Bên bờ hạnh phúc

Cuối năm trời trở gió. Len qua những dòng người và xe cộ bất tận giữa một TP HCM luôn bận rộn và hối hả, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ yên tĩnh sau lưng chợ Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh để thăm Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê. Sau 55 năm sống và làm việc ở nước ngoài, mấy năm trước đây, vào lúc 87 tuổi, ông đã quyết định trở về định cư tại Việt Nam, trong ngôi nhà do chính quyền và nhân dân TP.HCM trao tặng.

Căn phòng lớn của ngôi nhà được thiết kế rất hữu dụng: Salon để có thể thoải mái ngồi tiếp khách chuyện trò, bàn dài để tập trung vào công việc thuyết luận – giảng dạy, một không gian vừa có thể dễ dàng thu xếp để trở thành sân khấu nhỏ làm nơi trình diễn – giao lưu văn nghệ, lại vừa đồng thời là một bảo tàng xinh xắn trưng bày các bộ sách tiếng Pháp, bộ sưu tập nhạc cụ dân gian, cùng nhiều hiện vật in dấu thời gian và chắc rằng đã chứa đựng rất nhiều kỷ niệm trong suốt cuộc đời bôn ba khắp năm châu bốn biển của ông.

 

 Chịu khó quan sát kỹ và liên hệ các hiện vật với nhau, bước đầu, bạn có thể cảm nhận được tình yêu nồng nàn và kỳ diệu mà ông dành cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 

Chịu khó quan sát kỹ và liên hệ các hiện vật với nhau, bước đầu, bạn có thể cảm nhận được tình yêu nồng nàn và kỳ diệu mà ông dành cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Nếu không kể vài người giúp việc thì như bao nhiêu năm qua, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn đang sống một mình trong ngôi nhà này. Tuy nhiên, hàng ngày đều có bạn bè, đồng nghiệp, học trò đến thăm ông, cùng ông trò chuyện, trao đổi về các chủ đề như âm nhạc, giảng dạy âm nhạc và các vấn đề văn hóa khác. Những khi không tiếp khách, ông viết bài cho báo chí, làm đề cương bài giảng cho học sinh – sinh viên, nghiên cứu các công trình âm nhạc còn đang dang dở. Nhiều người thừa nhận, Giáo sư Trần Văn Khê là một bộ từ điển sống, bộ bách khoa toàn thư có thể lý giải rất nhiều vấn đề vừa là lý luận, vừa là thực tiễn của cuộc sống.

Từ Vĩnh Long lên thăm Giáo sư Trần Văn Khê lần này, chúng tôi thật sự không có nhiều thời gian. Vì ông không thể tự đi lại, cũng không còn đủ sức khỏe để chơi đàn, các thư ký của ông đã sắp xếp cho chúng tôi chương trình làm việc chỉ với một nội dung duy nhất là trao đổi, chuyện trò trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ. Sau đó, ông sẽ đi dự đêm trình diễn thời trang của các cụ cao tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

 Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại Tiền Giang, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc rất lâu đời

 

Tiểu sử của ông có ghi chép một chi tiết như sau: Năm mười tuổi, ông đã mồ côi cả cha và mẹ nên phải theo cô dượng về sống ở Tam Bình – Vĩnh Long. Tại đây, từ năm 1931 đến năm 1933, ông học Sơ học. Trong khoảng thời gian này, ông cũng được học đàn kìm với các thầy dạy của mình là thầy Bảy, thầy Ngợi.

Từng đọc nhiều tư liệu về ông, nghe ông nói chuyện về âm nhạc giữa đôi lần hội nghị, song chỉ đến hôm nay, chúng tôi lần đầu tiên mới thật sự được tiếp xúc với ông. Ấn tượng trước nhất là một gương mặt rất phúc hậu, một giọng nói quá hiền hòa, gần gũi.

Còn đang bối rối vì chưa biết phải bắt đầu từ đâu, thì Duy Hằng – cộng tác viên của chúng tôi – xin được hát tặng ông vài khúc dân ca. Rồi từ đó, câu chuyện của chúng tôi dần đến với âm nhạc truyền thống và văn hóa truyền thống. Ông lý giải cho Duy Hằng các vấn đề mà chị thắc mắc xung quanh các làn điệu dân ca Nam bộ như lý con sáo, lý Cái Mơn, lý Bạc Liêu. Ông nói rằng, chỉ riêng lý con sáo đã có tới mười mấy cách hát. Sau đó, để minh họa, ông ca cho chúng tôi nghe điệu lý con sáo theo ba cách khác nhau.

Bản thân Giáo sư – tức tri thức, đạo đức, phong cách, tâm hồn ông – là cây đàn tuyệt vời nhất, một cây đàn mà chỉ cần sự va chạm nhẹ là đã có thể cất lên những giai điệu, những cung bậc trầm bổng, du dương và sâu lắng

 

Rồi ông nói về những cái hay, cái đẹp trong âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Một trong những cái hay đó là luyến và láy. Vậy thế nào là luyến, thế nào là láy, láy trong hát ru, trong tụng kinh, trong hát quan họ, trong ca cải lương, hát bội khác nhau như thế nào, vì sao lại khác nhau…

Sau chuyện âm nhạc, ông nói đến văn hóa ẩm thực, sự khác biệt giữa nghệ thuật ẩm thực hai miền Nam – Bắc, tục chưng mâm ngũ quả ngày Tết, tục dựng cây nêu, đặc biệt còn có một câu chuyện rất hay là ngày xưa, người ta không gọi thịt kho tàu như chúng ta bây giờ, mà gọi là thịt kho nước dừa, vân vân và vân vân…

Chỉ sau vài phút ngắn ngủi, sự uyên thâm, tài hùng biện của Giáo sư Trần Văn Khê đã thực sự chinh phục được tất cả chúng tôi. Câu chuyện của chúng tôi xem ra sẽ khó có điểm để kết thúc.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại Tiền Giang, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc rất lâu đời. Bản thân ông sẵn có tư chất thông minh, chưa mười tuổi đã chơi rành các loại nhạc cụ như đàn kìm, đàn cò, giỏi đờn ca cải lương. Hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh lịch sử đã tạo cho ông rất nhiều cơ hội và yếu tố cần thiết để sớm trở thành một người chững chạc, biết lo toan, đặt nền tảng vững chắc cho việc trở thành người hoạt động xuất sắc nhất trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam sau này.

Thời trẻ, Giáo sư Trần Văn Khê mơ ước trở thành bác sĩ. Năm 1941, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Pétrus Ký ở Sài Gòn, ông ra Hà Nội, học Trường Thuốc. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ khiến việc học của ông phải dừng lại. Sau đó, ông trở về Nam, tình nguyện tham gia kháng chiến, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ. Năm 1949, ông sang Pháp, ghi danh vào Khoa Âm nhạc tại Đại học Sorbonne – Paris. Năm 1952, với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”, ông đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ hạng ưu và trở thành Tiến sĩ Âm nhạc Việt Nam đầu tiên ở Đại học Sorbonne. Năm 1959, ông vào làm việc ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, đồng thời mở Trung tâm Nhạc học Phương Đông và giảng dạy tại đây trong suốt ba mươi năm trời.

Bên cạnh đó, ông còn làm công tác nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc Việt Nam và âm nhạc châu Á ở Đại học Sorbonne trong 21 năm.

Cuộc đời ông gắn liền với những chuyến đi dọc ngang bốn phương trời: tham dự các kỳ Liên hoan, Hội nghị âm nhạc quốc tế thường niên, giao lưu – giảng dạy theo lời mời của các Trung tâm và Học viện Âm nhạc nổi tiếng ở các nước trên thế giới. Đến bất cứ nơi đâu, ông cũng đem tất cả tri thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết để truyền bá những nét đẹp của âm nhạc truyền thống nói riêng và của văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Làm sao có thể tính hết bao nhiêu công sức mà ông đã bỏ ra cho âm nhạc Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam trong hơn 50 năm bước chân qua mọi nẻo đường trên hành tinh này…. Trong khi tự ví mình như kiếp tằm phải nhả tơ, thì vì những hoạt động ấy, sau này, giới truyền thông nước nhà đã tôn vinh ông là "Trái tim Việt Nam".

Không chỉ truyền bá âm nhạc dân tộc, cuộc tiếp xúc với thế giới rộng lớn đã giúp ông hấp thu được rất nhiều tinh hoa từ nền âm nhạc của các dân tộc trên thế giới, cũng tức là tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Hiểu rõ sự khác biệt giữa vẻ đẹp của âm nhạc và văn hóa dân tộc Việt với các dân tộc khác, ông đồng thời cũng nhận ra sự tương đồng, dựa trên một nguyên lý bất di bất dịch trong nghệ thuật là chân – thiện – mỹ. Kiến thức phong phú, đa dạng, dần trở thành sự trải nghiệm uyên thâm. Trong khi được mệnh danh là "Trái tim nước Việt" thì người nước ngoài đồng thời cũng đặt cho ông cái tên "Sứ giả âm nhạc không biên giới".

Vì những nỗ lực và cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống, vì sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, năm 1981, tại Budapest – Hungary, ông đã được tổ chức UNESCO trao tặng giải thưởng mang tên Giải thưởng của UNESCO về Âm nhạc – một phần thưởng rất cao quý. Trên thế giới, số người được trao tặng giải thưởng này đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ở tuổi 91, Giáo sư Trần Văn Khê thấy mình vẫn còn rất bận rộn. Ông sợ mình không còn đủ thời gian để hoàn thành những công việc mà ông dự kiến phải làm, trong đó chủ yếu tập trung vào việc viết các bài giảng về âm nhạc cho học sinh – sinh viên. Không chỉ tha thiết với việc truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị của âm nhạc truyền thống, điều quan trọng nhất là thông qua những tri thức để lại, ông muốn nhen lên, gieo vào trái tim họ một thứ men tình yêu, giống như tình yêu nồng nàn mà ông từng có, từng nâng niu, cẩn trọng giữ gìn bao tháng năm qua đối với âm nhạc dân tộc, với những vẻ đẹp tuyệt vời trong nền văn hóa của cha ông. Ước nguyện cuối đời của ông là đem âm nhạc vào trong học đường, và âm nhạc truyền thống sẽ có được một chỗ đứng xứng đáng trong Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Tên tuổi Giáo sư Trần Văn Khê luôn gắn liền với một sự nghiệp vinh quang và danh tiếng rạng ngời, được bạn bè, đồng nghiệp, học trò khắp nơi trên thế giới đặc biệt yêu quý, ngưỡng mộ và kính trọng.

Tài hoa và thành đạt như vậy, song cuộc đời ông đâu phải không có những đoạn trường, thí dụ như bị bệnh tật giày vò, từng chịu đựng những nỗi đau sinh tử biệt ly, nhiều năm sống đời cô độc, thiếu vắng hơi ấm gia đình. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ông đã tôi luyện cho mình ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà ông tự đặt ra là cống hiến đời mình đến giây phút cuối cùng cho sự nghiệp bảo tồn những giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Chỉ tiếc rằng thời gian qua quá nhanh. Chuyện chưa hết mà phút chia tay đã cận kề. Lúc chưa gặp ông, chúng tôi từng mơ một lần trong đời được nghe ông chơi những ngón đàn đã quá nổi tiếng. Tới đây, mới hay cơ hội không còn nữa. Tuy nhiên hôm nay, chúng tôi đã biết, bản thân ông – tức tri thức, đạo đức, phong cách, tâm hồn ông – mới chính là cây đàn tuyệt vời nhất, một cây đàn mà chỉ cần sự va chạm nhẹ là đã có thể cất lên những giai điệu, những cung bậc trầm bổng, du dương và sâu lắng.

Bên thềm năm mới, chúng tôi muốn gửi đến ông chỉ một lời chúc vượt lên trên thời gian, để một hôm nào chúng tôi lại có thể về đây, bên nhau, cùng nghe cung đàn xưa cất lên tiếng lòng giữa không gian tĩnh lặng khi ngoài hiên còn đang ào ạt gió, như hôm nay.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *