Bên bờ hạnh phúc

Hòòòòo ……. ooơơơi!
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,
công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
tìm cô không gặp, hòòòòo …… ooơơơi,
tôi gối đầu mỗi đêm.

Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra ……. chào…

 

 

Đoạn vô vọng cổ thật mùi của nghệ sĩ Út Trà Ôn trong bài Tình Anh Bán Chiếu quá quen thuộc với số đông bà con vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Nhưng, có lẽ không mấy người biết đích xác đâu là “bờ kênh Ngã Bảy” trong bài ca cổ?

Thị xã Ngã Bảy- trước là huyện Phụng Hiệp- tỉnh Hậu Giang. Thị xã Ngã Bảy là vùng sông nước đồng bằng độc đáo nhất của cả nước nói chung và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bởi nơi đây là điểm hội tụ của 7 con sông: Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng.

Cầu Phụng Hiệp xưa là cầu sắt, có hệ thống quay nên gọi cầu Quay. Trên cầu, nhìn qua phải là sông nước mênh mông, với phố chợ bao quanh như một vòng xoay và các con kênh tỏa ra năm hướng khác nhau thành hình ngôi sao, mỗi cánh sao chạy xa mút tầm mắt. Nhìn qua bên trái cầu Phụng Hiệp cũng có hai cánh sao, một cánh là con sông Cái Côn chảy dưới cầu, trổ thẳng ra sông Hậu; cánh kia là con kênh tẻ bên phải sông Cái Côn, trổ qua huyện Kế Sách tỉnh Sóc Trăng.

Năm ngả kênh bên phải và hai ngả kênh bên trái cầu Phụng Hiệp là bảy hướng thủy lộ với tâm điểm là “vòng xoay” quanh chợ Ngã Bảy. Vì thế người Pháp ngày xưa khi thành lập đơn vị hành chính Ngã Bảy- Phụng Hiệp năm 1915-  thường gọi đây là “ngôi sao Phụng Hiệp”.

Vẫn đứng trên cầu Phụng Hiệp nhìn về phía ngã năm, mé trái vòng xoay có một doi đất nhô ra giữa sông, nơi bờ kè bêtông đang được xây quanh để chống xói lở. Dân địa phương thường gọi đó là Doi Cát hoặc Doi Tiều- vì xưa kia ở đây toàn cát và là nơi người Hoa gốc Triều Châu tập trung sinh sống. Đó cũng chính là nơi ghe chiếu Cà Mau năm xưa cắm sào trên bến đợi.

Theo ông Đặng Hồng- 82 tuổi, tác giả cuốn sách “Ngã Bảy xưa và nay”- khoảng năm 1960, soạn giả Viễn Châu trên đường từ Bạc Liêu về Sài Gòn, tới cầu Phụng Hiệp thì xe đò bị hư nên dừng lại sửa. Trong khi chờ đợi, ông thả bộ ra Doi Cát, ở đó có một chàng trai ôm đôi chiếu bông ngồi mệt nhọc giữa trưa nắng, trước căn nhà cửa đóng kín, dáng vẻ như chờ đợi ai đã lâu. Ông hỏi lý do, chàng bán chiếu cho biết cô chủ nhà đặt làm đôi chiếu bông, bữa nay anh từ Cà Mau lên giao chiếu nhưng chẳng rõ cô chủ đi đâu đành ngồi đợi.

Chuyện chỉ có vậy nhưng soạn giả Viễn Châu cứ nhủ thầm rằng “ Sao mình không cho anh ta một mối tình?”. Vậy là trên đường về Sài Gòn, ông viết bài Tình anh bán chiếu, kể lại câu chuyện tình đơn phương của chàng trai thương hồ Cà Mau với cô gái xinh đẹp bên dòng kênh Ngã Bảy. Sau đó, với giọng ca “tê tái” của nghệ sĩ Út Trà Ôn, bài hát đã đi vào lòng người cùng địa danh Ngã Bảy…

Thật ra Ngã Bảy- Phụng Hiệp từ lâu đã là cửa ngõ của trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu. Chợ nổi Ngã Bảy được thành lập vào 1915. Người Pháp đã bỏ ra 10 năm đào 7 con kênh xáng để tỏa đi khắp mọi hướng. Đường thủy thông thương, ghe tàu Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Rạch Giá đi lên, Vĩnh Long, Cần Thơ qua lại ngày càng nhiều, người dân chở nông sản, rau củ, trái cây tụ lại ở vùng này trao đổi, buôn bán.

 

Sau gần 100 năm phát triển sung túc, hiện nay, chợ nổi Ngã Bảy đã được di dời tới vàm kênh Ba Ngàn cách đó 3 km về hướng sông Cái Côn . Nơi đây xuồng ghe đông đặc, với đủ loại ghe xuồng lớn nhỏ như ghe cui vùng Hậu Giang, ghe “mặt rằn” An Giang…, những chiếc tam bản của Cần Thơ, vỏ lải của Cà Mau… đến ghe chài cỡ lớn miệt Long An chở lu hủ đi ngang qua… Nhiều nhất vẫn là ghe bán nông sản. Nào bầu, bí, dưa, sắn…; nào chuối , khoai, mía, khóm… nào trái cây, với những ghe đầy ắp các giỏ xoài, giỏ mận, bưởi, cam, quít… màu sắc xanh đỏ trắng vàng đẹp mắt.

Khác với chợ trên bờ, chợ nổi là chợ động, bởi các ghe thuyền luôn dao động theo con nước lớn, ròng. Thay cho biển hiệu hay quảng cáo, trước mỗi thuyền ở chợ nổi có một cây sào cao, trên đó treo những hàng hóa cần bán- dân địa phương gọi là bẹo. Chỉ cần nhìn cây bẹo – những “bảng hiệu sống” – là biết trên thuyền bán gì. Hàng hóa ở chợ nổi Ngã Bảy cũng cực kỳ phong phú, trên bờ có gì, dưới sông có nấy. Từ cây kim sợi chỉ đến thực phẩm, đồ gia dụng và các loại rau quả, cây trái; bán ký, bán mớ, bán chục. Người đi chợ cũng dùng thuyền. Cảnh thuyền đông đúc cặp mạn mua bán nhộn nhịp vui mắt. Có ghe thuyền bán sỉ, có ghe thuyền bán lẻ. Thuyền bè trên chợ đi lại như mắc cửi nhưng không hề ùn tắc hay va quẹt vào nhau.

Ngã Bảy là xứ sở của sông ngòi kinh rạch chằng chịt đan xen, ghe xuồng đi lại như mắc cửi và cư dân định cư trải dọc hai bên bờ sông bao đời nay nên đã hình thành một nét văn hóa đặc trưng, chợ nổi.

Đặc trưng mua bán ở chợ nổi là sang chuyến: ghe qua ghe, xuồng qua xuồng, đã phát sinh một loại dịch vụ mới là “đò”. Đó là những xuồng hoặc ghe nhỏ dùng để chở khách đi chợ, dễ dàng len lỏi, ngang dọc trên chợ. Dịch vụ này lúc nào cũng đắt khách vì ghe lớn đậu ở ngoài vàm sông, mé kênh, lúc cần lên bờ phải kêu đò, một số tiểu thương và khách hàng trên bờ muốn mua hàng dưới chợ nổi cũng phải kêu đò. Ngoài ra, còn có hàng chục tàu đò, vỏ lãi đậu ở bến sông, sẵn sàng đưa du khách tham quan chợ nổi. Chủ tàu, chủ ghe đò thường là người địa phương nên có thể kiêm luôn vai trò thuyết minh, hướng dẫn khách. 

 

Chợ nổi Ngã Bảy- nhiều người còn quen gọi là chợ Ba Ngàn- nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng khi mặt trời vừa chớm mọc và đến đêm xuống thì chợ mới tan.

Hiện nay, các địa phương có chợ nổi đều đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái vườn kết hợp với chợ nổi để giới thiệu với du khách về vùng nước thanh bình, vườn cây sum suê trĩu quả làm sống lại nét văn hóa vùng sông nước. Chợ nổi đã trở thành một nét đặc sắc không thể thiếu trong đời sống cộng đồng ở đất Phương Nam. Hãy một lần đến Ngã Bảy và đi chợ nổi trên sông…

Ngã Bảy- Phụng Hiệp cũng nổi tiếng là nơi lắm cá, nhiều lươn, cả rùa cả rắn nữa… Ở chợ Ngã Bảy, dọc theo quốc lộ xuống Sóc Trăng, Cà Mau, có nhiều cửa hàng bán các sản vật đó. Thường là một cái tủ bốn mặt làm bằng lưới thép, nhốt từng đám rắn bên trong, có cả rắn “mái gầm” to và dài chừng một, hai mét… Bên cạnh là những con trăn to , thường đã bị xẻ thịt, lột da…để bán cho thực khách…

Thị xã Ngã Bảy được thành lập từ năm 2005 sau khi chia tách huyện Phụng Hiệp với tên gọi ban đầu là Thị xã Tân Hiệp. Sau thời gian không lâu, cái tên Tân Hiệp được đổi thành Thị xã Ngã Bảy cho đến hôm nay. Dù với tên gì, thì đây cũng là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển, đặc biệt là du lịch: nằm dọc quốc lộ, đất đai màu mỡ, cây trái xanh tốt quanh năm và là điểm đến của du khách trong rất nhiều năm qua.  

 

Bên dòng sông 7 ngả cũng có biết bao cuộc mưu sinh khác của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, nhưng có lẽ đặc trưng hơn hết của vùng đất này là mưu sinh trên sông nước. Để tiện việc đi lại, từng nơi, từng vùng có những chuyến đò ngang, đò dọc phục vụ bất kể thời gian… Và cũng từ đây, nhiều mối tình  đã đơm hoa kết trái từ những chuyến đò đầy ắp kỷ niệm này. Như những ghe chiếu cắm sào bên bờ kênh Ngã Bảy, những ghe hàng bông từ khắp nơi đổ về mua bán.

Chợ trên sông – một cách mua bán của cư dân vùng sông nước này với đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của con người… Còn, còn nhiều cuộc mưu sinh trên vùng đất này nhưng tựu trung đây vẫn là những cuộc mưu sinh ít dữ, lành nhiều của 7 nhánh sông…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *