Bên bờ hạnh phúc

Nằm cặp theo hai bên Quốc lộ số 57, những ngày này, làng hoa Cái Mơn với hàng trăm cơ sở trồng hoa kiểng đủ loại đang phô ra những sắc hương rực rỡ. Trong số hàng trăm cơ sở ấy có cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Văn Công, ở ấp Phú Long thuộc xã Hưng Khánh Trung B – huyện Chợ Lách – tỉnh Bến Tre. Ở làng hoa, đó là một địa chỉ rất nổi tiếng.

 

Trước năm 2000, nghệ nhân Nguyễn Văn Công – tên thường dùng là Năm Công – hãy còn là một người trồng hoa, trồng kiểng tắc rất bình thường. Nghề trồng hoa, trồng kiểng vốn có một đặc trưng là phải phụ thuộc khá nhiều vào sự may rủi của thời tiết. Năm nào thời tiết xấu, mưa lũ kéo dài thì coi như thất thu, nhà vườn chịu cảnh thất bát, trắng tay. Mà thời tiết thuận lợi hay quá đẹp, giúp nhà vườn trúng lớn thì năm đó ít nhiều ắt sẽ gặp cảnh hàng dội chợ rớt giá. Cuộc sống người trồng hoa xem ra khó ổn định, cơ hội trở nên giàu có thật khó khăn. 

Quyết tâm thay đổi số phận, chú Năm bắt đầu để tâm suy nghĩ tìm cách làm ăn. Thời đó, kiểng thú ít người làm vì là một nghề khó, nhưng nếu thành công thì sẽ đem lại cho nhà vườn nhiều cái lợi lớn như vừa tránh được cảnh thất bát do thời tiết xấu hoặc cảnh dội chợ rớt giá, vừa đáp ứng được nhu cầu chơi kiểng ngày càng phong phú của người dân. Vấn đề là làm như thế nào và làm bằng cái gì? 

Trước đây, để làm kiểng thú, người ta thường sử dụng các loại cây như mai chiếu thủy, bùm sụm, cần thăng. Các loại cây này có đặc tính chung là thân giòn, khó thích nghi nên tuổi thọ của kiểng thường không cao. Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mách bảo chú Năm một điều rằng/ muốn làm kiểng thú thành công thì yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có nguồn cây nguyên liệu mới ưu tú hơn để thay thế cho các giống cây cũ. Một cơ duyên may mắn trong đời đã giúp chú phát hiện ra cây si Nhật – loài cây có những đặc tính rất thích hợp cho việc làm kiểng thú như dễ thích nghi, có sức sống mạnh mẽ, thân dẻo, lá xanh và bền màu. 

 

Chỉ với một nhánh si trồng thử buổi ban đầu, đến nay, toàn bộ hai công đất của gia đình chú Năm đều được sử dụng để trồng cây si nguyên liệu, mỗi năm có thể cung cấp hàng ngàn nhánh si. Tuy nhiên, số cây nguyên liệu tại chỗ này cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu làm kiểng. Cuối cùng, chú Năm phải đi các nơi khác tìm mua cây si nguyên liệu, hoặc hàng năm phải đặt hàng các nhà vườn chuyên trồng si nhánh. Đơn đặt hàng kiểng thú ngày càng nhiều, tính chất sản phẩm đòi hỏi ngày càng cao, cơ sở của chú Năm thường rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để làm hàng, cung không đủ cầu. Thường, chú phải đi khá xa mới có thể tìm được nguồn hàng khoảng trên dưới một trăm nhánh si như thế này.

Sau khi đã có được cây nguyên liệu thì yếu tố quan trọng tiếp theo và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất – công đoạn quyết định trong quy trình làm kiểng thú – là uốn khung sắt. Đó là yếu tố thuộc về tay nghề. Nói cách khác thì đó là năng khiếu sáng tạo của người thợ làm kiểng.

Tuy nhiên, không phải hễ có năng khiếu là có thành công. Bản thân chú Năm từng phải trải qua nhiều giai đoạn mày mò nghiên cứu, nhiều lần vất vả thử nghiệm, bị thất bại rồi mới đi tới thành công. Còn nhớ tại Sea Games 22 được tổ chức vào năm 2003, chỉ với một chủ đề là con trâu, chú Năm đã sáng tạo được 38 tác phẩm theo nhiều đề tài khác nhau như trâu chào, trâu ăn cỏ, trâu biểu tượng cho 11 môn thi đấu của Sea Games, vân vân…  Nếu không thật sự đam mê, chịu thương chịu khó với nghề, kiên trì và nhẫn nại theo đuổi khát vọng làm nghề, người nghệ nhân sẽ khó có thể đi đến thành công như hôm nay.

Ngoài yếu tố cây nguyên liệu và khả năng uốn khung tạo hình, việc nhìn nhánh, chọn nhánh để ráp vào khung sắt, thân kẽm cho phù hợp – người trong nghề gọi là đi nhánh– cũng là một yếu tố rất đặc biệt đòi hỏi phải có ở người thợ làm kiểng. Người thợ sáng ý, khéo tay là người nhìn nhánh cây mà biết nhánh cây đó có thích hợp với khung sắt hay thân kẽm hay không. Tiêu chuẩn đi nhánh quan trọng nhất là làm sao cho không thừa, không thiếu. Nhánh thiếu thì phủ không hết khung, nhánh thừa thì bị dội khung, cho ra hình vóc gồ ghề, thiếu mượt mà.

Sản phẩm của chú Năm chủ yếu chia ra làm hai loại, bao gồm kiểng hình và kiểng thú, trong đó độc đáo nhất chính là loại kiểng thú. Ngoài 12 con giáp, còn có các sản phẩm như khủng long, voi, báo, sư tử, hươu cao cổ, tê giác, cá heo, chim cánh cụt, vân vân… 

Về kiểng hình, có thể kể đến sản phẩm nhà lục giác, nhà bát giác, nhà hai mái, bình trà, tách trà, hồ lô, hàng rào, các mẫu tự để ráp thành tên các công ty, nhà hàng, vân vân…

 

Thật ra, ở ĐBSCL không phải chỉ có chú Năm Công là nghệ nhân duy nhất làm kiểng hình hay kiểng thú. Rải rác ở Cái Mơn cũng như ở nhiều địa phương khác trong khu vực đều có nghệ nhân cùng hoạt động trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, trải qua nhiều Hội Hoa xuân và Festival hoa kiểng toàn quốc được tổ chức đều đặn hàng năm, có một thực tế được giới sinh vật cảnh thừa nhận, đó là sản phẩm kiểng hình – kiểng thú của chú Năm Công luôn chiếm được ưu thế và cảm tình của người xem. Chúng không chỉ đẹp, hài hòa về kích thước, màu sắc, mà còn toát lên sự duyên dáng, nét tinh tế, đáng yêu trong các kiểu thiết kế, tạo dáng sản phẩm. Chú Năm tâm sự, để đạt được điều này, chú không chỉ thường xuyên xem tranh – phim ảnh về động vật, mà còn phải tận dụng mọi cơ hội để quan sát kỹ lưỡng các con thú có thật ở ngoài đời, cố gắng nắm bắt cho được hồn cốt, vóc dáng, thần thái của chúng. Nắm bắt được điều này và ứng dụng được vào trong thiết kế, sản phẩm sẽ thành công.

Chúng tôi đến thăm cơ sở của chú Năm Công vào lúc còn đúng một tháng nữa thì năm Mão sẽ qua và năm Thìn sẽ đến. Tuân thủ đúng chủ trương, truyền thống sản xuất của gia đình trong những năm qua, năm nay, chú Năm tập trung vào việc làm kiểng rồng. 

Thông thường, để đáp ứng nhu cầu thưởng Xuân của giới yêu sinh vật cảnh, theo lịch truyền thống, hễ Tết sắp đến là của năm nào thì trong năm, chú Năm sẽ tập trung sản xuất loại hình sản phẩm kiểng thú tương ứng với năm đó. Thí dụ, năm Dần làm kiểng hổ, năm Sửu làm kiểng trâu, năm Mão làm kiểng mèo, năm Thìn làm kiểng rồng, vân vân…

Sản phẩm kiểng thú của cơ sở Năm Công khá phong phú. Chỉ riêng kiểng rồng cũng đã có nhiều loại khác nhau. Từ năm 2000, tức năm đầu bước vào sân chơi này, chú Năm đã cho ra mắt giới sinh vật cảnh cặp rồng đầu tiên có chiều dài 7 mét và đã bán được sản phẩm này với giá 15 triệu đồng. Thành công thúc đẩy thành công. Tiếp theo đó, chú Năm nghiên cứu làm một cặp rồng khác dài khoảng 35 mét và hôm nay, trước mắt chúng tôi hiện lên cặp rồng lớn nhất mà cơ sở của chú sản xuất được từ trước đến nay với chiều dài lên tới 55 mét. Trên thị trường, cặp rồng này có giá khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra còn có một số mẫu rồng đứng rất đẹp khác. Rất tiếc rằng đến thời điểm này, các sản phẩm rồng đứng tại vườn chú Năm Công đã bán hết. Chú Năm cho biết, có lần, theo một đơn đặt hàng đặc biệt, chú từng làm một sản phẩm kiểng rồng có chín đầu.

Trong khu vườn của gia đình chú hiện nay, ngoài các sản phẩm kiểng rồng đang được tích cực chuẩn bị để giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán có trưng bày hai bộ sản phẩm 12 con giáp. Khác với loại sản phẩm kiểng thú độc lập đáp ứng theo từng năm, thường cung cấp cho đơn đặt hàng của cá nhân, loại mặt hàng bộ sản phẩm 12 con giáp này hầu như được đặt hàng quanh năm với đơn vị đặt hàng là các công viên và các khu vui chơi giải trí.

 

Nhiều công ty kinh doanh cây xanh – kiểng thú vẫn đang tiếp tục chọn cơ sở sản xuất cây kiểng Năm Công làm đối tác kinh doanh với những đơn đặt hàng có giá trị lớn nhằm cung cấp sản phẩm cho các công viên, khu vui chơi giải trí, các khách sạn, nhà hàng, công ty… hoặc xuất ra nước ngoài như Singapore và Campuchia. Chú Năm tâm sự, hiện nay, trình độ sản xuất cây kiểng của cơ sở Năm Công đã ở mức tương đối hoàn thiện. Khách hàng cần đặt làm bất cứ loại sản phẩm gì, giả sử như máy bay chẳng hạn, thì chỉ cần gửi mẫu mã, kích thước và đơn đặt hàng, chú và các nhân viên thiết kế của cơ sở sẽ nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm, đáp ứng đúng theo yêu cầu của khách hàng với chất lượng cao đã được kiểm chứng qua thời gian. Hiện nay, cơ sở của chú Năm Công có khoảng 20 nhân công đang làm việc. Họ hầu hết đều là con cháu trong gia đình. Ngoài việc được nuôi cơm, mỗi tháng, mỗi người có thu nhập trung bình khoảng 2 triệu đồng.

Hơn mười năm phấn đấu theo đuổi giấc mơ thay đổi số phận lênh đênh của người trồng hoa, với những thành tích vang danh trên thị trường ở cả trong và ngoài nước, nghệ nhân Nguyễn Văn Công đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen và những phần thưởng đặc biệt dành cho một số tác phẩm độc đáo. Cơ sở của chú từng vinh dự được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một lần ông về thăm tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, được Ngành Văn hóa – Thông tin và Du lịch tỉnh Bến Tre giới thiệu, rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước cũng đến thăm cơ sở Năm Công, trước là để chiêm ngưỡng những sản phẩm cây xanh độc đáo, sau là để thưởng thức tài nghệ của người nghệ nhân làm vườn, trồng kiểng nổi tiếng này. Ở vương quốc hoa Cái Mơn, cơ sở cây kiểng Năm Công đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa tiêu biểu.

Sự thành công của nghệ nhân Năm Công chứa đựng nhiều ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Từ cuộc sống với nguồn thu nhập luôn bấp bênh, đến nay, gia đình chú đã có nguồn thu ở mức hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo được công ăn việc làm lâu dài và sự ổn định vững chắc cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, sự thành công này còn có những ý nghĩa xã hội khác. 

Thứ nhất, nó vừa giữ gìn, vừa phát huy được truyền thống làm cây kiểng vốn có của làng nghề, mặt khác còn mở ra một hướng đi, một triển vọng mới, tạo tiền đề để làng nghề hoa kiểng ở Cái Mơn tiếp tục phát triển. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Hưng Kháng Trung nói riêng cũng như ở Chợ Lách nói chung đã bắt tay vào việc làm kiểng hình – kiểng thú. Không chỉ nhận được sự tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ của chú Năm trong các kỹ thuật, kỹ năng làm nghề, họ còn luôn nhận được từ chú những lời tâm sự, động viên, khuyến khích theo đuổi nghề nghiệp. Bản thân sự tận tâm, tận lực với nghề, niềm đam mê công việc của chú đã luôn là một tấm gương sáng, thôi thúc những con người đang nuôi khát vọng thay đổi cuộc đời mạnh dạn tiến bước.

Sau những tháng năm vất vả miệt mài, giờ là lúc nghệ nhân Năm Công đang thừa hưởng những thành quả lao động ngọt ngào của mình. Đó là một điều xứng đáng. Mùa xuân này nếu bạn có về làng hoa Cái Mơn, hãy thử một lần ghé thăm vườn kiểng thú ở nhà chú Năm Công, để trải nghiệm xem bạn sẽ ngạc nhiên trước điều gì: Thán phục bởi các tác phẩm – công trình cây xanh kỳ lạ ở nơi đây hay xao xuyến bởi tài năng, tâm hồn, tình yêu lao động của những con người bình dị chốn làng quê. Giữa khi những bước chân của xuân mới đang gần kề, chúng tôi xin chúc chú Năm – nghệ nhân Năm Công ở Cái Mơn – cùng gia đình một mùa xuân an lành, hạnh phúc bên cạnh thứ nghệ thuật đã luôn mang đến cho thế giới này những sắc xanh sáng tươi.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *