Bên bờ hạnh phúc

Trong bảy di tích văn hoá, lịch sử được UNESCO công nhận ở Kathmandu và quanh đó, ít thấy du khách đề cập đến ngôi đền thiêng Pashupatinath. Có lẽ vì du khách có đến đây vẫn không được vào bên trong ngôi đền, nơi chỉ dành cho những tín đồ Hindu. Phàm cái gì ẩn kín thường gợi sự tò mò muốn khám phá.

Sắc màu thời gian

Bagmati là con sông linh thiêng nhất của người Nepal, như sông Hằng của người Ấn. Nằm bên bờ Bagmati, Pashupatinath là ngôi đền Hindu lớn nhất Nepal, cũng là ngôi đền thờ thần Shiva quan trọng nhất đất nước này. Trước mỗi chuyến đi xa, lo việc quan trọng, quốc vương Nepal vẫn thường đến đây để cầu nguyện cũng như nhận những lời chúc bình an từ các giáo sĩ.

Pashupatinath cũng mới được xây dựng từ thế kỷ 19, nhưng nhiều pho tượng, kiến trúc trong ngôi đền, cũng như những ngôi đền nhỏ ở đó đã có từ thế kỷ thứ 5 – 6 hoặc 14 – 15. Trước khi đến gần và chiêm ngưỡng Pashupatinath (từ bên ngoài), các ngôi đền nhỏ mang đậm nét Hindu với những đường nét điêu khắc chạm trổ thật tinh xảo cũng đủ cho du khách thỏa mãn. Đền Pashupatinath, nhìn từ ngoài, vẻ kiến trúc thật uy nghi, đường bệ.

Nếu là tay máy chuyên nghiệp, bạn có thể dễ dàng chụp hình bên trong đền từ những góc cao bên kia sông, nơi có dãy các đền thờ linga chạy dọc bờ. Ngược lên trên đồi cao, là những đền đài mới có cũ có, hoang phế có, rực rỡ sắc màu có… Bên bờ sông, triền núi xanh, thấy lấp lánh mái đền vàng, nâu trầm của những ngôi đền gỗ đã rạn màu thời gian xám xịt, bóng saree thấp thoáng vàng, đỏ tha thướt… tạo nên một khung cảnh đầy sắc màu của Pashupatinath.

Bên kia bờ sông, những người phụ nữ chia tay người thân bằng… đôi mắt vì theo tục lệ,

họ không được đến nơi hoả táng

Hoả thiêu bên dòng Bagmati

Dòng sông Bagmati linh thiêng của những tín đồ Hindu

Tự đi bằng xe buýt, tôi đến Pashupatinath bằng đường vòng, không vào ngay cổng chính, nơi khách du lịch hay vào thẳng và thường bị sốc ngay sau đó, để rồi “quên” luôn vẻ đẹp của Pashupatinath. Lúc ở đầu kia của dòng sông, trên đường xuôi đến Pashupatinath thấy khói bốc lên từng cụm từ bến sông, tôi nghĩ người ta đốt rơm do Nepal vào mùa gặt. Lang thang quanh đền, xuống bến sông, tôi chới với, sau khi bị làn khói nồng mùi khét khó tả xộc vào người, rồi nhìn thấy những giàn thiêu ngùn ngụt bên bến sông…

Tôi không nghĩ ở Nepal còn cho phép hoả táng lộ thiên! Tôi vừa từ Tây Tạng sang, bên đó đã hạn chế điểu táng, nên nghĩ Nepal cũng vậy. Tôi hơi kinh hoàng khi lần đầu tận mắt thấy gần đến vậy những giây phút cuối của một kiếp người. Dù có khác nhau chút ít giữa phần bến sông dành cho người giàu có hoặc dòng dõi hoàng tộc với thêm ít nhiều lụa là, hoa lá vàng đỏ, hay bên phần bến dành cho người bình thường, chỏng chơ những xác thân nằm đợi. Mọi việc đều nhanh, gọn: từ xe nhà thương đưa xác đến, chuẩn bị một bục thiêu mới, sắp xếp các lớp củi, rơm rạ, xác người… rồi khai hoả. Lửa phừng phực. Những thân xác co quắp, tro và khói bay cao nhưng cũng có lúc trĩu nặng, sà xuống, như vấn vương… Rồi lửa tàn, những gì ra tro bụi đã theo gió bay đi, những gì còn lại được người “âm công” quét, đẩy hết xuống dòng sông thiêng Bagmati.

Thật đơn giản và chóng vánh! Những người thân tắm rửa và ra về (theo tục lệ, người đi đưa phải tắm rửa sạch sẽ để người ra đi không theo về nhà). Với cách nghĩ cõi trần là tạm, nên người ở lại không được tiếc thương khóc lóc. Điều đó có lẽ, hoặc có vẻ quen hơn với những người đàn ông, bên kia bờ. Bên này sông, những người phụ nữ lặng lẽ đau đáu nhìn sang bờ bên kia (theo tục lệ phụ nữ không được ở bên bờ nơi hoả táng), nơi cuộc chia tay lần cuối không có họ, dù chỉ cách đôi bờ… Cũng bên này sông, những nghi lễ tôn giáo khác vẫn tiến hành, những người dân địa phương vẫn tắm giặt, những tín đồ vẫn tắm rửa tẩy trần trong con sông thiêng, các em bé vẫn vui đùa chèo thuyền xuôi ngược hoặc tung tăng bơi lội trên sông… Ở một khúc quanh bờ sông, những cây gỗ hoả thiêu chưa hết bị đẩy xuống sông khi lễ hoả táng xong, được người dân vớt lên… chờ vào việc khác.

Người thân đến rồi về, khách viếng rồi đi. Dòng Bagmati vẫn lặng lẽ trôi, mang theo bao nhiêu tro bụi của bao kiếp người… Tôi ngồi đó, bên này sông, chợt nhớ những câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật” và cảm thấy lành lạnh. Trên bến sông, quanh tôi vẫn lặng lẽ những ánh mắt nhìn câm lặng, không thấy tiếng khóc than!

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *