Bên bờ hạnh phúc

Ai cũng biết để làm tốt nhiệm vụ chữa trị, chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân thì ngoài kiến thức, trình độ chuyên môn, người thầy thuốc còn phải có cái tâm; đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị nhiễm HIV hoặc mắc các bệnh dễ lây nhiễm nếu không thực sự có lòng yêu thương họ thì người thầy thuốc khó trụ được lâu trong nghề.

 

 Trung tâm GDLĐXH tỉnh Vĩnh Long nằm trên địa bàn xã Tường Lộc, cách thị trấn Tam Bình (huyện Tam Bình) 3km. Đây là nơi cai nghiện, chữa bệnh và giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng tệ nạn xã hội. Trung tâm hiện có trên 300 học viên, chủ yếu là đối tượng nghiện ma túy, gái mại dâm, trong đđó có hơn 80 đối tượng bị nhiễm HIV, chiếm tỷ lệ hơn 26% so tổng số học viên và hơn phân nửa trong số học viên nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS. Các bệnh lao kháng thuốc cũng ngày càng tăng cao.

  Đảm trách việc chăm sóc sức khoẻ cho hằng trăm học viên nơi đây chỉ có 1 bác sĩ và 3 y sĩ nhưng hiện tại lại có 1 người đang trong thời gian nghỉ hộ sản nên áp lực công việc khá nặng. Đã vậy, các y bác sĩ của Trung tâm còn hằng ngày phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm HIV và vi trùng lao kháng thuốc; cả sự quát tháo, giận dữ và thái độ thiếu tôn trọng của một số bệnh nhân khi lên cơn nghiện.

  Vậy mà họ vẫn gắn bó với công việc ở Trung tâm, có người 7-8 năm, có người đã 20 năm. Khi mới vào làm việc, y – bác sĩ nào cũng khó tránh khỏi cảm giác lo âu nhưng ngày qua ngày, sự cảm thông và lòng yêu thương đối với người bệnh cộng với những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn tích luỹ được đã giúp họ an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc.

Theo y sĩ Nguyễn Thị Sự, Trung tâm Giáo dục LĐXH tỉnh Vĩnh Long: “Các em ở đây nhiều thành phần rất là phức tạp, có những em vô nói chuyện tình cảm, có những em nói chuyện ra toàn là dao búa không nên cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác. Ví dụ mới vô cắt cơn, các em quậy quạng, chửi mắng mình thì mình cũng phải cố gắng khuyên các em, nói ngọt. Vô đây, chỉ có yêu nghề, yêu công việc mới làm được thôi. Còn nếu mình không có tấm lòng vị tha, không yêu nghề, không yêu công việc thì không thể nào vô đây làm được” 

Trong năm qua, Trung tâm đã duy trì tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc, điều trị, cắt cơn nghiện và phục hồi sức khỏe cho 100% đối tượng đưa vào cai nghiện, khám và chữa các bệnh thông thường cho trên 8.000 lượt đối tượng. Đặc biệt là kết hợp với các Trung tâm Phòng Phòng chống lao, Phòng chống AIDS điều trị đúng phác đồ cho các đối tượng nhiễm lao và hỗ trợ điều trị thuốc kháng HIV: ARV để phục hồi chức năng miễn dịch, giúp bệnh nhân giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng khả năng sống sót cho người bệnh.

Bác sĩ Đặng Văn Vạn, Phó Giám đốc Trung tâm Giaó dục DLĐXH tỉnh Vĩnh Long cho biết:“Điều đáng mừng các em HIV sang giai đoạn AIDS được TT Phòng chống AIDS, hỗ trợ, điều trị thuốc ARV.”

Không chỉ là người trực tiếp chăm sóc sức khoẻ cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và những người đã từng “lầm đường, lỡ bước”; các y bác sĩ của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Vĩnh Long còn là điểm tựa tinh thần để những học viên tâm sự, kể lể những điều rất riêng tư bởi với họ đó là người luôn nỗ lực nâng đỡ, giúp họ vượt qua những thử thách, cám dỗ để vươn lên trong cuộc sống hay có khi đó là những người thân cuối cùng mà họ có thể chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời. 

Anh Phan Ngọc Cường, học viên Trung tâm Giáo dục LĐXH Vĩnh Long tâm sự: “Bác sĩ, y sĩ ở đây đều đối xử tốt với bệnh nhân. Nhiều khi nửa đêm, nửa hôm báo cấp cứu thì họ cũng lên chăm sóc với tinh thần trách nhiệm, vui vẻ, không hề quạo quọ. Họ tận tình chăm sóc, động viên anh em cố gắng vượt qua cơn vật vã. Đây cũng là nguồn an ủi, động viên cho anh em học viên cố gắng”.

 Công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, lại không có cơ hội làm thêm như những đồng nghiệp khác của mình, các y, bác sĩ của Trung tâm hầu như phải túc trực thường xuyên nơi đây vì yêu cầu công việc.

Khó khăn là vậy nhưng với cái tâm của người thầy thuốc, các y bác sĩ nơi đây luôn dồn hết tâm lực để nâng đỡ thể trạng, giành lấy sự sống từng ngày cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, giúp những học viên cai nghiện thêm niềm tin và nghị lực để qua cơn vật vã, động viên họ vượt qua rào cản tâm lý về sự mặc cảm để tự hoàn thiện mình. Tấm lòng ấy thật đáng quý biết bao./.

Ngọc Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *