Bên bờ hạnh phúc

Đất nước Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt. Vào mùa hè, thời tiết oi bức, để tránh nắng nóng gay gắt, nhà truyền thống của người Nhật được thiết kế có mái cao và làm bằng rơm. Đến mùa đông, để chống lại cái lạnh buốt giá, những loại lò sưởi bằng củi và than được sử dụng để làm ấm toàn bộ căn phòng, hoặc đơn giản chỉ để sưởi ấm tay, chân hay toàn thân.

Bên cạnh những thiết bị sưởi ấm bằng than và củi, ở Nhật, người ta còn dùng những dụng cụ sưởi ấm bằng nước nóng và hoá chất rất độc đáo, gọi là Yutanbo và Kairo. Bình nước nóng Yutanbo được du nhập từ Trung Quốc vào thời Muromachi, thế kỷ 16. Trong khi đó, những thiết bị giữ ấm bỏ túi Kairo ra đời vào thế kỷ 12, là sản phẩm đặc thù của người Nhật.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bình nước nóng và thiết bị giữ ấm bỏ túi đủ kích cỡ, kiểu dáng và chất liệu đáp ứng mục đích sử dụng khác nhau.
Trước tiên, người ta châm nước nóng ở nhiệt độ từ 60 đến 70 độ C vào 2/3 bình. Đóng nắp bình lại ngay sau đó để nhiệt không thoát ra ngoài. Lúc này, vỏ bình rất nóng. Sức nóng của nó tựa như lò sưởi.

Để giữ nhiệt được lâu và tránh bị phỏng cho người sử dụng khi tiếp xúc trực tiếp, bình nước nóng Yutanbo được cho vào một chiếc túi vải dày. Bình nước nóng thường được người Nhật đặt bên trong chăn, ở gần chân lúc ngủ để giữ ấm cho đôi chân. Bằng cách đơn giản này, họ có thể đánh một giấc ngon lành tới sáng trong tiết trời giá lạnh, bởi lẽ bình Yutanbo có thể giữ ấm suốt đêm.

Miếng thiếc dùng để tạo thành 1 chiếc bình Yutanbo có độ dày 5 mm. Nó không quá dày, do đó, nhiệt dễ dàng truyền qua thành bình ra bên ngoài. Bình có hình oval, toàn bộ phần thân bình được thiết kế dạng gợn sóng, mục đích là giúp nhiệt phân tán ra ngoài một cách tốt nhất. Ngoài ra, kiểu thiết kế gợn sóng còn ngăn chặn vỏ bình biến dạng trong quá trình giãn nỡ của kim loại khi người ta dùng nó để đun nước trực tiếp trên bếp lửa.

Ngày xưa, bình Yutanbo có nhiều công dụng, nhà nào cũng có ít nhất 1 cái. Hiện nay, tuy bị lấn át bởi thiết bị sưởi ấm bằng điện nhưng Yutanbo kim loại vẫn không vì thế mà biến mất khỏi cuộc sống của người Nhật.

Ngoài chức năng chính là để sưởi ấm, Yutanbo còn được người Nhật dùng vào những việc khác. Một số các bà nội trợ đã sử dụng bình nước nóng Yutanbo để làm lên men món đậu nành Natto, một món ăn truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản. Để Natto lên men hoàn hảo, trong suốt quá trình ủ kéo dài trên 8 ngày, người ta phải đảm bảo nhiệt độ nơi ủ luôn duy trì ở mức 40 độ C. Bình nước nóng Yutanbo có thể làm tốt điều đó.

Gần đây, những chiếc bình Yutanbo nhiều màu sắc được làm từ nhựa plastic được dùng rộng rãi để thay thế bình kim loại. Bình nhựa có nhiều lợi thế, nó cách nhiệt tốt nên người sử dụng có thể cầm trực tiếp trên thân bình. Bình được thiết kế nhiều kiểu dáng, nhỏ gọn thích hợp để mang theo bên mình. Nhờ những ưu điểm đó, bình nhựa Yutanbo đã thoát ra khỏi tấm chăn truyền thống, nó trở thành vật sưởi ấm di động có mặt trong mọi sinh hoạt hàng ngày, thậm chí người ta còn mang nó đến văn phòng làm việc.

Do nhu cầu của người tiêu dùng, ngày nay, kiểu dáng Yutanbo được cải tiến mạnh mẽ, không đơn thuần là những chiếc bình kim loại hình ovan tẻ nhạt.

Vẫn là dụng cụ trữ nước nóng làm ấm cơ thể nhưng Yutanbo cải tiến được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhằm tạo sự linh hoạt. Ví dụ như chiếc Yutanbo mềm mại được chế tạo từ cao su dẻo, bên ngoài bọc vải, kiểu dáng của nó dựa trên hình thể của con người. Nó giống như chiếc khăn quàng cổ, hơi ấm thoát ra từ Yutanbo quàng cổ giúp vai và cổ của người sử dụng nhanh chóng loại trừ những cơn đau mỏi, máu lưu thông dễ dàng.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *