Bên bờ hạnh phúc

Nhìn vào bản đồ nước Nhật chụp từ vũ trụ, chúng ta dễ dàng nhận thấy màu xanh của rừng che phủ gần như toàn bộ diện tích của đất nước này. Khí hậu ôn đới, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để rừng phát triển mạnh mẽ. Phân nửa diện tích rừng của quốc gia này là rừng tự nhiên.

Tính đa dạng của rừng thể hiện rõ qua sự phân bố trải dài từ Bắc xuống Nam. Tùy theo khí hậu và thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền mà rừng có những đặc điểm của nó. Ví dụ, tại Hokkaido, cực Bắc Nhật Bản, nhiệt độ trong năm luôn thấp hơn những nơi khác nên rừng ở đây chủ yếu là rừng thông và các cây thuộc họ lá kim.

Xuôi về miền Trung thuộc vùng Tohoku, cảnh sắc của rừng thay đổi theo mùa, vào mùa thu, những cánh rừng phong chuẩn bị thay lá, màu của lá phong nhuộm đỏ một góc trời.

Xuống đến cực Nam, khí hậu nóng của vùng đất này là môi trường sống lý tưởng của những khu rừng cận nhiệt đới. Ở đây cũng có cả những cánh rừng đước ngập mặn trải dài mút tầm mắt.

Khi nói về rừng của Nhật Bản sẽ là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua những cánh rừng nguyên sinh tại Di sản Tự nhiên Thế giới Yakushima. Những cây tuyết tùng cổ thụ khổng lồ từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của di sản này. Tuổi thọ của chúng lên đến hàng ngàn năm và số lượng thì vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Khu rừng Yakushima

Cây tuyết tùng Jomon là một trong số những cây tuyết tùng lâu năm nhất ở Yakushima. Chiều cao của nó là 25,3 mét, chu vi thân cây ước tính 16,4 mét, tuổi thọ của cây cổ thụ này được xác định trên 2 ngàn năm.

Những cây tuyết tùng cổ thụ không chỉ là niềm kiêu hãnh của Yakushima mà còn là biểu tượng cho những di sản tự nhiên hiếm có của Nhật Bản. Nhờ nằm ở địa hình hiểm trở mà rừng tuyết tùng Yakushima được bảo tồn nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ qua và giờ đây chúng là một phần di sản chung của nhân loại.

Hệ sinh thái rừng tự nhiên Satoyama tọa lạc gần nơi cư trú của con người. Từ lâu, những cánh rừng dạng này đã góp phần nuôi sống con người. Người ta khai thác gỗ trong rừng một cách chừng mực để đốt than làm nhiên liệu nấu nướng và sưởi ấm.

Tùy từng mùa trong năm, rừng ban phát cho con người vô số sản vật giá trị, từ quả óc chó đến những loại nấm quý. Rừng tự nhiên Satoyama còn là nơi cung cấp nguồn nước trong lành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân địa phương.

Lượng gỗ khổng lồ từ các cánh rừng nhân tạo là nguồn cung dồi dào cho các ngành công nghiệp trong nước. 

Rừng nhân tạo ở Nhật thường là rừng gỗ sồi hoặc rừng bách, được quy hoạch và trồng theo hàng lối rất trật tự. Rừng nhân tạo sinh trưởng nhanh, phần lớn gỗ khai thác được sử dụng cho ngành xây dựng.

Ngoài những cánh rừng nhân tạo bạt ngàn, ở Nhật còn có loại rừng nhân tạo khác khá đặc biệt. Chúng được trồng ở những vùng có gió lớn để bảo vệ nhà dân khỏi những trận cuồng phong. Gọi là rừng nhưng thật ra đó là loại vườn cây gỗ lớn Yashikirin mà người dân trồng xung quanh nhà để chắn gió cũng như tạo không gian mát mẻ cho tư gia của họ. Cây trồng ở Yashikirin thường là sam, cành được cắt tỉa gọn gàng, chỉ chừa lại những cành ở gần ngọn. Mục đích của việc làm này là tạo cảnh quang thoáng đãng cho ngôi nhà nhưng vẫn không làm mất tác dụng che mát của tán cây. Không những thế, tán cây còn có vai trò giống như chiếc dù bảo vệ ngôi nhà trước những đợt gió hung hãn.

Cây trong vườn Yashikirin cũng trở nên hữu dụng ngay cả khi chúng bị gãy hay chết. Người ta xẻ những cây này để lấy gỗ làm vách nhà hoặc đóng đồ nội thất.

Cho dù là rừng tự nhiên hay rừng nhân tạo thì mối quan hệ giữa chúng với cuộc sống của người dân xứ sở này không thể tách rời nhau trong nhiều thế kỷ qua.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *