Bên bờ hạnh phúc

Từ thành phố Vĩnh Long  theo Quốc lộ 1 đi Bình Minh, rẽ qua cầu Thành Lợi, theo Quốc lộ 54 một đỗi là tới trung tâm huyện Bình Tân. Từ đây, đường bộ qua mấy xã vùng Tầm Vu,  đã thông ngược ra Đường tỉnh 908 ,  có thể nhanh chóng về lại Quốc lộ 1.  Nói chuyện nầy trước khi về lại Tầm Vu, để nhắc lại một thời ,về Tầm Vu chỉ có đò giang cách trở …

Không chỉ giao thông đã thuận lợi , khách phương xa còn sẽ có ấn tượng đặc biệt về các vùng chuyên canh cây rau màu của huyện Bình Tân. Nếu như Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng và Thành Đông có tên tuổi nhờ khoai lang thì Thành Lợi, Tân Bình, Tân Quới, Tân Lược, Tân An Thạnh lại đang “đình đám” với rau cải, cây trồng chủ lực  thứ hai.

 Và bây giờ, chúng tôi đang trên đường 908, tìm về các xã thuộc vùng Tầm Vu của huyện Bình Tân,  vùng đất một thời phèn chua, chiến tranh và hoang hóa…

 

Khi nhắc đến địa danh Tầm Vu, thoạt tiên người ta nghe cứ như là xa mịt xa mù, nhưng ngược lại Tầm Vu ở rất gần với chúng ta. Bởi đây là vùng đất trũng mới khai phá, được trải rộng trên địa bàn bốn xã: Tân Thành, Tân Hưng, Thành Trung và Thành Đông, là vùng chuyên canh cây màu của huyện huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh long. Những ngày này, đồng đất Tầm Vu đã qua mùa dưa hấu, nhưng khắp nơi lại xanh mướt một màu xanh của khoai lang tím Nhật- giống khoai giúp xóa đói giảm nghèo, giống khoai giúp vùng đất chua phèn đang giàu lên qua năm tháng. Và, cả một vùng đất Tầm Vu rộng mênh mông đang giàu lên. Giàu lên nhờ trí tuệ dám nghĩ dám làm. Giàu lên nhờ đôi tay lao động. Và… giàu lên nhờ tình quân dân gắn bó. 

Một cán bộ xã cùng đi nhớ lại : Hồi đó, khi chưa có chủ trương khẩn hoang, Tầm Vu là một vùng rậm rạp lau sậy cùng đưng lác. Mùa khô khét nắng mấy tháng trời, cỏ rả cháy rụi. Mùa mưa nước ngập linh láng, không có chiếc xuồng thì chỉ còn biết ngồi bó gối nhìn trời. Muốn mua cái gì cũng phải lội lỏm bỏm rã cẳng cả chục cây số. Lỡ hết dầu hôi bất tử, có khi suốt cả tuần nhà cửa không chút đèn đóm, đành đi ngủ khi mặt trời mới sập nhá nhem mặt người.

Khi con kinh Tầm Vu mới đào xong, hai bên bờ đất vàng khè màu phèn, và chỉ độc một thứ cây sống được là cây bạch đàn. Đi xa xa mới thấy một vài cái chòi lá lụp xụp của những người nuôi vịt chạy đồng.

Đó là chuyện ngày trước. Bây giờ Tầm Vu đã quá khác.

Tầm Vu hôm nay đang khoác lên mình màu xanh mút tầm mắt của những cánh đồng chuyên canh hoa màu, đồng lúa năng suất chất lượng cao, những vạt khoai xanh rì và ruộng dưa hấu bạt ngàn…

 

Chợ Tân Thành sầm uất như thị tứ, phố xá ngang dọc, tiệm tạp hóa xen với tiệm vàng . Xã có đủ trường học, bệnh viện, có cả bến xe, cây xăng. Chỉ có người Tầm Vu gốc mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống đổi thay.

Đó là kết quả của chủ trương khai hoang, cũng là lao động gian khổ của biết bao người dân địa phương và người đi làm kinh tế mới, đã đến đây đổ công sức làm hàng chục ngàn cây số kinh mương nội đồng lớn nhỏ,  xả phèn, dẫn ngọt, kết hợp với xây dựng đường giao thông, đê bao ngăn lũ…, cùng hợp sức thổi lên sức sống của Tầm Vu vốn hàng trăm năm nghèo khó, một thời đồng đất chó chạy hở đuôi. 

  Có mặt trên vùng đất Tầm Vu từ lâu, nhưng chưa bao giờ cây khoai lang lại phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Trên những cánh đồng trải rộng, cây khoai được trồng xen canh với cây lúa, xen canh với các loại hoa màu khác. Có những chân ruộng trải dài, chỉ dành riêng cho cây khoai sinh sôi nảy nở.

 Từ vài chục hécta bên dòng kinh Mười Thới, đến nay, cây khoai lang đã lan tỏa thành vùng chuyên canh rộng lớn, phủ kín các xã phía Bắc Quốc lộ 1A của huyện Bình Tân, với trên 3.000 hécta. Ngoài các giống khoai truyền thống của địa phương như khoai bí đỏ, khoai dương ngọc, khoai trắng sữa, khoai nghệ… nổi tiếng gần xa, thì vài năm trở lại đây, một số giống khoai mới cho năng suất cao, chất lượng ngon cũng được nhập về đây, càng làm cho vùng chuyên canh khoai Tầm Vu thêm phong phú, đa dạng. Trong đó, có giống khoai tím Nhật rất được ưa chuộng, làm hài lòng ngay cả những người tiêu dùng khó tính nhất. 

Với diện tích đất trồng 1.300 ha, xã Tân Thành xác định khoai lang và dưa hấu là cây màu mũi nhọn . Tân Thành khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất luân canh 2 vụ khoai 1 vụ lúa, 1 vụ khoai 2 vụ lúa, 1 vụ khoai 1 vụ dưa hấu hoặc 1 vụ khoai 1 vụ lúa tùy theo đặc điểm, điều kiện sản xuất của từng ấp. Diện tích khoai lang được xã quy hoạch ổn định khoảng 1.000 ha/năm với các mô hình đa dạng như trồng khoai chính vụ, khoai neo ( tức khoai thu hoạch muộn hơn vụ chính từ 1,5 – 2 tháng), bán dây khoai giống… với các giống cho năng suất cao đạt bình quân 30 tấn/ha và giá bán ổn định như khoai sữa, khoai trắng, khoai Bí đỏ…Nhờ có hệ thống đê bao khép kín, hàng năm nông dân còn sản xuất gần 100 ha khoai lang muộn , được giá bán cao gần gấp đôi so với chính vụ. 

 

Rời Tân Thành, chúng tôi sang vùng chuyên canh khoai lang của xã Thành Đông . Xã tạo điều kiện phát triển các tổ hợp tác trồng và thu hoạch khoai, tổ hợp tác thu mua khoai… tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, trong đó đa số là lao động nữ với thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày. Đồng thời, tại xã còn hình thành đầu mối thu mua, trung chuyển nông sản cho vùng chuyên canh khoai lang của các xã Tân Bình, Tân Quới, phát triển thêm dịch vụ vận tải, tạo thêm việc làm cho những hộ dân thiếu đất sản xuất. Nhờ vậy, xã chuyển đổi dần cơ cấu lao động từ làm nông sang kết hợp làm dịch vụ, thương mại, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên từ 18 – 20 triệu đồng/năm.

Không chỉ ăn nên làm ra từ cây khoai lang, mặn mà với cây dưa hấu, mà trên thực tế cho thấy, bà con nông dân Bình Tân còn phất lên nhờ các loại rau màu khác, với những vụ mùa bội thu. Trong đó có một số loại rau màu thế mạnh truyền thống đang đang đứng vững trên thị trường hiện nay. Ngay sau tết Nhâm Thìn 2012, bà con nông dân huyện Bình Tân đã xuống giống khoảng 2.000 hécta rau xanh các loại để đón đầu vụ Đông- Xuân, tập trung nhiều nhất ở bốn xã : Tân Bình, Thành Lợi, Tân Hưng và Tân An Thạnh.

Về Tầm Vu, một trong những điểm đến được tính trước của chúng tôi là tiểu đoàn 857- Tiểu đoàn anh hùng, đang đứng chân ở vùng đất Tầm Vu.  Và cũng chính tại vùng đất này, tháng 8 năm 1957, tiểu đoàn chính thức được thành lập, và liên tục lập chiến công , khiến kẻ thù phải bao phen kinh hồn bạt vía. 

Gặp thiếu tá Trần Văn Chua, tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng Nguyễn Thành Thọ, chúng tôi được biết, ngoài tham gia huấn luyện để đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tiểu đòan bộ binh 857 còn thực hiện rất tốt công tác xã hội và tăng gia sản xuất để góp phần cải thiện đời sống của bộ đội. Từ cơ quan tiểu đoàn bộ, đến các đại đội, các trung đội trinh sát, thông tin, hỏa lực… đều có vườn rau tự túc, chuồng trại chăn nuôi gà vịt. Nhờ vậy bữa ăn hàng ngày của cán bộ chiến sĩ ở đây không ngừng được cải thiện.

 

Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Trần Văn Chua hướng dẫn chúng tôi đến thăm Khu sản xuất tập trung Tầm Vu , ở ngay đầu cầu 857, giáp giới với địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Khu sản xuất này chỉ có ba người, mà cáng đáng công tác sản xuất cả ngàn công đất của tỉnh đội Vĩnh Long.

Khi tới nơi, chúng tôi được thiếu tá Phạm Văn Hiện, trưởng khu sản xuất tập trung Tầm Vu, quê ở Chánh Hội- Mang Thít, về cắm chốt từ năm 2005, đến nay đã có thâm niên sáu năm trời trồng lúa, trồng khoai lang ở đồng đất Bình Tân, đưa chúng tôi tham quan cây cầu bắc qua kinh Tầm Vu.

 Đây là cầu mang tên tiểu đòan 857, nằm giáp ranh hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, nên nhu cầu qua lại của bà con nông dân rất cao. Vậy là bộ đội xắn tay áo, bỏ tiền, bỏ công sức ra xây cầu cho dân đi lại. Tình nghĩa quân dân như cá với nước là như vậy.

Thiếu tá Phạm Văn Hiện còn đưa chúng tôi đến nhà anh Hai Đạo, Nguyễn Văn Đạo, là nông dân về Tầm Vu bám trụ từ những ngày đầu Tỉnh đội đưa quân vào mở đất.

Nhà Hai Đạo ở bên kia con rạch nhỏ trổ ra kinh Tầm Vu, ngay mé trái cầu 857, địa thế đắc lợi đủ bề, đúng như ca dao : “bên dưới có sông bên trên có chợ, hai đứa mình kết vợ chồng nghen”. Tất nhiên, sông ở đây là kinh Tầm Vu, còn chợ thì là Khu sản xuất tập trung của tỉnh đội, với cái sân phơi lúa rộng; gà, vịt, ngan, ngỗng và bồ câu nhiều vô kể. Chúng tôi nói đắc địa, đắc lợi, bởi giữa bát ngát một vùng đất, từ chợ Tân Thành vào, chúng tôi đi suốt mấy cây số, mới gặp được một ngôi nhà của Khu sản xuất, với ngôi nhà của anh Hai Đạo. Cộng cả quân dân lại với nhau, đếm cũng chưa đầy hai bàn tay mười ngón. Nhìn qua phía Đồng Tháp bên kia dòng kinh, hút tầm mắt mấy cây số cũng tịnh không thấy một ngôi nhà.

Khu sản xuất tập trung Tầm Vu của tỉnh đội có diện tích trồng lúa tới bốn trăm công, trong tổng diện tích cả ngàn công được sử dụng cho nhiều mục đích quốc phòng , dân sự khác nhau. Quân số Khu sản xuất chỉ có ba người, khi cần lao động theo thời vụ mới huy động bộ đội các đơn vị vào tiếp sức; còn bình thường, các đơn vị luân phiên cử mười chiến sĩ vào lao động . Như vậy, lực lượng bộ đội tham gia làm kinh tế thường xuyên chỉ có mười ba người, cho bốn trăm công đất liên tục xoay vòng một năm hai mùa, với một vụ lúa và một vụ khoai. Ấy vậy mà, vụ đông xuân năm 2010-2011, Khu sản xuất nhập kho tới trên 10.500 giạ lúa, khoai lang bán được hơn 350 triệu đồng.

Lúc đoàn chúng tôi đến thăm, thượng úy Nguyễn Văn Hải đang xuống bếp làm đồ ăn. Đây là một tay đầu bếp được giới thiệu là  rất cừ khôi… Trước hết là tốc độ làm bếp. Vèo một cái, Hải đã lo tươm tất bữa ăn cho cả chục người. Sau nữa là ngón nghề nấu nướng của thượng úy đầu bếp. Cá trê kho tộ , canh chua cơm mẻ , món ngon dân dã xem ra làm bài bản không kém nhà hàng chuyên nghiệp . Còn rau thì toàn là rau sạch, vừa giòn vừa ngọt, ngọt như nghĩa tình bộ đội.

Rồi cả một nồi cháo vịt đầy, một lẩu mắm đầy cá đồng, cá đeo ruộng lúa của đồng đất Tầm Vu, có cả cá trê vàng bây giờ đang quý hiếm.

Xứ Tầm Vu, nghe tên cứ thấy thoảng xa mịt xa mù, nhưng đến rồi mới thấy sao thật thân thương gần gũi. Dường như ở đâu cũng vậy, đất hoang đãi người mới. Như anh Hai Đạo cũng là người xứ khác tới đây lập nghiệp. Còn Phạm Văn Hiện , Nguyễn Văn Hải , cả chàng binh nhất đang sống giữa đồng, cũng quê nơi khác. Có điều, muốn trụ vững ở đây rồi thành thổ địa,  phải có bản lĩnh và cá tính, bởi đồng đất nơi đây khắc nghiệt. Đã nắng thì nắng chang chang, nắng đến khô cong  đồng đất . Đã mưa thì mưa dầm, lại thêm nước nổi ròng ròng mấy tháng trời. Bởi vậy Nguyễn Văn Hiện là Thiếu tá, nhưng giỏi làm ruộng như một nông dân thực thụ. Còn Thượng úy Nguyễn Văn Hải  thì máy dầu, máy điện, máy lạnh, máy cày gì cũng sửa được; lại còn lái được cả ô tô chạy trên đường, lái được cả hobo chạy dưới sông. 

Chia tay, chúng tôi hẹn sẽ  lại về Tầm Vu, đất mến khách và đã rất gần . Khoai lang nghệ nướng , khoai lang tím luộc cùng ăn với mắm , khoai lang bí hầm  với bắp, món đồng quê giữa cánh đồng chiều , cùng đối ẩm chuyện Tầm Vu, quê hương thật thanh bình.

Chờ đến mùa khoai mới , Tầm Vu sẽ lại đón khách, bởi nơi đây còn bao  điều thú vị./

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *