Bên bờ hạnh phúc

 Đến Bảo tàng đá quý thiên nhiên của Công ty TNHH Thiên Vạn Sài Gòn ở số 6 – đường Bà huyện Thanh Quan – Quận 3 – TPHCM, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là choáng ngợp, bởi hình dáng và màu sắc, bởi vẻ đẹp diệu kỳ của hàng ngàn cá thể đá cảnh và đá quý đang được trưng bày nơi đây. Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận: Công ty TNHH Thiên Vạn Sài Gòn là Nhà trưng bày đá quý thiên nhiên nhiều nhất Việt Nam.  

Chủ nhân của Nhà trưng bày này là ông Phan Chánh Tâm, người từ lâu đã nổi tiếng với danh hiệu Người chơi đá số một Việt Nam.

 

Ông Phan Chánh Tâm, tên thường dùng là Ba Vạn, sinh năm 1937 tại Tân Châu – An Giang. Tuy nhiên, do cha mẹ có nhiều năm sinh sống và hoạt động cách mạng ở  Long Hồ -Vĩnh Long và Càng Long -Trà Vinh, nên ông đã trải qua một thời thơ ấu ở những nơi này.

Năm 1950, 18 tuổi, ông lên Sài Gòn, tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh – sinh viên và sau đó trở thành một trong số những người lãnh đạo của phong trào này, từng giữ chức Bí thư Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định. Giữa cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù, đã hai lần, vào năm 1968 và năm 1970, ông bị địch bắt, và cả hai lần, ông đều vượt ngục thành công.

Có những kỷ niệm đẹp trong đời kháng chiến của ông. Trong Ban chỉ huy phong trào vũ trang của lực lượng học sinh – sinh viên, ông từng kề vai sát cánh chiến đấu bên cạnh một đồng chí mang bí danh Hai Nhựt. Sau này, Hai Nhựt trở thành Bí thư Thành ủy TPHCM, tức ông Lê Thanh Hải ngày nay.  Ông cũng là người giác ngộ một số sinh viên ở Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và đưa họ vào hoạt động cách mạng, trong số đó có sinh viên mang bí danh Sáu Phong, tức nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. 

Ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông quyết định  đến với niềm đam mê đá quý. Vạn sự khởi đầu muôn vàn gian nan.

Năm 1977, vào lúc đã 40 tuổi, Phan Chánh Tâm – Ba Vạn quyết định xin nghỉ hưu để toàn tâm toàn ý cho mục tiêu đi tìm đá quý của mình, dẫu biết rằng con đường đi tìm ngọc trong đá là rất gian truân.

Lên rừng xuống biển, ra Bắc vào Nam, mất 12 năm, các khoản chi phí tiêu tốn lên đến hàng trăm cây vàng. Và không chỉ tiền bạc. Những chuyến đi đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để chịu đựng  thử thách nơi núi cao rừng thẳm, sự khôn ngoan để đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập trên mỗi cung đường thiên lý. Suốt mười hai năm đó, các cộng sự của ông lần lượt bỏ cuộc, cho đến khi chỉ còn lại mình ông.

Không nản chí, ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình gian khổ và lặng lẽ.

Sau này, trong các cuộc trà dư tửu hậu, bàn về câu chuyện cuộc đời ông, có người nhắc đến hai chữ cơ duyên. Nhưng chúng tôi nghĩ, đó không phải chỉ là cơ duyên, mà còn là câu chuyện về tinh thần mạnh mẽ và nghị lực phi thường của con người – một con người từng vào sinh ra tử, luôn biết giữ trong tim niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. 

Bước qua năm tìm kiếm thứ mười ba, vào lúc đã 53 tuổi, thành công đầu tiên mới mỉm cười với ông Những thành công đầu tiên không chỉ gỡ lại cho ông toàn bộ số vốn đã bỏ ra trong mười hai năm gian lao vất vả, mà còn tạo cho ông một nền tảng tài chính vững chắc để có thể tiếp tục cuộc chơi sáng giá của mình. Từ đây, con đường đi tìm ngọc trong đá cứ dần mở rộng ra mãi trước mắt ông. Từ Lục Yên – Yên Bái xuống Quỳ Châu, Quỳ Hợp ở Nghệ An. Từ cao nguyên Di Linh, Dak Nông qua Phan Thiết, xuống Nam Trường Sơn rồi đến Đồng Nai…

Sau mỗi chuyến lên rừng xuống biển, ông lại mang về những khối đá xù xì thô ráp, nhìn bên ngoài cục mịch xấu xí , nhưng  ông  biết,  giấu bên trong đó là những phiến ngọc long lanh, rực rỡ.

Gần 40 năm đam mê tìm kiếm, nghiên cứu, đã cho ông Ba Vạn một kiến thức hiếm có về đá quý. Với ông, đây mới là tài sản lớn nhất của đời người.

Anh Chiến – một chuyên gia đá quý ở Công ty Thiên Vạn Sài Gòn – cho chúng tôi biết: Có 4 tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng đá, đó là màu sắc, độ cứng, độ bóng và độ quý hiếm. Khác với các loại đá giả ngọc có màu sắc tương đối đồng nhất, đá thiên nhiên thường có những đường vân sơn thủy rất độc đáo, mỗi khối đá là một cá thể độc lập và không bao giờ lặp lại. 

Anh Chiến cũng cho biết, 95% đá của Công ty Thiên Vạn có nguồn gốc ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là các loại như ruby, saphire, cẩm thạch, mã não, thạch anh… Những loại đá này có chất lượng không thua gì các loại đá ngoại nhập.

 

Các đại gia ở Sài Gòn đánh giá, khoảng 10.000 cá thể hiện đang được trưng bày của Công ty Thiên Vạn , mới chỉ là một phần trong khối tài sản đá quý của Người chơi đá số 1 Việt Nam.

Đặc biệt, ngọc đa sắc màu đỏ, loại đá được ông Ba Vạn tìm thấy ở Lâm Đồng và Thủ Đức – TPHCM nhiều năm về trước, là loại đá chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ông từng bỏ công đi nhiều nơi, sang cả Hoa Kỳ nghiên cứu, khảo sát, để cuối cùng kết luận rằng, loại ngọc đa sắc màu đỏ này chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Ba Vạn giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tập 100 chiếc vòng ngọc đẹp nhất Việt Nam của ông. Ông cho biết, gần 40 năm qua, công ty Thiên Vạn Sài Gòn đã sản xuất hàng chục ngàn vòng đá trang sức, và đây là những chiếc vòng đẹp nhất trong số đó , được ông cẩn thận lựa chọn và cất giữ.

Từng có người  sẵn sàng đổi những khoản tiền lớn để lấy những chiếc vòng này, nhưng ông chỉ lắc đầu. Nhờ vậy ngày nay, đến đây, bạn có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập có một không hai này.

Thuở ban đầu, một người chơi đá quý đòi hỏi phải có hai điều kiện cơ bản là am hiểu đá quý và có vốn để sở hữu. Sau đó, bước sang giai đoạn kinh doanh , đòi hỏi người chơi đá phải quy tập được một đội ngũ những người cộng tác lành nghề. Đã qua nhiều trải nghiệm, ông nói, trong lĩnh vực đá quý, nguyên liệu bán một mà tác phẩm nghệ thuật thì bán mười. Nói cách khác, mặc dù đá và ngọc đều là những chất liệu rất quý giá, nhưng con người và nghệ thuật sáng tạo mới thực sự quý hơn tất cả.

Với ông, họ là những nghệ nhân , chạm khắc nên những tác phẩm sống mãi với thời gian,  góp phần mang các giá trị chân – thiện – mỹ đến cho đời.

Bảo tàng đá quý của ông Ba Vạn chỉ kinh doanh các loại trang sức và đồ mỹ nghệ. Phần lớn những hiện vật còn lại bao gồm các khối đá tự nhiên, các tác phẩm nghệ thuật, được trưng bày và bảo tồn nhằm thực hiện ước nguyện của ông là phục vụ cho khách đến tham quan, giúp học sinh – sinh viên và những người đam mê đá quý có một nơi để nghiên cứu, học tập.

Ông Ba Vạn tâm sự: Đá càng đẹp thì vỏ ngoài của nó càng xù xì, bề ngoài càng xấu xí thì bên trong mới chính là ngọc. Viên đá nào cũng có hồn, nếu mình không thương, không hiểu đá thì đá không cho mình nhìn thấy vẻ đẹp của nó… Trên thực tế, có những khối đá phải mất hàng năm trời đẽo gọt, chạm khắc, mài giũa mới thành tác phẩm.

 Có tác phẩm, người ta đã từng muốn trả cho chủ nhân của nó 3 tỷ đồng để được sở hữu. Không kể giá trị về mặt nguyên liệu, để hoàn thành, những nghệ nhân giỏi nhất của ông đã phải cùng nhau hợp tác và lao động miệt mài suốt mười tám tháng.

Gặp ông, chúng tôi hiểu thêm vì sao trong dân gian có câu Ngọc trong đá ,hay Ngọc càng mài càng sáng. Có lẽ đá cũng như người, chỉ có trải qua quá trình rèn giũa mới sáng lên thành ngọc.

Cuối cùng, ông Ba Vạn cho biết: Bên trong mỗi khối đá chứa ngọc cất giấu một tuyệt tác nghệ thuật vốn chỉ để dành cho riêng nó. Vấn đề là làm thế nào để có đôi mắt tinh tường, nhận ra được tuyệt tác ấy bên trong một khối đá nhìn bề ngoài tầm thường, xấu xí; đồng thời tìm đúng người nghệ nhân để chọn mặt gửi vàng. Thực hiện được hai điều đó, bạn sẽ trở thành người chơi đá đúng nghĩa. 

Những tác phẩm tranh ghép đá của ông như Mã đáo thành công, Thách đấu hay tranhTố nữ Việt Nam , do những nghệ nhân xuất sắc chế tác, đến nay đã trở thành những tuyệt tác có một không hai. Nhiều đại gia đã ngỏ lời, nhưng ông Ba Vạn vẫn lắc đầu. Trừ việc kinh doanh các mặt hàng mỹ nghệ và đồ trang sức tạo nguồn thu để có thể duy trì các hoạt động khác, ông tuyệt đối không bán các tác phẩm nghệ thuật cũng như các khối đá nguyên liệu có giá trị lớn. Ông nghĩ, ngọc không dành cho riêng ai, kể cả cho chính bản thân ông là chủ sở hữu của chúng. Vì quý và đẹp, ngọc xứng đáng để dành cho tất cả mọi người.

 

Hiện nay, ông đang đầu tư mở điểm du lịch ở Khu du lịch Cần Giờ. Các hoạt động ở đây về cơ bản cũng giống như nhiều điểm du lịch khác, chỉ khác một điều là có thêm nhà trưng bày và bán các sản phẩm đá quý do công ty của ông sản xuất, nhằm giới thiệu đến bạn bè bốn phương vẻ đẹp của ngọc Việt Nam , cũng như tài năng của nghệ nhân Việt Nam. Ông đang nghĩ đến việc sẽ phát triển tại đây một bảo tàng đá quý thứ hai sau Bảo tàng đá quý ở số 6 đường bà huyện Thanh Quan. 

Năm nay, ông Ba Vạn – Phan Chánh Tâm đã bước sang tuổi 75. Nhìn lại một thời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc , cùng những ngày tháng bôn ba với đá,  giờ đây cuộc đời đã đền bù cho ông một cách rất xứng đáng.

Tô Đông Pha – một nhà thơ Trung Quốc xưa – từng viết: Đi đến chỗ phải đi, dừng ở chỗ phải dừng. Phan Chánh Tâm rất tâm đắc với câu nói này. Nhớ lại năm xưa, lúc nằm trong tay kẻ thù hay bị bỏ lại trên con đường thiên lý đi tìm ngọc trong đá, con người này đã không chịu đầu hàng số phận,  vào lúc đã có thể vinh danh thì ông lại nhẹ nhàng dừng bước, thấy rằng ông thực sự là người rất bản lĩnh.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *