Bên bờ hạnh phúc

 ……Ngoại ơi!… Con viết thư này cho Ngoại bằng tình cảm của một đứa bé vừa vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Và khi con vừa biết cảm nhận cuộc sống xung quanh mình một cách bình thường, vừa biết nghĩ suy thì những tình cảm đầu tiên trong cuộc đời con xin dành cho Ngoại….

 Đó là một trong số những đứa trẻ được bà Út nâng niu, chăm sóc phục hồi chức năng khiếm khuyết từ khi còn rất nhỏ. Giờthì em đã hòa nhập cộng đồng….Tất cả những đứa trẻ này đều gọi bà là bà ngoại Út. 

 

Sáng nào cũng vậy, những đứa trẻ này được bà ngoại Út đón chào bằng nụ cười hiền lành, nhân hậu . Chúng như được bù đắp trong vòng tay yêu thương và sự tận tụy đầy trách nhiệm của bà.

Tuy tuổi đã cao nhưng ngoại Út còn nhanh nhẹn lắm. Tết rồi, ngoại Út tròn 70 tuổi, tóc cũng ngả màu sương. Thời gian có thể làm cho vầng trán ngoại xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn, tuổi tác cũng chất chồng; nhưng thẳm sâu trong ánh mắt vẫn lung linh tình yêu cuộc sống, yêu con người, nhất là những cháu bé chẳng may khuyết tật… 

 Mỗi ngày của ngoại Út đều được bắt đầu bằng những công việc bận rộn tại Trung tâm phục hồi chức năng do ngoại sáng lập, cũng là nơi ở của bà. Đây là công trình mà bà rất tâm huyết và dành cả cuộc đời mình để theo đuổi. Bởi ngoại nghĩ: Một người bình thường gặp cảnh không may đã là sự khổ. Riêng những đứa trẻ khuyết tật không may thì cuộc sống còn vất vả hơn. Với mong muốn xóa đi những mặc cảm, thắp sáng niềm tin, niềm vui sống cho các cháu khi bước vào đời, ngoại Út đã bắt đầu ý tưởng của mình bằng nhưng công việc nhỏ , rồi phát triển dần suốt mấy chục năm nay.

Với ngần ấy thời gian bà đã góp phần phục hồi chức năng cho hàng trăm cháu, trong đó có những cháu từng bị bệnh tật hiểm nghèo, có thể tự tin đi giữa cuộc đời bằng những bước đi nghị lực.

Tấm lòng ấy, tình yêu thương con trẻ ấy đã nhen nhóm trong lòng nữ bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu, thường gọi là Út Điểu, ngay từ những năm tháng tham gia kháng chiến.  

Thuở ấy… ở tuổi 15,16, bà đã theo cách mạng. Với chuyên môn y tế, bà từng làm cô đỡ cho nhiều phụ nữ trên địa bàn công tác, kể cả người nhà của binh lính sĩ quan. Công việc nầy tạo mối quan hệ giúp bà nhiều thuận lợi cho nhiệm vụ giao liên sau nầy.

Sau ngày hòa bình, bà tham gia nhiều công tác như phụ trách nhà trẻ Huỳnh Kim Phụng, rồi giám đốc Bệnh viện y học dân tộc thị xã Vĩnh Long v.v…. Sau khi tốt nghiệp Đại Học chuyên ngành Đông Y, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu tham gia nhiều hoạt động y tế ở địa phương. Với những đóng góp to lớn cho ngành, bà đã vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quí: Thầy thuốc ưu tú.

Dù ở đâu và vị trí nào, bà cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhưng có lẽ, thành công nhất trong cuộc đời người thầy thuốc ưu tú này chính là công việc mà bà gắn bó lâu nhất : công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật ở địa phương.  

 Miệt mài và cần mẫn… bà lặng lẽ trao cho từng mảnh đời bất hạnh chiếc cần câu từ lòng nhân ái của tình người, để nhận lại niềm tin và niềm hy vọng rằng ngày mai của những số phận khiếm khuyết ấy sẽ tốt đẹp hơn.

Với tấm lòng của một ”lương y như từ mẫu” nhiều năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu là một trong những thầy thuốc được vinh danh trong công tác điều trị cho trẻ em mắc chứng bệnh bại não; mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Cho đến ngày về hưu, bác sĩ Điểu vẫn nặng nợ với các cháu không may gặp cảnh đời khiếm khuyết. 

Căn nhà của bà ngoại Út lúc nào cũng chật ních người từ sáng sớm đến chiều tối. Bệnh nhân có, thân nhân người bệnh cũng có. Bà ngoại Út thì tất bật hết việc này đến việc khác cùng những cộng sự của mình.

 Bà gần gũi và không mang dáng vẻ gì của một thầy thuốc mà chân thành như một người mẹ, một người bà thân thương với mái đầu bạc trắng, gương mặt phúc hậu luôn nhoẻn miệng cười quanh tiếng réo gọi của đàn cháu thơ. Bọn trẻ vốn quen thuộc với hình ảnh của ngoại Út rồi, nên hễ khi ngoại Út đi đâu xa là thấy nhớ. Riêng với bà cũng vậy, bà dành hết thời gian quan tâm từ cách dùng thuốc đến từng bữa ăn, từng phương pháp trị liệu để nâng cao hiệu quả điều trị cho từng trường hợp cụ thể. Và dù bất cứ phương cách nào thì tấm lòng và tình yêu thương cũng luôn là phương thuốc chữa trị hàng đầu.

 

Nhìn bàn tay thoăn thoắt, ấm áp của bà, ai cũng cảm nhận được tình yêu thương bao la như của một người bà, người mẹ.

Người đời thường ví von: “Cháu bà nội, tội bà ngoại…” . Cả bầy trẻ đều gọi chân thành là bà ngoại Út, không phải chỉ là cách gọi ngẫu nhiên của bầy trẻ nhỏ. Trong cách gọi ấy là thật nhiều tình cảm mà chính những đứa trẻ ngây ngô này cảm nhận được từ  “bà ngoại” Út. 

Kể từ khi tham gia cách mạng cho đến giờ, gần cả cuộc đời mình bà đều gắn liền với công tác phụ nữ, trẻ em. Không những thế, càng về sau, người bác sĩ già còn gắn bó hơn với công tác xã hội, lấy đó làm niềm vui đời mình- nhất là đối với người khuyết tật.

Từng câu chuyện cuộc đời đầy cảm xúc cứ đan xen mỗi khi bà nhắc tới một trường hợp nào đó mà mình chưa giúp được, cứ day dứt mãi, làm cho người đối diện luôn cảm nhận: Trong người thầy thuốc không còn trẻ này có quá nhiều ước mơ về thế giới con người. Ngày xưa, bà từng lấy tuoi trẻ của mình đi vào chiến tranh . Giơ đây, cho đến những ngày cuối đời, bà vẫn sống vì mọi người, những người khuyết tật…

 Tuổi ngoại nay đã cao, nhưng mỗi ngày bà vẫn luôn song hành cùng tập luyện với người bệnh để tiếp thêm cho họ nghị lực, niềm tin vượt lên số phận. Mỗi niềm vui của gia đình, mỗi bước chân tập tễnh của các em là niềm hanh phúc rạng ngời trên gương mặt Ngoại. Tình bà cháu,  nghĩa gia đình tràn ngập khắp nơi trong căn nhà nhỏ bé này. Bởi không chỉ yêu thương những đứa trẻ khuyết tật, giúp chúng vượt lên số phận mà Ngoại còn là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho những bà mẹ đầy hoàn cảnh này, giúp họ sống vững chải, tự tin hơn giữa cuộc đời nhiều biến cố.

Dẫu cuộc đời riêng, bà chưa một lần làm mẹ, nhưng tận sâu trong trái tim nhân hậu ấy luôn chứa chan tình yêu thương của mẹ. Bà không chỉ hiểu, mà còn cảm thông, xẻ chia với  những điều bất hạnh.

Trong chiến tranh, ngoại học làm cô đỡ, đôi bàn tay nhỏ nhắn từng nâng niu những tiếng khóc chào đời, nâng niu khát vọng sống trong khói lửa đạn bom. Những khoảnh khắc cận kề giữa sự sống và cái chết làm Ngoại không có thời gian để nghĩ đến chuyện riêng tư nữa. Chiến tranh đi qua, ngoại lặng lẽ cống hiến, phục vụ cho xã hội mà quên đi hạnh phúc riêng mình. Khi giật mình ngoảnh lại ,mái tóc đã nhuộm màu sương. Rồi ngoại quyết tâm dành hết thời gian còn lại gắn bó với công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật như một cơ duyên của cuộc đời. 

Cuối ngày, trong không gian tĩnh lặng, Ngoại chỉ còn lại một mình, đối diện với những nghĩ suy, những lo toan vẫn nhiều vất vả. Nhưng Ngoại Ut không đơn độc trong hành trình gieo mầm hạnh phúc của mình. Giờ đây, hình ảnh ngoại Út thật đẹp trong lòng người, trong những tuổi thơ khiếm khuyết đang lớn lên trong tình yêu thương của ngoại. 

Đó là niềm vui để ngoại say mê cống hiến cho đời. Ngoại Út không tìm đến  vinh quang cho bản thân mình; mà ở ngoại luôn là tình yêu cuộc sống. Khi những đứa trẻ bập bẹ được tiếng nói đầu đời, có thể bước đi bằng đôi chân tập tễnh, cũng là lúc bao vất vả nhọc nhằn qua đi, và nụ cười lại đến. 

Những đứa cháu của ngoại sau nầy lớn lên, không chỉ từ bài học tập nói, tập đi, mà còn là bài học về cuộc đời của chính ngoại, về nghị lực phi thường của người phụ nữ miền quê sông nước.

Tóc ngoại giờ đã trắng, nhưng nụ cười lúc nào cũng ngọt ngào đầm ấm . Ngoại Út vẫn lung linh một tấm lòng, yêu thương cuộc đời bằng cả trái tim.

Một mùa xuân nữa sắp qua đi,  ngoại Út lại chồng thêm tuổi, nhưng bà vẫn luôn là một hình ảnh đẹp của lòng nhân ái. Rồi những trẻ thơ từ mái nhà của ngoại, vượt lên số phận, trên hành trình cuộc sống tương lai,  vẫn sẽ luôn nhớ về mái nhà chung ấm áp nầy . Ở đó , hiện diện mãi  nụ cười thật gần của ngoại Út thương yêu.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *