Bên bờ hạnh phúc

         Thực hiện dự án xây dựng mô hình và hổ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới  và chứng nhận VietGap, trong vụ đông xuân 2011-2012 tỉnh Vĩnh Long đã triển khai xây dựng 7 mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các huyện, với  tổng diện tích 700 ha,  để giúp nông dân tham quan học tập và sau đó sẽ  từng bước nhân rộng ra các địa phương khác. Dự án này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân, từng bước thay đổi nhận thức của bà con theo hướng sản xuất cộng đồng và tạo ra lúa gạo hàng hóa có chất lượng cao.

 

        Trong vụ đông xuân 2011-2012 tại xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm đã triển khai cho nông dân ở 3 ấp : Nước Xoáy, ấp 8 và Đập Sậy thực hiện trồng lúa theo hướng cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích gần 212 ha. Trong đó ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long hổ trợ trên 100 ha, số diện tích còn lại do huyện đầu tư. Đây là mô hình điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiến bộ và cơ giới hóa đồng ruộng ; từng bước tiến đến sản xuất hàng hóa lớn và đạt chứng nhận Việt Gap, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, cải thiện thu nhập cho nông dân. Mô hình này đã tập hợp 436 hộ tự nguyện tham gia, và được chia thành 9 tổ hợp tác sản xuất.

           Ngoài huyện Vũng Liêm ra, trong vụ lúa đông xuân này các huyện khác trong tỉnh Vĩnh Long cũng đồng loạt triễn khai dự án xây dựng cánh đồng mẫu lớn,gồm 7 mô hình điểm với  tổng diện tích 700 ha ; tổng kinh phí đầu tư 43 tỷ đồng và được thực hiện từ nay đến năm 2015. Mục tiêu của dự án này là làm cho bà con nông dân liên kết lại trong sản xuất, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, ít am hiểu kỹ thuật. Tạo sự liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ hơn . Ngoài ra xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ tập hợp nông dân sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao, bằng cách sử dụng 1 giống, hoặc 1 nhóm giống lúa để hình thành vùng nguyên liệu lớn, tạo điều iện thuận lợi cho việc tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất, làm giảm thất thoát, hạ giá thành sản phẩm.

 

         Tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ được hướng dẫn qui trình trồng lúa tiến bộ như  bỏ tập quán sạ dày, sử dụng giống lúa chất lượng cao tốt để gieo sạ với mật độ thưa, hoặc sạ hàng, bón phân cân dối và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Ngoài ra bà con còn được tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trang bị  kỹ thuật canh tác theo chương trình 1 phải-5 giảm, 3 giảm-3 tăng…… để giúp cho việc chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu, hạn chế các loại dịch hại  và số lần phun thuốc BVTV. 

    Thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, qui trình sản xuất với  sự liên kết chặt chẽ 4 nhà là qui trình khép kín. Trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương ; sự hổ trợ về kỹ thuật  của nhà khoa học ; các doanh nghiệp sẽ tham gia thực hiện cung ứng giống , thuốc BVTV , phân bón ……với giá sỉ . Và hơn ai hết nông dân phải chủ động liên kết  lại, góp đất với nhau ở những hộ liền kề để hình thành một cánh dồng lớn ; khi đó việc đầu tư khoa học kỹ thuật, thủy lợi nội đồng, vấn để cơ giới hóa trong sản xuất lúa…..được thực hiện đồng bộ và nông dân sẽ tiết giảm được nhiều chi phí sản xuất. Xuống giống lúa đồng loạt, cùng một loại giống, hoặc một nhóm giống có chất lượng cao, và theo một qui trình thống nhất…… ; giúp cho hạt lúa làm ra sẽ có chất lượng tốt, năng suất cao, và bán được giá.

         Thực tế đã cho thấy, cây lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn luôn phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh và chi phí đầu tư rất thấp. Tuy vụ lúa này chưa thu hoạch, nhưng qua quan sát đồng ruộng bà con cũng có thể đánh giá được năng suất và hiệu quả kinh tế của nó sẽ tăng vượt trội hơn so với sản xuất theo tạp quán của nông dân vài trăm kg lúa / ha, cá biệt có nơi lên đến gần cả tấn/ ha. Theo bà con, dù cho năng suất có bằng nhau, nhưng trong mô hình cánh đồng mẫu thì chi phí sản xuất thấp, giá thành giảm; kết hợp với chất lượng lúa gạo được nâng lên, giá bán cao thì  sẽ mang lại lợi nhuận nhiều hơn. 

 

           Tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở Vĩnh Long mới triển khai thực hiện, nhưng qua kết quả cho thấy cách làm này sẽ giúp người  nông dân  xóa bỏ dần lối sản xuất theo tạp quán cũ, để thay vào đó bằng những kỹ thuật canh tác tiến tiến hơn, có sự liên kết với nhau trong sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất, có chất lượng tốt.

           Cũng từ mô hình này sẽ giúp tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi làm thế nào để nông dân có thể tiếp cận với  các loại vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo. Đồng thời giá cả và việc tiêu thụ sản phẩm làm ra cũng thuận lợi, giúp nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra nó còn giúp từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, gây trở ngại cho việc tiến hành cơ giới hóa trong quá trình sản xuất và thu hoạch. Chỉ có liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn này thì trong tương lai ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam mới thật sự làm ăn lớn và đủ mạnh  để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. 

          Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *