Bên bờ hạnh phúc

Lụa Hương Vân hay còn gọi là lụa đen Quảng Đông là loại vải đã gần như không còn phổ biến nữa. Cảm nhận đầu tiên khi nhìn lụa Hương Vân là sự mộc mạc và đơn sắc, thoạt trông rất đơn điệu nhưng thật ra nó có rất nhiều điểm nổi bật.

Mặt vải của lụa Hương Vân rất mềm mại, mỗi mặt vải có một màu khác nhau: mặt có màu đen, mặt còn lại là màu nâu. Trên mặt màu nâu còn có những đường rất lạ trông như hoa văn trên mai rùa. Ngoài ra, khúc vải sáng lấp lánh như kim loại.

Lụa Hương Vân đã có từ 500 năm trước ở Trung Quốc. Chúng khác biệt hoàn toàn so với các loại vải thông thường, rất thoáng mát và hút mồ hôi tốt, mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Loại vải lụa này từng được người Trung Quốc xưa xuất khẩu sang nhiều quốc gia lân cận.

Loại vải độc đáo này chỉ được sản xuất tại 2 huyện Thuận Đức và Phiên Ngu ở đồng bằng Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ở những nơi khác, dù áp dụng kỹ thuật tương tự, nhưng người ta cũng không thể tạo ra loại vải lụa có chất lượng tốt như lụa Hương Vân.

Thuở trước vùng đồng bằng Châu Giang có nhiều cơ sở dệt lụa Hương Vân, nhưng nay người ta không còn quan tâm nhiều đến nghề này nữa. Xưởng dệt vải Chân- yi là cơ sở duy nhất còn duy trì nghề này.

Bùn đóng vai trò quan trọng trong việc nhuộm màu cho lụa Hương Vân. Loại thuốc nhuộm tự nhiên này chỉ có thể tìm được ở huyện Thuận Đức và huyện Phiên Ngu. Đó là lý do lụa Hương Vân chỉ được sản xuất ở 2 vùng này.

Thuốc nhuộm vải truyền thống mà xưởng dệt vải Chân-yi sử dụng được làm từ củ khoai tây dại. Theo những tài liệu ghi chép của người Trung Quốc cổ, khoai tây có vỏ màu đen, ruột màu đỏ và chứa nhiều nước. Củ khoai trông tương tự như củ hà thủ ô. Những cư dân ở miền nam Trung Quốc thường dùng củ của loại khoai tây này để nhuộm màu cho da giày.

Ngày nay, công nhân ở xưởng dệt Chân-yi vẫn áp dụng phương pháp nhuộm vải thủ công truyền thống đã có từ hàng trăm năm trướcđể nhuộm màu cho lụa Hương Vân. Sau khi nghiền nát khoai tây, người ta đổ chúng vào chậu nước để hòa tan rồi lọc lấy nước có màu. Loại nước này được dùng để nhuộm màu cho vải. Phương pháp nhuộm này đã được người Trung Quốc áp dụng từ khoảng 3000 năm trước. Màu của thuốc nhuộm làm bằng thực vật bám rất chặt vào từng sợi vải. Dù người sử dụng giặt nhiều lần hay phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, vải cũng không bị phai màu.

Sau khi vải được nhuộm màu khoai tây, người ta mang chúng ra sân trải trên mặt cỏ phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Sau khi phơi khô vải, công nhân dùng thùng có vòi hoa sen để tưới nước màu khoai tây lên vải trong khi công nhân khác dùng chổi làm bằng cọng dừa quét đều loại nước đó trên khắp bề mặt vải. Dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, những khúc vải khô lại rất nhanh. Sau đó họ mang số vải đã được phơi khô vào bồn chứa nước khoai tây để nhuộm màu lần nữa để màu của khúc vải trở nên sậm hơn.

Sau khi vải trắng trải qua 30 đến 40 lần nhuộm màu và phơi khô, chúng có màu nâu sẫm. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chỉ là một nửa công đoạn nhuộm màu lụa Hương Vân. Công đoạn tiếp theo là nhuộm màu đen lấp lánh cho một mặt vải. Đây là bước quan trọng nhất trong cả quá trình nhuộm lụa Hương Vân.

Trong quá trình này, công nhân liên tục khuấy bùn rồi dùng cọ quét đều lên mặt vải. Loại bùn này có chứa chất sắt, chúng gây ra những phản ứng hóa học giữa những sợi vải và tạo nên màu đen sáng lấp lánh. Vì vậy, lụa Hương Vân có 2 màu đen và nâu ở 2 mặt, màu nâu là màu của khoai tây và màu đen là màu của bùn.

Hơn 3000 năm trước, người Trung Quốc đã phát hiện một số loại cây, lá và trái quanh nhà có thể dùng để nhuộm màu cho vải. Kể từ đó, phương pháp nhuộm màu bằng thực vật trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc. Hiện nay, do yêu cầu từ phía người tiêu dùng, những khúc vải lụa Hương Vân có màu đỏ, xanh lá cây, tím, vàng pha tím hay xanh biển lần lượt ra đời. Hiện lụa Hương Vân đã có 7 hoặc 8 màu. Ngoài ra, vải được dệt mỏng màu sắc tươi sáng, và mềm mại hơn.

Thanh Trúc
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *