Bên bờ hạnh phúc

Theo nhận định của giới nghiên cứu, đa số giống gà vườn ở Nhật hiện nay có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Cách đây hơn 2.000 năm, những giống gà này được du nhập vào quần đảo Nhật Bản.

Ngày xưa, gà được xem là con vật linh thiêng, hình ảnh của chúng gắn liền với những câu chuyện thần thoại. Một trong số những câu chuyện thần thoại kể rằng, Nữ Thần Mặt trời Amaterasu vì tức giận hành động ngang ngược của người em trai là Thần bão tố Susano nên đã lánh vào hang động, lấp kín cửa hang khiến dương gian chìm trong tăm tối. Trước tình cảnh đó, các vị thần bèn tìm cách để Nữ thần Mặt Trời rời khỏi hang động, mang ánh sáng ấm áp cho trần thế. Họ dùng những con gà trống giọng thật tốt thi nhau gáy để mời gọi Nữ thần Mặt trời.

Các vị thần tìm cách để Nữ Thần Mặt Trời rời khỏi hang động

Năm 675, một sắc lệnh quan trọng được ban bố đã tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa con người và loài gia cầm này. Thiên hoàng Tenmu lúc bấy giờ đã ra lệnh cấm sát sinh. Theo đó, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, người dân không được phép giết mổ gia súc và gia cầm để ăn thịt.

Thiên hoàng Tenmu rất tôn sùng đạo Phật. Lệnh cấm trên mang nặng ảnh hưởng của Phật giáo. Ở Nhật, từ tháng 4 đến tháng 9 là thời điểm canh tác nông nghiệp, việc cày cuốc khiến nhiều côn trùng bị giết hại. Do đó, lệnh cấm giết gia súc và gia cầm vào lúc này như một cách để giảm nhẹ tội sát sinh cho dân chúng. Lệnh cấm trên được duy trì trong nhiều năm, lâu ngày trở thành thói quen, người dân hầu như không dùng đến món thịt gà trong một thời gian dài.

Đến thời Heian, thế kỷ thứ VIII, giới quý tộc nghĩ ra trò chọi gà để tiêu khiển. Ban đầu, trò chơi này chỉ dành cho tầng lớp giàu có và có thế lực trong xã hội, nhưng sau đó, nó nhanh chóng lan rộng ra dân chúng và phát triển mạnh mẽ.

Chọi gà tiêu khiển

Cuối thời Edo, thế kỷ XVIII, người dân bắt đầu sử dụng thịt gà để chế biến món ăn. Lẩu gà là món rất được ưa chuộng vào thời này, trong đó lẩu gà Shamo được đánh giá cao nhất. Ngày nay, món lẩu này trở thành món ăn cao cấp trong ẩm thực Nhật Bản.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, thịt gà trở thành một trong những loại thực phẩm phố biến nhất trong dân chúng.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường, các công ty chuyên cung cấp thịt gà đã đưa vào áp dụng hệ thống giết mổ công nghiệp. Thập niên 1960, thịt gà nuôi công nghiệp chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản.

Ngày nay, thịt gà là món không thể thiếu trên bàn ăn của người Nhật. Loại thực phẩm giàu đạm và dưỡng chất này được chế biến thành vô số món ăn hấp dẫn, nhiều món đã trở thành đặc thù của ẩm thực xứ hoa anh đào.

Cũng giống như thịt gà, trong một thời gian dài trước đây, người Nhật hầu như không dùng đến trứng gà. Trứng gà chỉ được chú ý nhiều vào thời Edo khi các thương nhân nước ngoài đến Nhật, họ mang theo trứng gà như một loại thực phẩm giàu dưỡng chất.

Năm 1785, các nhà nghiên cứu ẩm thực của Nhật Bản cho ra đời quyển sách mang tên “Chiếc hộp bí ẩn chứa đựng vạn món ăn quý”. Quyển sách liệt kê vô số món ăn cùng cách chế biến và công dụng của chúng, trong đó có khoảng 100 món được làm từ nguyên liệu là trứng gà.

Điển hình và nổi tiếng nhất là món trứng gà luộc Kimigaeshi – một phương pháp luộc trứng rất đặc biệt. Quả trứng sau khi luộc chín, lòng đỏ sẽ nằm ở ngoài, bao trọn lòng trắng bên trong.

 

Trứng gà luộc Kimigaeshi 

Kimigaeshi là trứng luộc đảo ngược lòng đỏ và lòng trắng. Sách hướng dẫn rằng, để làm món trứng luộc kimigaeshi, trước tiên dùng kim chọc một lỗ nhỏ trên quả trứng, ủ trứng trong tương Nukamiso 3 ngày, sau đó lấy ra rửa sạch và đem luộc.

Cùng với việc dùng thịt gà làm thực phẩm phổ biến trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, trứng gà cũng bắt đầu được dùng rộng rãi từ thời kỳ này.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *