Bên bờ hạnh phúc

Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những biến động của thị trường, những người nông dân, đặc biệt là những nông dân giỏi, cũng lèo lái được “con thuyền kinh tế” của gia đình mình đến với bến bờ thành công. Cứ mỗi dịp xuân về, tết đến, chúng ta có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những nông dân này để cùng kể nhau nghe những câu chuyện vượt khó thú vị cũng như công việc chuẩn bị đón năm mới của họ. 

Năm 2011, dù kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nền nông nghiệp nước ta được đánh giá là có bước phát triển khá, nhất là trong lĩnh vực trồng lúa. Đây là năm nông dân ở ĐBSCL, nơi có đóng góp trên 90% sản lượng gạo cho xuất khẩu, có dịp để ăn mừng khi vừa trúng mùa vừa trúng giá. Đặc biệt, những nơi bà con trồng lúa giỏi, biết áp dụng tốt khoa học kỹ thuật và lề lối canh tác mới vào đồng ruộng thì sự thành công càng được khẳng định. Xã Long An, huyện Long Hồ, được xem là địa phương có nhiều tiến bộ, nhất là công tác làm lúa giống chất lượng cao.

Ông Phạm Văn Long

Gia đình ông Phạm Văn Long là một “địa chỉ xanh” về lúa giống đã nổi tiếng nhiều năm nay tại ấp An Phú A. Thành tựu cho việc giỏi nghề trồng lúa đã giúp gia đình ông từ nghèo khó vươn lên. Tuy vậy, vợ chồng ông cũng không ngừng học tập thêm kiến thúc mới cho nghề nghiệp của mình. Hiện nay, gia đình ông vừa sản xuất lúa giống từ cấp nguyên chủng có chất lượng ngày càng cao, vừa tiến hành lai tạo nguồn giống mới đang trong quá trình được các nhà khoa học khảo nghiệm. Dự kiến, nếu bộ giống này được công nhận, quê hương Long Hồ sẽ có bộ giống mang tên mình.

Chia tay, gia đình ông Phạm Văn Long, chúng tôi ghé thăm vườn nhãn IDO nổi tiếng của ông Nguyễn Văn Phúc mà nhiều người còn gọi là Tám Liếp, ở xã Chánh An, huyện Mang Thít. 

Ông Nguyễn Văn Phúc

Nếu năm 2011 là một năm khá thuận lợi cho cây lúa thì nông dân trồng nhãn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn phát triển mạnh, gây thiệt hại phần lớn diện tích của bà con. Theo nhiều thống kê cho biết, trong năm 2011, Vĩnh Long có trên 7.000 ha vườn nhãn, trong đó có trên 90% diện tích bị dịch chổi rồng, nhiều nhất ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, ở một số nơi, bà con áp dụng đúng quy trình phòng trị theo hướng dẫn đã khác phục khá tốt bệnh này và thu được kết quả rất khả quan. Ở Vĩnh Long, những nông dân như ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Tốt hay Bùi Quý Phước đều được đánh giá cao trong việc nỗ lực khắc phục bệnh chổi rồng này.

Năm 2011, trong khi nhiều vườn nhãn bị mất trắng, các ông đều đã có thu hoạch hàng chục tấn, thu về vài trăm triệu đồng, riêng ông Nguyễn Văn Phúc, với giống nhãn Thái IDO, giá bán cao hơn nên thu lãi trên 1 tỷ đồng. Những kết quả của những nông dân giỏi nghề này, được xem là tín hiệu vui trong năm mới cho nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL.

Với những biến động bất thường của thị trường, nhiều bà con chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với những nông dân giỏi nghề, họ có cách khắc phục để vươn lên. Hộ của anh Phạm Quốc Thịnh và chị Nguyễn Thị Thảo ở xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long là một điển hình giỏi trong lĩnh vực chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi của anh Thịnh – chị Thảo

Mặc dù mới vừa xuất chuồng hàng trăm heo thịt chuẩn bị đón Tết, nhưng gia đình anh Phạm Quốc Thịnh cũng còn khá bận rộn với chuyện chăn nuôi. Các lứa heo con thay phiên nối tiếp nhau. Được biết, với đàn heo nái khỏang 30 con, ra Giêng sẽ là đợt tăng đàn tiếp theo với số lượng khá lớn.

Vì gia đình ít đất chia con cái làm của hồi môn, vợ chồng anh Thịnh – chị Thảo được cha mẹ hai bên hướng cho cái nghiệp chăn nuôi này từ khi mới cưới nhau. Đã hơn 15 năm trôi qua, lúc nào anh chị cũng bám nghề và tìm cách vươn lên chính bằng cái nghề quen thuộc này. Có lúc thị trường thăng trầm lắm, phải chịu lỗ nhưng anh chị vẫn kiên trì, vì anh chị vẫn tin vào khả năng của mình.

Anh chị cho biết, nghề này không phải trông chờ lúc nào cũng thắng. Trong tình hình khó khăn, đối với giá cả chỉ cần trong năm bình quân nuôi được 6 tháng huề, 4 tháng lời và 2 tháng lỗ là xem như thành công. Vấn đề còn lại là kỹ thuật chăn nuôi phải vững, có như thế thì khả năng lỗ lã do hao hụt đầu con hầu như là không có. Cho nên, chính vì giỏi nghề và biết cách tính toán như vậy nên hàng chục năm qua, vợ chồng anh Thịnh – chị Thảo vẫn luôn gắn bó với nghề và thật sự anh chị đã làm giàu bằng chính cái nghề của mình.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *