Bên bờ hạnh phúc

Bánh tét từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân Nam Bộ và là loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong các ngày giỗ, tết. Bánh tét còn được coi như bánh tổ và có thể liệt ngang hàng với bánh chưng, bánh dày ở miền Bắc.

 

Bánh tét có nơi còn gọi là bánh đòn, là món ăn đặc trưng không thể thiếu  trong thực đơn của người Kinh và cả người Khmer ở niềm Nam. Cũng như bánh chưng của miền Bắc các nguyên liệu làm nên loại bánh truyền thống này là những nông sản có sẵn, dễ tìm trong mỗi gia đình như gạo nếp, dừa khô, đường cát, đậu xanh nhưng chỉ khác về hình dáng và lá sử dụng gói bánh là lá chuối thay vì lá dong như bánh chưng.

Bánh tét vốn quen thuộc với người dân đất phương Nam nhưng cách làm bánh tét không phải nơi nào cũng giống nhau, đặc biệt là nhân bánh. Thông thường bánh tét có 2 loại truyền thống là nếp gói với nhân đậu xanh và nhân chuối nhưng tùy theo vùng và khẩu vị mà bánh tét còn được trộn thêm đậu đen, nước lá dứa vào nếp và có cả nhân thịt, tôm khô, đậu mỡ, khiến bánh dẻo, bùi và lạ miệng hơn.

Bánh tét phải luôn được nấu ngập trong nước, thời gian nấu tùy vào kích cỡ của bánh nhưng thông thường từ 6 – 8 giờ, với nhiệt độ khoảng 90 – 1000c. Trong quá trình nấu, các hạt nếp sẽ hút nước, trương nở mềm ra làm tăng độ nhớt và dẻo, góp phần tạo nên nét đặc trưng của loại bánh này. 

Khi ăn bánh tét người ta thường dùng dao cắt ngang đòn bánh rồi lột vỏ nhưng cách ăn truyền thống của loại bánh này là cách tét phần lá ra rồi dùng chính dây cột bánh để cắt thành từng khoanh và cách ăn bánh đó có lẽ đã góp phần tạo nên tên bánh.

Như một nét văn hóa của người dân miền Nam Việt Nam, bánh tét không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày giỗ tết nhằm tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà. Bánh còn được dùng để đãi khách và làm quà biếu bà con rất có ý nghĩa.

Minh Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *