Đầu thế kỷ XVII, giai đoạn đầu của thời Edo, Nhật Bản nằm dưới sự cai quản của chính quyền Mạc Phủ. Lúc bấy giờ, việc xây dựng lâu đài và đô thị thương mại phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Nhu cầu về gỗ xây dựng không ngừng gia tăng, chính quyền các địa phương đua nhau khai thác gỗ trong những cánh rừng tự nhiên lâu năm. Tình trạng khai thác rừng quá mức đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, núi đồi không còn rừng che phủ trở nên trơ trọi, lũ và lỡ đất xảy ra thường xuyên trên khắp cả nước.
Nhận thấy được điều đó, chính quyền Mạc phủ và các địa phương đưa ra qui định vừa khai thác gỗ vừa kết hợp trồng rừng. Chính sách này được thực hiện một cách rất nghiêm khắc. Nhờ vậy mà những cánh rừng dần được khôi phục, môi trường không bị ảnh hưởng và nguồn cung gỗ cũng ổn định.

Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XX, một lần nữa hệ sinh thái rừng của Nhật Bản lại bị tổn thương, đó là vào giai đoạn diễn ra Chiến tranh Thế giới Thứ 2. Cây rừng bị đốn hạ hàng loạt để lấy gỗ đốt than làm nhiên liệu phục vụ cho chiến tranh. Màu xanh của rừng cũng theo đó mà biến mất khỏi các sườn núi.

Khi cuộc chiến đi qua, hòa bình lập lại trên đất nước hoa anh đào, bắt đầu từ năm 1952, Nhật hoàng phát động ngày lễ trồng cây gây rừng trên toàn quốc. Ngày lễ này hiện đã trở thành sự kiện quốc gia thường niên. Cuộc vận động được người dân hưởng ứng tích cực, kết quả là những cánh rừng xanh tốt lại xuất hiện và trải rộng khắp cả nước.

Sau chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển kinh tế bùng nổ, nhu cầu gỗ phục vụ cho công nghiệp và xây dựng trong nước tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu này, một mặt, chính phủ tăng cường chính sách trồng rừng trên diện rộng bên cạnh việc khai thác gỗ có quy hoạch. Mặt khác, họ đẩy mạnh nhập khẩu gỗ, đỉnh điểm là vào những năm 1960. Lượng gỗ nhập khẩu giá rẻ này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nhiều hecta rừng, vốn được xem là tài sản của quốc gia.

Cuối thập niên 1970, ngành lâm nghiệp của Nhật Bản đối mặt với một khó khăn mới. Những vụ sạt lở lớn trên sườn núi do lũ lụt khiến hàng loạt vạt rừng bị phá hủy. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những cánh rừng mới do con người trồng. Nguyên nhân được cho là điều kiện thổ nhưỡng khiến rễ cây không thể bám sâu trong lòng đất. Cho đến nay, rừng ở một vài địa phương vẫn còn gặp vấn đề này.

Nằm giữa những tòa nhà cao tầng và các khu thương mại sầm uất ở thủ đô Tokyo là một khu rừng có diện tích 700.000 mét vuông. Tọa lạc ngay trung tâm của khu rừng là ngôi đền Thần Đạo nổi tiếng Meiji Jingu thờ Nhật hoàng Minh Trị. Số lượng cây trong rừng ước tính khoảng 170.000, dáng vẻ của khu rừng này chẳng khác gì một khu rừng tự nhiên lâu năm. Nhưng thật ra, đây là kết quả của một dự án trồng rừng do con người thực hiện cách nay gần 1 thế kỷ. Dự án mang tầm cỡ quốc gia và được lên kế hoạch rất chi tiết, cây rừng được trồng theo sự tính toán tỉ mỉ để chúng có thể tự phát triển như một khu rừng tự nhiên.

Đền thần đạo Meiji Jingu nằm giữa một khu rừng nhân tạo ở Tokyo

Đền Meiji Jingu là ngôi đền linh thiêng, mỗi năm, trong mùa lễ hội từ tháng Giêng đến tháng 3, nơi đây đón tiếp khoảng 3 triệu lượt khách viếng đền. Meiji Jingu được đánh giá là một trong những ngôi đền có lượng khách hành hương đông nhất của Nhật Bản.

Đền Meiji Jingu được Nhật hoàng Minh Trị đề xuất xây dựng vào năm 1912. Kế hoạch trồng một khu rừng khổng lồ bao bọc lấy ngôi đền cũng được thông qua sau đó. Việc này xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng của người Nhật. Ở Nhật, đền thờ Thần Đạo luôn nằm trong rừng vì người dân cho rằng các vị thần cư ngụ trên ngọn cây, trong hòn đá…

Năm 1915, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp của Nhật Bản, trong đó có ông Seiroku Honda, đã hoàn tất bản kế hoạch chi tiết cho dự án trồng rừng quanh đền Meiji Jingu. Theo kế hoạch, khu rừng này sẽ phát triển theo 4 giai đoạn dựa vào sự sinh trưởng của những loại cây trồng khác nhau.

Rừng gồm 3 tầng với 3 loại cây, tầng thứ nhất là cây bản xứ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như cây thông; tầng thứ 2 là cây bách, tuyết tùng và tầng thứ 3 là cây lá rộng, xanh tươi quanh năm như sồi, long não. Giai đoạn 1 diễn ra trong 50 năm đầu, trong đó cây thông đóng vai trò chủ đạo, 50 năm tiếp theo là giai đoạn 2, lúc này thông phát triển chậm lại, nhường chỗ cho bách và tuyết tùng lớn lên. Giai đoạn 3 diễn ra vào khoảng 100 năm sau, khi đó, cây lá rộng sẽ phát triển rộng khắp. 150 năm kể từ khi dự án được triển khai cũng là giai đoạn cuối cùng, thông dần biến mất, lúc bấy giờ cây lá rộng đã phát triển hoàn hảo và sinh sôi giống như 1 khu rừng tự nhiên .

Dự án trồng rừng gần như huy động sức mạnh của toàn dân Nhật bản, có tổng cộng 110.000 lượt thanh niên tình nguyện tham gia trồng rừng và xây dựng đền. Hơn 100.000 cây do dân chúng cả nước đóng góp được đưa về Tokyo và trồng trong khu rừng nhân tạo này.

Năm 1920, việc xây dựng đền thờ Meiji Jingu và trồng rừng xung quanh đền hoàn tất. Hiện nay, sau gần 100 năm được trồng, khu rừng đang bước vào giai đoạn phát triển thứ 3. Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. 

Ngoài ý nghĩa tôn giáo, mục đích ban đầu của dự án trồng rừng Meiji Jingu là giúp bảo vệ đền thờ trước sự tác động của sự không khí ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp. Trong nhiều năm qua, khu rừng đã phát huy tốt vai trò đó, giờ đây, nó được ví như lá phổi xanh khổng lồ của thủ đô Tokyo.

Lịch sử phát triển rừng của Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm, có lúc người Nhật tàn phá rừng để phục vụ cho lợi ích kinh tế nhưng may mắn là họ đã sớm nhận ra sai lầm và nhanh chóng sửa sai để ngày nay, màu xanh của rừng vẫn là màu chủ đạo tại quốc gia châu Á này.

Thanh Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *