Bên bờ hạnh phúc

Trong những chuyến du lịch, ít ai bỏ qua chuyện đi chợ, nhất là với phụ nữ, nhưng đi chợ nào, chứ vào chợ cá nghe thôi đã thấy ngại. Vậy mà chợ cá Jagalchi ở Busan (Hàn Quốc) là một điểm được các công ty lữ hành đưa vào lịch trình chính thức cho du khách tham quan. Đã đến rồi phải nói, không đi chợ cá Jagalchi sẽ là điều đáng tiếc.

Hay… như chợ cá

Trong suy nghĩ của người Việt, chợ cá vẫn là hình ảnh bộn bề, thậm chí những cái gì bê bối, khó chịu lại được gắn cho: “… như chợ cá” – hôi như chợ cá, bầy hầy như chợ cá… Nhưng khi đến chợ cá Jagalchi, tôi đã phải thốt lên “hay như chợ cá”.

Đứng trên tháp Busan cao 120m ở công viên Yongdusan (núi đầu rồng) nhìn xuống khu vực cảng biển của thành phố Busan, hình ảnh đặc biệt nhất mà mọi người thấy là toà nhà có mái hình cánh chim hải âu dang rộng. Đó là chợ cá Jagalchi – một trong hai chợ hải sản tươi sống lớn nhất Hàn Quốc. Chợ cá Jagalchi rộng đến 65.000m2, chia làm nhiều khu: trong nhà, nhà lồng mở, ngoài trời và dọc theo các con đường nhỏ. Khu đầu mối phân phối cá khi tàu cập cảng họp từ 3, 4 giờ sáng. Chợ cá nhộn nhịp suốt ngày đêm sao tránh khỏi ướt át, nhưng phải nhìn nhận Jagalchi sạch sẽ, ngăn nắp từ ngoài phố đến từng khu nhà lồng, đường trong chợ. Người bán khi làm cá hoặc các loại hải sản cho khách, người ta đựng hết phần thải bỏ vào thùng.

Người dân Busan nói riêng và người Hàn Quốc nói chung có vẻ thích làm đẹp, ngay cả trong chợ cá. Từ vật dụng đựng cá, hải sản, bàn ghế, dù che đến áo khoác, tạp dề, găng tay, nón trên mỗi người đều rực rỡ sắc màu. Bán cá nhưng những phụ nữ tiểu thương ở đây, dù còn trẻ, trung niên hay đã cao tuổi đều trang điểm má hồng, môi son rất đẹp. Ở quê nhà, chỉ những nhà hàng sang trọng hay khu ẩm thực phục vụ khách du lịch, người ta mới trình bày hải sản cho đẹp. Ở chợ Jagalchi, mỗi nơi bán đều chú trọng xếp đặt từng loại hải sản trên sạp hàng thật bắt mắt. Họ bảo, ngoài việc phân hải sản theo từng cỡ để người mua khỏi mất công lựa, phải bày thế nào cho khách thấy đẹp, nhìn rõ từng con cá, tôm, cua, sò, ốc… “chọn con nào chỉ con đó, không cần phải cầm cho dơ tay”.

Thưởng thức hải sản ngay hàng cá

Tầng trệt khu nhà chính của chợ là nơi tập trung những gian hàng bán cá, hải sản sống. Chợ ở xứ mình thường không có cá biển, mực sống, chỉ đến vài làng chài sát biển mới thấy, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cá bạc má bơi trong hồ. Vậy mà ở chợ Jagalchi, nhiều gian hàng có cá bạc má bơi tung tăng. Người Hàn Quốc rất thích các món ăn chế biến từ cá hoặc vài loại hải sản sống. Phần lớn tiểu thương trong khu hải sản sống của chợ cá Jagalchi đã sắp xếp gian bếp nấu ăn ngay sau những hồ hải sản, bên cạnh đó đặt những dãy bàn ghế phục vụ khách tại chỗ.

Khu vực phục vụ ăn uống tại chỗ trong chợ cá

Có người cho rằng, nhờ chợ xây sát biển, gió biển từ ngoài khơi vào chợ, xua đi mùi khó chịu của hải sản. Theo cảm nhận của tôi, cũng như của nhiều du khách, chính nhờ ý thức giữ vệ sinh của tiểu thương mà chợ Jagalchi không có mùi tanh, chỉ có mùi biển và màu sắc hấp dẫn của hải sản. Thế nên, không lạ khi không ít khách địa phương và cả du khách ăn mặc lịch sự đã ngồi ngay hàng hải sản trong chợ thưởng thức những món ăn tươi sống chế biến từ những sản vật còn thơm mùi biển. Những lúc chợ đông, buôn bán tấp nập, mọi người ăn uống đì đùng, nhưng chợ vẫn không thấy rác. Chả bù ở xứ ta, mới chỉ có những khu ẩm thực hải sản về đêm nho nhỏ thôi mà đã bừa bộn…

Đi chợ Jagalchi rồi, chợt nghĩ về quê nhà có nhiều ngư trường lớn, sản vật biển phong phú; nhiều tỉnh, thành phát triển du lịch biển đã nhiều năm. Nhưng đến bao giờ mới có một chợ hải sản tươi sống như Jagalchi để lôi cuốn du khách nội – ngoại?

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *