Bên bờ hạnh phúc

Nếu có xếp Trương Ngọc Ánh vào hàng “kiều nữ” của điện ảnh Việt, có lẽ cũng được bởi sau thời kì phim “mì ăn liền” chết thì cái tên Trương Ngọc Ánh bắt đầu nổi lên bằng hàng loạt phim chiếu rạp thời đó.

17 tuổi vào Sài Gòn, đã có những mùa Tết không về, ngồi lặng im trên căn gác trọ đợi đến mùng 4 Tết đi chụp hình lấy cát-sê vài trăm ngàn là sự thực ít biết về Trương Ngọc Ánh. Cũng như, cho đến bây giờ, chiếc xe gắn máy chị đi từ những ngày chân ướt chân ráo vào Sài Gòn cũng vẫn còn được giữ gìn như một kỉ vật. Nói thế để thấy, người phụ nữ này trân trọng những điều đã qua, những khổ nhọc của một giấc mơ tạo dựng sự nghiệp đất khách.

 

 

Điều đáng nói khi nhắc đến Trương Ngọc Ánh – ở ngày hôm nay trong cả sự thành công của cuộc sống lẫn màn ảnh – là cô đã có một sức làm việc bền bỉ. Trời phú cho một nhan sắc cộng với một đức tính chăm chỉ, một sự thông minh sắc sảo và một kế hoạch phát triển bản thân tốt để làm nên một Trương Ngọc Ánh ngày hôm nay. Nếu xét về khả năng diễn xuất thì Trương Ngọc Ánh không phải là một người sinh ra để làm diễn viên. Sự thành công mà cô có được hôm nay đều đến từ sự khổ luyện và cố gắng, tuyệt đối dấu ấn của một tài năng thiên bẩm không có nhiều.

Và nếu xét kĩ ra, cho đến trước Áo lụa Hà Đông, Trương Ngọc Ánh có vẻ mặn mà với truyền hình hơn là điện ảnh. Thực tế là cũng giống như một vài mỹ nhân khác trước và sau, đã có lúc tưởng như Trương Ngọc Ánh lạc lối vào cuộc sống và guồng quay của showbiz khi hoang mang chọn cho mình những hướng đi không phải sở trường như ca hát nhưng rồi thật may, sự tỉnh táo nhìn thẳng vào khả năng thực tế đã giúp cô bứt mình khỏi đám đông đó và tiến về phía mà cô nhận ra có thể làm tốt hơn, có cơ hội để tỏa sáng hơn sau một chặng đường chữ T thiếu chuyên nghiệp của Việt Nam hơn 10 năm trước. Đó là nghề diễn viên.

Tôi thể hiện vai diễn theo cách đạo diễn yêu cầu

Hạt mưa rơi bao lâu của nữ đạo diễn Đoàn Minh Phượng có lẽ là số ít bộ phim mà chị tham gia, thể hiện một lối diễn xuất khác hẳn. Đó là do bản thân chị đã mường tượng ra như vậy hay là sự uốn nắn của đạo diễn?

– Đó chính xác là yêu cầu của chị Phượng. Như mọi người cũng biết, cũng từng đọc sách và xem phim thì đều có thể nhận thấy chị Phượng là một người lãng mạn, có lối kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế và chính bởi thế khi tham gia phim của chị là một áp lực với tôi bởi chị không bao giờ muốn một điều gì quá (over) cả. Nhiều lúc, tôi bị chị chỉnh vì đã diễn hơi quá đà, đầu tiên cũng hơi khó chịu nhưng sau rồi cũng quen. Và tôi hài lòng với vai diễn đó.

– Vậy nhưng sau đó, với Áo lụa Hà Đông chị lại trở lại với chính mình khi mọi chuyện đẩy lên tận ngưỡng, và đó cũng lại là yêu cầu của đạo diễn?

– Khác với chị Phượng, anh Lưu Huỳnh lại là người muốn mọi chuyện phải lên đến tận cùng, phải quyết liệt và không được nửa vời. Anh muốn mọi nhân vật phải được đẩy tới tận cuối đường, muốn diễn viên phải diễn ra được điều đó để khán giả hiểu và thấm thía được câu chuyện mà đạo diễn muốn kể, hiểu được cảm giác của nhân vật để rồi khóc cùng học.

 

– Xem ra thì cách của Lưu Huỳnh vẫn thành công hơn cho dù bộ phim đó có phần lê thê, mê-lô và hơi sến!

– Về những điều đó, tôi không bàn tới. Tôi chỉ muốn nói về một câu chuyện khi tôi cùng đoàn làm phim tham gia sự kiện LHP Fukuoka. Lúc đó, thị trưởng thành phố chọn duy nhất phim Áo lụa Hà Đông để xem và sau khi xem ông đã mời cả đoàn làm phim đi ăn tối và chia sẻ về những cảm xúc mà ông đã có khi xem phim. Ông nói rằng ông thực sự xúc động, còn người trợ lí của ông ý nói công việc của ông quá bận nên chỉ chọn duy nhất một phim trong toàn bộ LHP để xem và ông đã chọn phim Việt Nam thay vì phim khác và sau đó mời cả đoàn đi ăn là một vinh dự rất lớn. Còn nữa, cho đến vài năm sau bộ phim đó, mỗi lần tôi đi lưu diễn ở đâu đó có kiều bào người Việt đều có những khán giả tìm đến chỉ để nắm tay tôi, trò chuyện cùng tôi về vai diễn đó và đi về. Họ không có nhu cầu đi xem chương trình mà tôi xuất hiện, họ chỉ muốn đến gặp tôi, chụp hình về cho người thân và nói rằng, người thân của họ sống trong thời kì trùng lắp với thời kì bộ phim nêu ra và họ hoàn toàn thấu hiểu nhân vật nên họ hết sức cảm động. Với một người diễn viên như tôi, thử hỏi còn điều gì cao quý hơn những tình cảm như vậy.

Bây giờ, tôi chỉ muốn làm phim tử tế

Nói chuyện với Trương Ngọc Ánh bây giờ, điện ảnh luôn là một chủ đề chính và vai trò của cô cũng không còn đơn thuần là diễn viên. Hãng phim Thần Đồng của Trương Ngọc Ánh và một vài người bạn cũng đã kịp tham gia vào sản xuất một vài bộ phim. Không ầm ĩ như những hãng phim khác nhưng cũng không vì thế mà nó “chết non” như mọi người vẫn đoán già đoán non. Chính bởi đã từng kinh qua vị trí của một nhà sản xuất – nhà đầu tư nên người đẹp họ Trương hoàn toàn thấu hiểu những áp lực sản xuất phim, có những cái nhìn thông cảm với đồng nghiệp chứ không chỉ là những ve vãn kiểu diễn viên lấy lòng đạo diễn và ê-kíp.

– Cũng lâu rồi không thấy chị có hoạt động gì cụ thể liên quan đến phim ảnh nữa nhỉ?

– Sắp rồi, khoảng tháng 4.2012, phim mới có tôi và anh Sơn (Trần Bảo Sơn) tham gia sẽ bấm máy.

– Cũng là thỏa ước mơ của vợ chồng chị rồi còn gì?

– Không hẳn bởi trong phim hai vợ chồng tôi sẽ là đối thủ của nhau. Mọi chuyện tôi tiết lộ đến đây là quá nhiều rồi đó (cười). Tôi muốn cẩn trọng với những vai diễn mới, nhất là chuyện đóng chung cùng chồng nữa nên càng cần cẩn thận hơn.

– Vì sao chị nhận lời vai diễn này?

– Vì nó được viết ra dành cho tôi, đo ni đóng giày và khác biệt với các vai diễn khác trước đây. Tôi thấy thú vị, hấp dẫn nên nhận lời. Hơn nữa, ê-kíp làm phim cũng hứa là sẽ làm một bộ phim tử tế, không quá chợ, nhưng cũng không quá nghệ thuật nên tôi nhận lời.

– Chị có thấy rằng hiện nay để làm phim quá dễ dàng không? Rất nhiều phim quá nhảm nhí, không có chút xíu nào ngôn ngữ điện ảnh vẫn được cho ra đời và vẫn hốt bạc khi đem chiếu. Khán giả dễ dãi hay nhà sản xuất dễ dãi vậy chị?

– Tôi thì vẫn cho rằng, để đáp ứng được cả hai nhu cầu khán giả và nghệ thuật thì thật khó. Mà thực chất của điện ảnh thì như anh đã biết, đã chứng kiến vài năm vừa qua, đó cũng là một ngành kinh doanh với sản phẩm là những bộ phim ăn khách. Nhà sản xuất cũng phải cân nhắc mọi chuyện, cũng phải giải bài toán doanh thu đau đầu lắm. Còn nếu như làm phim độc lập, xin được tài trợ và mang đi LHP thì không còn gì để nói, quá tuyệt vời rồi. Còn chuyện thoáng hay dễ dãi thì vẫn còn sớm quá để nói đến. Hay như chuyện phân biệt điện ảnh hay truyền hình cũng vậy. Anh thử nhìn lại xem chúng ta đã thực sự có một nền điện ảnh chưa khi mỗi năm chỉ có dăm bảy phim được sản xuất. Công chúng đến để thưởng thức những bộ phim sản xuất trong nước ngày một nhiều là một tín hiệu vui, kích thích cho những người làm công tác điện ảnh như chúng tôi lắm. Bản chất đào thải rất nhanh và mạnh, nếu anh làm mãi một món ăn dở thì sẽ chẳng còn ai đến ăn ở quán ăn của anh nữa mà đi quán mới ngon hấp dẫn hơn. Chính bởi thế mà tôi nói tôi sẽ chỉ đóng hoặc tham gia làm những bộ phim tử tế là vì thế. Nó không quá sang trọng, nghệ thuật để ế khách nhưng nó cũng không quá chợ, không quá rẻ tiền để bị ném đá.

 

Thích những vai diễn gai góc nhưng chưa chắc dám nhận

Trương Ngọc Ánh tâm sự rằng chị thích những vai diễn gai góc, thích sự quyết liệt và phá cách của những vai diễn đầy sự giằng xé hay ẩn ức nhưng nếu để hỏi chị có dám nhận một vai như Tùng Hoa Thúy trong Bi, đừng sợ! hay không thì Trương Ngọc Ánh từ chối. Sự cố gắng thay đổi mình của Trương Ngọc Ánh có lẽ cũng sẽ chỉ là một sự cố gắng thay đổi về tính cách các vai diễn (không còn hiền hậu, dễ thương, chất phác) chứ nếu đẩy đến tận cùng của dòng phim art-house chắc người đẹp này vẫn khá e dè.

– Chị có nói rằng chị thích những vai diễn khác hẳn mình trước đây vì đã chán sự đóng khung nên mới nhận lời tham gia phim mới. Vậy, nếu bây giờ, có một lời mời chị nhận một vai như vai cô giáo trong Bi, đừng sợ! thì chị có dám nhận lời không?

– Chắc là tôi sẽ không dám nhận lời đâu dù về mặt cá nhân tôi sẽ rất thích vai diễn đó cũng như rất trân trọng công sức của những người vào vai đó. Phải có một tình yêu điện ảnh đích thực mới dám nhận và hi sinh cho vai diễn của mình nhiều như thế. Họ rất đáng để nhận được sự khâm phục và tình yêu của khán giả.

– Vậy nếu vai diễn “biến thái” một chút, không nhất thiết phải liên quan đến nhục dục, chỉ cần hành vi có nhiều mâu thuẫn mang nhiều ẩn ức chẳng hạn, chị có dám nhận?

– Tôi không quá quan trọng vai diễn đó thú vị như thế nào bằng chuyện vai diễn đó còn thú vị hay không khi rơi vào tay mình và khả năng của mình có thể lột tả được điều mà đạo diễn mong muốn hay không mà thôi. Một vai diễn hay mà được lột tả không tốt rất có thể làm cả bộ phim lâm nguy và gây hiệu ứng ngược, điều đó còn nguy hiểm hơn nhiều.

– Vậy nếu như chị nhận một vai diễn khá shock với khán giả để rồi sau đó, khi phim chiếu báo chí chỉ phân tích chuyện cảnh nóng của chị ra sao mà quên đi nội dung bộ phim (có thể nó tệ) thì chị lấy làm vui mừng vì vai diễn của mình không bị chê hay là buồn vì bộ phim thất bại?

– Thường thì sẽ chỉ có một vài bài báo như thế và số nhiều vẫn sẽ là những bài viết cẩn thận, hơn nữa, tôi cũng đâu còn trẻ, cũng đâu phải là những cô gái mới tập tễnh vào nghề để bài viết nói sao mình cũng tin. Thực tế là tôi đã đọc những bài báo chỉ nói về cảnh nóng về một bộ phim nào đó và tôi tạm gác ý kiến đó qua một bên để sau khi đi xem về rồi đối chiếu. Còn nếu đó là bộ phim tôi tham gia diễn xuất thì chắc chắn là buồn rồi vì cá nhân chỉ là một thành phần của cả đoàn làm phim thì khi một bộ phim bị chê thì tức là người ta sẽ chỉ nhắc đến bộ phim đó như một ví dụ xấu chứ chẳng mấy ai nhớ cụ thể được ai diễn xuất như thế nào. Còn nếu những cảnh nóng có tôi đóng được khai thác quá đà thì chắc tôi bỏ qua, không đọc và mặc kệ ai muốn viết gì thì viết, không quan tâm nhiều.

Theo TGĐA, zing
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *