Bên bờ hạnh phúc

 Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, những năm qua các địa phương ở Vĩnh Long đã đẩy mạnh vận động bà con nông dân đưa cây màu xuống ruộng để thay thế 01 hoặc 02 vụ lúa trong năm.

 Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân là thời điểm rất thích hợp để thực hiện việc làm này. Các loại cây lấy củ và cây công nghiệp ngắn ngày như đậu nành, mè là những loại cây trồng chủ lực được nông dân ở Vĩnh Long đưa xuống ruộng trong vụ Xuân Hè.

Theo tổng hợp của Sở NN-PTNT Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xuống giống trên 20.000 ha rau màu, trong đó trồng trên đất lúa gần 11.500 ha, tăng hơn 2000 ha so cùng kỳ năm 2011. Bình Tân vẫn là địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào đưa cây màu xuống ruộng với hơn 6.700 ha rau màu đã xuống giống. Về cơ cấu chủng loại rau màu thì khoai lang và cây công nghiệp ngắn ngày như đậu nành, mè đen là những loại hoa màu được đa số bà con nông dân lựa chọn để đưa xuống ruộng trong vụ này. Liên tiếp nhiều năm qua toàn bộ 8 huyện thị ở Vĩnh Long đều có kế hoạch đưa cây màu xuống ruộng để thay thế vụ lúa Xuân Hè. Đây là vụ màu được Cục trồng trọt khuyến khích thực hiện, nhằm mục đích vừa sắp xếp lại lịch thời vụ tập trung trên toàn khu vực, vừa nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

         

Với đặc điểm thích nghi trong điều kiện khô hạn, thời gian sinh trưởng tương ứng với 01 vụ lúa và kỹ thuật canh tác đơn giản, các loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu nành, mè rất thích hợp để đưa xuống ruộng trong vụ Xuân Hè.

Tại Vĩnh Long, diện tích xuống giống các loại cây công nghiệp ngắn ngày đã có xu hướng dịch chuyển giữa các địa phương. Huyện Bình Tân, vùng chuyên canh đậu nành có truyền thống lâu đời ở Vĩnh Long, nhiều năm qua người dân đã bỏ cây đậu nành chuyển trồng mè. Đến thời điểm này toàn huyện đã có trên 765 ha mè đã được xuống giống, tập trung chủ yếu tại xã Tân An Thạnh.   

Trong khi đó thì diện tích trồng đậu nành đang được phát triển mạnh tại xã Tân Hạnh và một số địa phương của huyện Long Hồ và Thành Phố Vĩnh Long. Trong tổng số gần 460 ha đậu nành đã xuống giống thì huyện Long Hồ chiếm hơn 340ha. Theo các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL, ngoài vấn đề cải thiện thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nếu thay thế 01 vụ lúa bằng vụ màu sẽ có tác dụng ngăn chặn các đối tượng dịch hại lây lan từ vụ Đông Xuân sang vụ Hè Thu chính vụ. Đồng thời, các loại cây họ đậu còn có tác dụng làm gia tăng hàm lượng đạm trong đất, giúp tiết giảm chi phí sử dụng phân bón cho các 02 vụ lúa còn lại trong năm.

 

Có thể nói, khoai lang là loại cây trồng dành được sự quan tâm nhiều nhất của bà con nông dân trong vụ Xuân Hè năm nay. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay bà con nông dân đã xuống giống trên 4.800ha khoai lang, tăng hơn 1.500 ha so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn diện tích đã xuống giống là trên đất lúa. Ngoài Bình Tân là vùng trồng tập trung lớn nhất với tổng diện tích khoảng 4000ha, năm nay 07 huyện thị còn lại đều có diện tích xuống giống khoai lang. Trong đó, nổi bật nhất là huyện Bình Minh với hơn 680 ha, huyện Tam Bình cũng đã chuyển đổi gần 100ha đất lúa sang làm khoai. Nếu xét về mặt sản xuất thì đây được xem là một thành công của ngành chức năng trong việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Bởi, từ năm 2011 đến nay, giá khoai lang tím Nhật luôn ổn định ở mức cao. Hiện tại đang dao động ở mức 800 ngàn đồng/tạ (60kg). Với mức giá này, mỗi ha khoai lang tím Nhật với năng suất bình qun từ 350 đến 400 tạ, cho thu nhập gấp 5-7 lần so với canh tác lúa.

 

Ngoài diện tích xuống giống cao nhất từ trước đến nay, việc đồng loạt trồng chỉ một giống khoai lang tím Nhật cũng là vấn đề đáng chú ý trong vụ màu Xuân Hè 2012. Do năm 2011, khoai tím Nhật được thương lái đẩy mạnh thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá cao nên nông dân chỉ tập trung trồng giống khoai này. Theo kinh nghiệm của những người cao niên trong nghề làm khoai, nếu chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc thì vùng khoai này đang chứa đựng nhiều rủi ro lớn về thị trường tiêu thụ. Đặc biệt trong khoảng 1 tháng tới đây, khi cả ngàn ha khoai lang cùng bước vào mùa thu hoạch rộ thì nguy cơ rớt giá là rất có thể xảy ra. Bởi, người dân chỉ phát triển diện tích dựa theo giá cả của năm trước, còn nhu cầu của thị trường năm nay như thế nào? Khả năng tiêu thụ ra sao? Thậm chí khoai tím Nhật dùng để làm gì? Tất cả các vấn đề này thì cả bà con nông dân và ngành chức năng cũng đều không có lời giải đáp. 

Với lợi nhuận hết sức hấp dẫn, nông dân ở Vĩnh Long đang mở rộng diện tích trồng giống khoai lang tím Nhật với hy vọng sẽ tiếp tục trúng mùa, trúng giá như năm 2011.        

 Hy vọng là vậy, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, đây là loại cây trồng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là thị trường trong nước hầu như không có nhu cầu về giống khoai này. Mong rằng ngành chức năng có những thông tin định hướng cụ thể hơn về thị trường tiêu thụ khoai, nên trồng giống khoai nào? thời điểm nào trồng là thích hợp và  đầu tư ra sau để mang lại hiệu quả cao nhất. 

Mặc dù vẫn còn khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho nông sản, nhưng có thể khẳng định chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ở Vĩnh Long đã và đang mang lại những lợi ích thật sự cho bà con nông dân. Đó là tác dụng cải tạo đất đai, cắt đứt cầu nối dịch hại, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Đây là một mô hình canh tác được đánh giá là mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và đang được các nhà khoa học, ngành chức năng khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh thực hiện trên các vùng độc canh 03 vụ lúa.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *