị Thủy mang về từ những chuyến đi tham quan, học tập và giảng dạy ở nước ngoài . Sau đó, chị đã đóng góp thêm nhiều ý kiến cải tiến sao cho sản phẩm phù hợp với những đặc trưng văn hóa Việt Nam.

 

Những bộ ấm tách làm từ gỗ dừa, vỏ bình trà bằng trái dừa, gáo múc nước, chén dĩa, khay trà, khay đựng mứt hình bông hoa, chiếc lá, con sâu… rất gần gũi với hình ảnh miệt vườn , phản ánh nét dung dị, mộc mạc trong văn hóa truyền thống ở nông thôn Nam bộ.

Từ xưa, ở Bến Tre đã có rất nhiều món ăn ngon từ dừa như bánh ít dừa, bánh tét dừa, bánh xèo dừa, rồi tép rang nước cốt dừa, gỏi cổ hũ dừa, cơm dừa kho thịt, ốc len xào dừa, vân vân…Đó đều là những món ăn được thực hiện tại chỗ. Sau này có thêm một số sản phẩm để dành được như kẹo dừa, mứt dừa, bánh quy dừa, rượu dừa. 

Tuy nhiên, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cây dừa, ngày nay, các nhà nghiên cứu đã luôn hướng đến việc cho ra những sản phẩm có thể bảo quản được trong thời gian dài nhằm đáp ứng yêu cầu vận chuyển đường xa. Chị Thủy đã tham gia nghiên cứu sản xuất thạch dừa, nước cốt dừa đóng lon, rồi rượu dừa, đường dừa. Chị cho biết, trên thế giới, giá trị của cây dừa ngày càng được nâng cao, nhiềunước giàu nhưngkhông có dừa đã bắt đầu nhập khẩu dừa. 

Xu hướng hiện nay ở các nước này là uống nước dừa tươi còn nguyên trái. Song làm thế nà ođể có thể vận chuyển trái dừa đi xa đang là thách thức cho những nhà dừa học như chị.Từng theo đuổi đề án nghiên cứu nhằm cho ra đời loại dừa có “gáo dày, độ ngọt cao”,chị Thủy nóimột cách tự tin: Người Hồng Kông, người châu Âu, châu  Mỹ… rồi sẽ có cơ hội uống nước dừa tươi của Bến Tre. 

Chị còn có một ước mơ lớn, đó là làm du lịch sinh thái dừa. Theo mô hình này,du khách sẽ được sống trong môi trường văn hóa dừa thuần khiết trên các cù lao trồng đầy dừa như cồn Phụng trên sông Tiền hoặc trong những vườn dừa bạt ngàn ở Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành… Tại Festival Dừa lần đầu tiên được tổ chức ở Bến Tre vào năm 2009, chị đã chủ trì cuộc hội thảo về đề tài này và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp làm du lịch trong và ngoài nướccũng như các nhà vườn tại đây.

 Chị nghĩ, trong khi phục vụ du lịch sinh thái dừa, Bến Tre hoàn toàn có thể phát triển kèm theo đó các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp như chế biến thực phẩm, sản xuất chỉ tơ xơ dừa và hàng thủ công mỹ nghệ. Các ngành hàng tiểu thủ công nghiệp này nếu được đầu tư đúng hướng, đúng mức , sẽ tận dụng được nguồn nhân lực cũng như những nguyên liệu quý giá từ cây dừa để mang về nguồn lợi lớn cho vùng đất ba đảo dừa xanh.

Do tính chất đa dụng của nó, cây dừa được mệnh danh là cây của cuộc sống. Là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, Bến Tre có rất nhiều cơ hội để phát triển nền công nghiệp dừa. Thông qua công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, trước mắt, ngành công nghiệp dừa sẽ góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tận dụng thời gian nông nhàn, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa và góp phần hiệu quả vào việc xóa đói giảm nghèo. 

Mang trong mình tình yêu lớn đối với cây dừa và xứ sở quê hương, chị Thủy luôn mong muốn bằng tri thức, sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn về cây dừa, chị sẽ đóng góp một phần hiệu quả vào việc phát triển cây dừa trên quê hương chị ở Bến Tre nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nhờ cây dừa, sự nghiệp của chị đã có những bước thăng tiến thật sự tốt lành, có hậu , nhờ chính nghị lực, sức phấn đấu, niềm đam mê cũng như tình yêu mà chị đã dành cho cây dừa . Với Bến Tre – quê hương chị, trong cuộc phấn đấu vươn lên , những nhà khoa học như chị sẽ luôn luôn là nguồn tài sản quý giá của con đường phát triển. 

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *