Bên bờ hạnh phúc

 Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Qua 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh Vĩnh Long đã có hàng chục ngàn lao động thụ huởng chính sách này có được kiến thức, tay nghề, có việc làm ổn định nâng cao thu nhập kinh tế cho gia đình.

 

Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp, đa số người dân sống ở các vùng nông thôn. Chính vì đặc điểm này, năm qua Trung tâm dạy nghề và GTVL các huyện, thành phố tập trung đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ nhằm giúp người lao động có tay nghề và giải quyết việc làm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, trước đây gia đình thu nhập chính từ 4 công ruộng. Từ khi tham gia lớp học đan thảm lõi, vợ chồng chị tranh thủ nhận hàng về nhà làm. Nhờ vậy, thu nhập kinh tế gia đình ngày một khá hơn.

Xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình hiện có 2 làng nghề đan thảm lục bình ở ấp Bình Ninh và Bình Quí. Năm qua, nhờ có chính sách đào tạo nghề mà nhiều lao động trong xã có được việc làm ổn định. Đến nay, xã có hơn 1.600 lao động tham gia sản xuất.

Ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ – Tam Bình cho biết: “Trong năm 2011, tổ thực hiện đề án 1956 kết hợp với huyện tổ chức được 10 lớp đan thảm lục bình có trên 300 lao động tham gia học nghề. Qua đào tạo,  thật sự nó có hiệu quả thu nhập của người dân từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng tháng cơ bản giải quyết khó khăn của người dân, giảm 189 hộ nghèo hiện nay xã còn 280 hộ, chiếm 7,7%. ”

Ngoài các nghề tiểu thủ công nghiệp, năm qua, các địa phương trong tỉnh cũng đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo như sửa chữa xe gắn máy, cơ khí, may công nghiệp, nghề nấu ăn, uốn tóc, hoặc mở các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp. Các lớp học này cũng từng bước phát huy hiệu quả giúp người dân tìm được việc làm và nâng cao kiến thức ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Nhờ sự phối hợp linh hoạt giữa các Trung tâm dạy nghề – GTVL với các ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, năm 2011, toàn tỉnh đã tổ chức được 459 lớp dạy nghề cho hơn 13.100 lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm gần 80%.

Theo ông Lữ Quang Ngời, Giám đốc Sở LĐTBXH Vĩnh Long: “Để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong năm 2012 chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể. Thứ nhất là tập trung nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là các cấp uỷ đảng chính quyền ở cơ sở nhằm giúp cho người dân học nghề theo nhu cầu và có việc làm để có thu nhập. Thứ 2 cần quan tâm là đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị và đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý cho các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn để đào tạo cho người lao động tiếp cận với yêu cầu xã hội và các yêu cầu của doanh nghiệp, Thứ 3 là gắn đào tạo theo địa chỉ tức là kết hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để người học ra phải đảm bảo có việc làm (79% – 85%)”.

Với chủ trương, chính sách hợp lòng dân, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sẽ là đòn bẩy góp phần thực hiện tốt hơn công tác giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, xoá giảm nghèo theo Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 đã đề ra.

Bích Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *