Bên bờ hạnh phúc

Trong tiết trời ấm áp, hương xuân như còn vương vấn với lòng người, chúng tôi về thăm một miền quê  từng nổi tiếng qua tác phẩm văn học “ Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Đó là xã Tam Ngãi- huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh.

Đường về Tam Ngãi, mùa lúa mới xanh mượt trên những cánh đồng, trong lúc nhiều nơi khác vụ đông xuân vẫn còn chưa gặt .

 

Đối với chúng tôi, Tam Ngãi không phải là một nơi xa lạ khi còn thuộc tỉnh Cửu Long. Lúc ấy, Tam Ngãi là một miền quê xa nghèo . Sau 20 năm chia tách tỉnh, nghe nói trong xã bây giờ có nhiều hộ nông dân đã là tỉ phú. Tin nầy thật sự là một điều thú vị trên quê hương của “ Người mẹ cầm súng” , cũng là lý do chúng tôi về lại nơi nầy. 

Chúng tôi  ghé Ủy ban nhân dân  xã để chào hỏi các đồng chí ở địa phương. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng nghe khách đến từ Truyền Hình Vĩnh Long , các anh xem chúng tôi như những người thân thiết…

Các anh kể về những đổi thay trên một vùng quê từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, cũng như những khó khăn từ điều kiện tự nhiên sau ngày hòa bình. Theo thời gian, Tam Ngãi đã vượt lên chính mình, trở thành đất lành trù phú .Chúng tôi nghe mà thấy ấm lòng …

Tam Ngãi là một vùng nông thôn sâu của huyện Cầu Kè, có ranh giới chung với các xã  Thông Hòa, Hòa Tân, An Phú Tân, Hòa Ân huyện Cầu Kè và các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Tích Thiện- huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Trong kháng chiến, Tam Ngãi là căn cứ đứng chân, là nơi xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng của địa phương và vùng lân cận. Trên địa bàn xã, 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khơ me luôn đoàn kết trong chiến đấu, cũng như trong lao động sản xuất xây dựng quê hương.

Trong 2 cuộc kháng chiến , xã Tam Ngãi đã có 152 liệt sĩ, 20 bà mẹ việt Nam anh hùng, 479 gia đình có công với cách mạng; 2 anh hùng quân giải phóng miền Nam, 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã được phong tặng danh hiệu xã anh hùng .

Rời Ủy ban xã, các đồng chí ở địa phương cùng chúng tôi đến thăm nhà anh Lâm Thanh Hùng- con trai út của chị Út Tịch, cách đó không xa. Được biết ngoài anh Hùng, vợ chồng chị Út Tịch còn 5 người con khác hiện đang sinh sống và làm ăn ở Trà Vinh và Vĩnh Long. Hiện tại các anh chị đều có cuộc sống ổn định.

Anh Hùng ngày xưa chính là cậu bé suýt bị chết đuối trong lần mấy mẹ con chị Út bị lật xuồng trên sông, theo lời kể của nhà văn Nguyễn Thi trong tác phẩm Người mẹ cầm súng. Lúc ấy anh mới 1, 2 tuổi , giờ anh đã bước vào tuổi 50.

Đến nhà anh Hùng , chúng tôi thắp nén nhang viếng chị Út Tịch- một người mẹ, người phụ nữ anh hùng mà chúng tôi ngưỡng mộ từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Và cũng để báo với Chị, hôm nay chúng tôi về Tam Ngãi, để hiểu thêm về một miền quê kháng chiến , không chỉ kiên cường trong đấu tranh cách mạng mà còn đang thay da đổi thịt từng ngày

 

Những đồng chí, đồng đội của chị Út không còn nhiều. Chúng tôi may mắn gặp chú Thạch Tinh ở ấp Ngọc Hồ, người vừa là hàng xóm vừa là đồng đội của chị Út khi chị công tác ở địa phương.     

Nhà chú Thạch Tinh cách nhà cũ của chị Út chừng vài trăm thước, theo con đường đan của ấp Ngọc Hồ.          

Khu vực nhà cũ của chị Út giờ gần khu trung tâm của ấp Ngọc Hồ.  Ai từng đến đây ngày trước, mới hiểu hết ý nghĩa cửa sự đổi thay . Đường xá, cầu cống được đầu tư nâng cấp, giao thông nông thôn được nối liền. Việc đi lại của bà con cũng thuận tiện dễ dàng . Hẳn đây là điều chị Út đã từng mơ ước.

 Xã Tam Ngãi – quê hương chị Út Tịch ,từ một xã vùng nông thôn sâu, địa bàn chia cắt, là nơi hoang hóa,  bị tàn phá trong chiến tranh, giờ đã là vùng quê của nhiều nông dân giỏi .

 Nhiều ngôi nhà mới mọc lên sau những vụ mùa bội thu. Nơi đây xuất hiện ngày càng nhiều những triệu phú, tỉ phú miệt vườn. Điều thú vị là cây Cam sành đã làm đổi đời rất nhiều hộ nông dân.

 

 

 Các đồng chí mới quen ở Ban nông nghiệp và Đoàn thanh niên xã đưa chúng tôi đến nhà ông Võ Văn Công- còn gọi là Chín Công- một trong số nhiều người trồng Cam sành giỏi và làm giàu cùng thương hiệu Cam sành Tam Ngãi.

Ông Chín Công cho biết, những năm gần đây rất nhiều hộ dân Tam Ngãi phất lên nhờ cây cam sành. Cây cam sành ở đây đem lại hiệu quả kinh tế cao, một phần nhờ phù hợp thổ nhưỡng, một phần do trình độ canh tác của nhà vườn ngày càng được nâng cao, giá cả cũng thuận lợi . Ông cho biết, các anh cán bộ ở xã cũng rất giỏi làm kinh tế vườn. Riêng ông đang canh tác được 4 hecta. Hai heta là đất nhà, phần còn lại là đất thuê.

 Chúng tôi nghe nói, nhiều nhà vườn ở Tam Bình, Trà Ôn – Vĩnh Long cũng xuống Tam Ngãi để thuê đất trồng cam.   Ông Chín đưa chúng tôi tham qua vườn cam khoảng hơn một tuổi của mình.

 Trước mắt chúng tôi là những gốc cam chiều cao chỉ trên dưới một thước, thế mà mỗi cây có đến vài chục trái. Khoảng 1-2 tháng nữa là thu hoạch được. Chúng tôi  ngạc nhiên , vì thông thường người ta không để trái nhiều như thế nầy vì sợ ảnh hương đến sự phát triển và tuổi thọ của cây. Nhưng ông Chín Công bảo chẳng hề gì, vẫn có cách để cây phục hồi và phát triển sau khi thu hoạch trái. Đất Tam Ngãi cũng không phụ lòng người.

 Nhìn vườn cam của ông Chín Công, và nghe ông giải thích những vấn đề liên quan đến cây cam sành, chúng tôi không khỏi thán phục về trình độ làm vườn của ông cũng như những nhà vườn trên quê hương “ Người mẹ cầm súng” nầy.

 

 Trong lúc nhiều địa phương lao đao vì cây cam sành, kể cả  nhiều vùng chuyên canh nỗi tiếng, nhưng ở Tam Ngãi, chính loại cây có múi nầy đã góp phần đưa tổng thu nhập của xã lên gấp nhiều lần so với trước đây. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, và nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú ở miệt vườn.

 Tạm biệt ông Chín Công , chúng tôi tiếp tục chuyến đi tìm hiểu những cách làm giàu khác nhau của người dân Tam Ngãi.

Nằm sâu trong ấp Ngãi Nhất là trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Thu. Tuy cũng có đất vườn, nhưng ông Nguyễn Văn Thu đã chọn cho mình hướng phát triển riêng là chăn nuôi. Công việc nầy đã được vợ chồng ông theo đuổi suốt hai mươi năm qua. Tuy có những lúc thăng trầm khác nhau nhưng ông vẫn kiên trì với sự chọn lựa của mình, ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất. Để làm được điều đó, ông đã không ngừng học hỏi kiến thức, từ cách phòng trị bệnh đến chăm sóc. Nhờ vậy , những đàn heo của ông vẫn khỏe mạnh trong thời điểm bệnh dịch tấn công.

Ông tự tin nói rằng, mỗi khi heo bị dịch bệnh hay rớt giá, nhiều người chán nãn bỏ cuộc, còn ông thì lại tận dụng triệt để những thời điểm đó để mở rộng qui mô chăn nuôi. Những lúc như vậy , sau đó thường hay trúng đậm.

Mỗi năm ông xuất trung bình vài chục tấn heo, thu nhập bình quân vài trăm triệu. Ở vùng sâu như nơi đây, số tiền ấy không phải nhỏ. 

Thời gian chỉ cho phép chúng tôi gặp gỡ vài người trong số rất nhiều  người làm kinh tế giỏi ở xã Tam Ngãi. Ở họ , không chỉ  siêng năng cần cù mà còn luôn chịu khó tìm tòi học hỏi, nâng cao trình độ , luôn biết nắm bắt thời cơ để làm giàu cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Ở Tam Ngãi bây giờ, những công trình phục vụ dân sinh cũng được chú trọng xây dựng. Trạm y tế quân dân y kết hợp đã đi vào hoạt động vài năm gần đây tại ấp Ngọc Hồ, đã tạo điều kiện chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân trong xã và dân cư vùng lân cận.

Chị Đinh Ngọc Tuyết- y sĩ – phụ trách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết đây là công trình đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ thầy thuốc gồm 6 người và có một bác sĩ tăng cường vào mỗi đầu tuần . Trong đó, có một y sĩ là người dân tộc Khơ me. 

Nhìn Sô Đa khám bệnh cho mọi người, chúng tôi thấy phấn khởi vì con em người dân tộc trên quê hương của Chị Út ngày nay đã biết phấn dấu vươn lên, để xứng đáng với lớp cha anh ngày trước đã từng chiến đấu và hy sinh trên mãnh đất nầy. Ở xã Tam Ngãi ,có nhiều liệt sĩ là người dân tộc, họ hy sinh cũng là vì mong muốn một tương lai tươi sáng cho con em mình. Điều đó đang dần trở thành hiện thực trên miền quê nầy. 

 Tạm biệt những người thầy thuốc ở trạm xá, chúng tôi đến trường Trung học phổ thông của xã cách đó chừng một cây số. Cũng giống như trạm xá, trường không xây dựng ở khu hành chánh và chợ xã ,mà nằm sâu trong ấp Ngọc Hồ. Đây là một sự qui hoạch hợp lý, vì ở khu vực hành chánh của xã tiện đường về thị trấn Cầu Kè. Còn ấp Ngọc Hồ  là trung tâm của các ấp trong xã, lại tiếp giáp với xã An Phú Tân. Ngôi trường được xây dựng nơi đây sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho con em vùng sâu vùng xa được đến trường. So với trước kia, điều kiện học hành nơi đây vô cùng thuận lợi.

 Chúng tôi hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp chính quyền và của ngành giáo dục, Tam Ngãi rồi đây sẽ có nhiều những bác sĩ kỹ sư, có nhiều những cán bộ giỏi cho quê hương.

 Khi nói về chuyện học hành, các anh cán bộ ở xã khoe với chúng tôi, Tam Ngãi bây giờ có rất nhiều gia đình hiếu học, dù khó khăn vẫn lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đến nhà ông Ngô Minh Thuận ở ấp Bưng lớn A. Thật thú vị khi được trò chuyện cùng chú Sáu Thuận, để hiểu về ước mơ xây dựng quê hương bằng con đường tri thức… 

 Về Tam Ngãi những ngày nầy, lúa mùa đã thu hoạch xong, vụ cam mùa nghịch chưa kịp đến , nhưng thời gian lưu lại đã đủ cho chúng tôi  biết được quê hương của Người mẹ cầm súng bây giờ thay đổi ra sao. Nếu thế hệ cha anh trước đây đã chiến đấu rất kiên cường trên từng tấc đất quê hương, thì thế hệ con cháu ngày nay đã làm cho đất được nở hoa kết trái mượt mà. 

Chúng tôi hy vọng rằng, những dự định hôm nay sẽ sớm thành hiện thực, để mai này về Tam Ngãi sẽ còn nhiều điều thú vị và bất ngờ hơn. Tạm biệt Tam Ngãi, tạm biệt quê hương Người mẹ cầm súng- mảnh đất ngoan cường, đang đi lên cùng nhịp sống thanh bình./.

Tuyết Mai 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *