Bên bờ hạnh phúc

Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào những ngày giáp tết từ chợ xã, chợ huyện đến các tỉnh, thành… những phiên chợ hoa lại nhóm họp nhộn nhip.

Chợ hoa là một nét văn hóa độc đáo trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Trang trí hoa kiểng ngày tết không chỉ là nhu cầu thưởng thức cái đẹp, mà còn là sự gửi gấm những ước mơ, hoài bảo, sự kỳ vọng về một năm mới tốt đẹp, thịnh vượng, thành công của mọi người. Dù sang hay hèn, dù giàu hay khó, ai cũng cố gắng mua cho được một vài chậu hoa, chậu kiểng hợp với túi tiền của mình để về trang trí trong nhà, và cúng trên bàn thờ gia tiên.

 

Nhưng ít ai biết được, để có những chợ hoa đông vui nhộn nhịp đó, những người nông dân, những nghệ nhân miệt vườn đã phải đỗ biết bao mồ hôi, công sức ngày đêm. Họ đã âm thầm, cần mẫn và không ngừng sáng tạo để mang đến cho đời bao hương sắc tuyệt vời,tô điểm cho những ngày xuân thêm lộng lẫy.

Còn một tháng nữa là đến tết, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi về Cái Mơn- một vùng đất thuộc huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Có lẽ, cái tên Cái Mơn đã không còn xa lạ với nhiều người. Bởi từ lâu nơi đây đã được mệnh danh là vương quốc của cây giống và hoa kiểng ở miền Tây.

Ông Nguyễn Minh Mẫn- phó Chủ tịch hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách đưa chúng tôi đến  thăm một số hộ chuyên trồng cây cảnh đặc trưng trong mùa tết ở Cái mơn.

Cây tắc có mặt ở ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành hơn 60 năm qua. Ở đây nhà nhà đều trồng tắc. Cây tắc có mặt khắp nơi, từ ngoài vườn đến trước sân nhà. Đất hẹp thì trồng ít, đất rộng thì trồng nhiều. Người ta tranh thủ từng khoảnh đất trống để trồng tắc. Vào thời điểm nầy, những cây tắc đã cho trái căn tròn.

Cây tắc còn có rất nhiều tên quen thuộc, được gọi theo thói quen của từng địa phương, như: Cây quất, cây quí, cây hạnh v.v… Những ngày tết, nhiều bà con thích chưng tắc trong nhà, vì cây tắc là loại cây tứ quí, hoa trái bốn mùa, là biểu tượng của thành tựu quanh năm. Những người mua bán, kinh doanh chưng tắc ở nhà và cả nơi làm việc, để cầu mong đầu năm chí những cuối năm phát tài, thịnh vượng.

 

Trong đông y, tắc còn là cây thuốc quí.

Tắc là loại cây không khó trồng, nhưng để có một sản phẩm đẹp, chất lượng, xứng đáng để người ta mua về chưng trong những ngày đầu năm, thì đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỹ suốt thời gian dài.

Cây cảnh tắc kết hình tháp được nhiều bà con ưa thích. Chính vì thế vào những ngày nầy, người trồng tắc ở Cái mơn đang bận rộn kết những bụi tắc riêng lẽ thành hình những tháp to nhỏ khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Hộ anh Lê Văn Tân đặc biệt kết nhiều chậu thật to. Có nhiều chậu đường kính đến hơn một mét, chiều cao trên một mét rưởi. Hiện tại vào thời điểm một tháng trước tết nhiều sản phẩm đã hoàn thành, chỉ chờ  thương lái đến gom hàng. Nhiều hộ còn đăng ký lô tại các chợ hoa ở thành phố Hồ chí minh và các tỉnh thành chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.

Đối với những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, có thể gọi là một tác phẩm thì còn đòi hỏi tính thẩm mỹ. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân phải luôn tìm tòi, sáng tạo để không ngừng nâng cao giá trị các tác phẩm của mình.

Anh Nguyễn Hoàng Trong đã hoàn tất khâu sắp xếp các bụi tắc thành hình một cặp rồng và đang kết những phần đầu tiên. Anh chó biết, năm nay là năm Thìn nên anh cũng muốn tạo hình linh thú bằng chính loại cây cảnh truyền thống ở địa phương mình. Hình rồng nầy được anh mô phỏng theo hình long trụ ở những đình làng Nam Bộ.

Tạm biệt bà con trồng tắc ở Vĩnh Chính, chúng tôi mong cây tắc sẽ góp phần đem đến cho bà con  một cái tết ấm no thịnh vượng, như chính ý nghĩa tốt đẹp mà tắc đã đem lại cho đời.

Nói đến cây kiểng Cái Mơn, không thể không nói đến kiểng hình Và nhắc đến kiểng hình thì không thể không nhắc đến nghệ nhân Năm Công- người đã đưa kiểng hình của Cái Mơn vượt không gian để có mặt ở nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc. Thậm chí còn vượt biên giới sang các nước lân cận. Khách hàng ở Singapor khi đặt hàng đã mời ông sang tận nơi để lắp ráp sản phẩm.

Kiểng hình có lợi thế về kich cỡ, thích hợp để trang trí những nơi có không gian rộng, như công viên, khách sạn, không gian các lễ hội v.v mà không tốn quá nhiều tiền, nên ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Để tạo được thương hiệu như ngày nay là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo của một người nông dân, một nghệ nhân luôn tâm huyết, say mê với nghề.

 

Ngày nay cơ sở Năm Công phát triển lớn mạnh, minh chứng cho một hướng đi đúng đắn, phù hợp ở xứ kiểng Cái Mơn. Từ một cơ sở với chút ít kiểng thú loại nhỏ vào cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, ngày nay cơ sở Năm công được biết đến với các sản phẩm rất lớn về kích cỡ, như bộ kiểng thú 12 con giáp, kiểng hình nhà mát, hay còn được gọi là nhà môi sinh, cùng nhiều kiểng hình khác nhau được sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

Những ngày này ở cơ sở ông Năm Công không khí lao động luôn khẩn trương, nhộn nhịp. Cặp rồng nầy đang được chuẩn bị giao cho khách hàng. Mọi người đang dọn sửa lại lần cuối và tách ra từng phần để tiện di chuyển.

Cặp lục bình 4, 5 người khiêng cũng được chuyển lên xe tải. Tuy sản xuất  không kịp đáp ứng theo đơn đặt hàng, nhưng cơ sở ông Năm Công vẫn không ngừng nâng cao chất lượng và tính thẩm mỹ qua từng sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng ngoạn ngày càng đa dạng và khó tính của khách hàng.

Tuy còn một tháng nữa mới đến tết, nhưng cảnh mua bán cũng đã diễn ra. Nhiều chủ vườn mai đã xuất một lượng lớn cho các khách hàng đến từ miền Đông Nam bộ. Tuy thời tiết năm nay không thuận lợi, nhưng mai ghép ở Cái Mơn không bị ảnh hưởng nhiều, nên vẫn hứa hẹn một mùa tết bội thu.

Những điểm tập kết hoa kiểng ở Cái Mơn cũng đã bắt đầu hoạt động. Xe tải lớn nhỏ lần lượt chuyển hàng. Từ đây, hoa kiểng Cái Mơn sẽ góp mặt trong các chợ hoa ở các tỉnh thành, góp phần mang nét xuân tươi thắm đến mọi nhà, như một lời chúc năm mới với muôn điều thuận lợi, vạn sự thành công.

Những gì chúng tôi đề cập trong hành trình ký sự nầy chỉ là đôi nét chấm phá trong số rất nhiều làng nghề cây giống hoa kiểng đã được công nhận ở Cái Mơn. Kinh tế sinh vật cảnh thật sự là một động lực chẳng những cải thiện đời sống dân sinh mà còn góp phần làm giàu vùng quê được mệnh danh là vương quốc hoa kiểng nầy.

Tạm biệt Cái Mơn, chúng tôi đến xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Nơi đây tập trung nhiều hộ trồng huệ trắng, một loại hoa không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên vào những ngày rằm, mồng một, ngày giổ hay lễ tết.

Đồng chí cán bộ đoàn của xã đưa chúng tôi đi tham quan những cánh đồng trồng huệ trắng của bà con địa phương. Ngoài diện tích canh tác lúa và vườn cây ăn trái, đất còn lại chủ yếu trồng huệ. Những hộ nông dân ít đất sản xuất hoặc phải thuê mướn đất canh tác luôn chọn trồng huệ. Bởi  vì trên cùng một diện tích đất, huệ có thể cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa.Tuy nhiên nghề trồng huệ cũng lắm công phu.

Anh Trần Văn Hùng, người đã có nhiều năm trồng huệ cho chúng tôi biết, trồng huệ phải đầu tư vốn lớn và chăm sóc rất vất vả. Làm cỏ, bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ sâu là công việc thường xuyên. Cây huệ tuy thích hợp nhiều loại đất, trổ bông quanh năm, nhưng phải chọn loại đất thoát nước tốt. Trước khi xuống giống phải chuẩn bị kỹ lưởng từ khâu làm đất, lên liếp đến phòng ngừa sâu bệnh. Cây huệ trồng được 3 – 4 tháng thì cho thu hoạch lứa đầu tiên, và cứ như thế, chỉ cách vài ngày là có thể thu hoạch một lần, cho đến giáp năm. Sau đó nhổ củ lên, chọn giống và xử lý rồi trồng lại. Để huệ trổ bông đồng loạt thì chọn củ kích cở bằng nhau và xuống giống cùng thời điểm. Để hoa huệ đẹp và tươi lâu, thương lái ưa chuộng, bà con nông dân phải thu hoạch từ 1, 2 giờ đêm.

 

Nhờ trồng huệ, nhiều bà con nông dân ở xã Nhị Mỹ có thu nhập ổn định. Ngày thường, mỗi chục huệ có thể bán từ mười đến hai chục ngàn đồng. Dịp tết có thể lên đến sáu bảy chục ngàn. Mỗi năm tết đến có một lần, nên nhiều người xuống giống đón tết, với mong muốn có nguồn thu nhập kha khá để trang trãi trong mấy ngày xuân.

Với màu trắng tinh khiết, mùi hương ngát thơm, hoa huệ tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao. Chính vì thế, loại hoa nầy thường có mặt những nơi thờ cúng tôn nghiêm.

Tạm biệt Nhị Mỹ, chúng tôi trở về thăm làng mai vàng ở ấp Phước Định xã Bình Hòa Phước huyện Long Hồ Vĩnh Long. Từ nhiều năm qua, mai vàng nguyên thủy nơi đây đã nổi tiếng khắp nơi. Mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 cây mai lớn nhỏ. Năm nay thời tiết thất thường nên mai vàng nhiều nơi đã nở trước đây một tháng, khiến nhiều người trồng và kinh doanh mai lao đao. Những người ở làng mai Phước Định cũng không thoát khỏi tình cảnh nầy.

Mai vàng là sứ giả của mùa xuân phương nam, là thông điệp của niềm vui, niềm hạnh phúc tràn đầy. Mai được nhắc đến đầu tiên trong bộ tứ quí Mai- Lan- Cúc- Trúc. Người ta yêu thích hoa mai bởi mai đem may mắn, thịnh vượng sung túc cho mọi nhà. Ai cũng mong mai vàng nở rộ đúng vào những ngày đầu năm, vì như thế niềm tin vào sự may mắn càng nhiều.

Những người trồng mai lại càng mong mai nở đúng thời điểm. Vì gốc, dáng, cành dù có đẹp bao nhiêu mà ngày tết mai không trổ bông cũng không bán được cho ai. Bõ công chăm sóc suốt năm dài, chỉ mong chờ ngày thu hoạch, năm nay mai nở sớm , người trồng mai xem như thất thu. Không giống các loại cây ăn trái, trồng mai vẫn còn phụ thuộc lớn vào điều kiện thiên nhiên nên may rủi khó lường. Để có mai vàng ngày tết, không phải chỉ có sự tác động của con người mà được. 

 

Năm nay mai không được mùa thì ắt sẽ trúng giá. Nhưng điều đó lại gây khó khăn cho người chơi mai – những người chỉ mong sao mai luôn đúng hẹn, như biểu tượng cho tình nghĩa thủy chung. Dù có mưa nắng thất thường hay mùa đông giá rét, tết về mai vẫn nở hoa, mang mùa xuân đến cho muôn nhà, thì những người trồng mai mới có được niềm vui trọn vẹn.

Năm nay thời tiết thất thường làm mai vàng lổi hẹn, còn các loại hoa khác như thế nào khi bị thủy thần vùi dập trong những con nước lớn vừa qua!

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Làng hoa Sa Đéc là địa chỉ không thể bỏ qua, nhất là nơi đây vừa bị thiệt hại nhiều sau lũ.

Được biết, sau khi xã Tân Qui Đông phát triển khu công nghiệp rộng lớn, thì làng hoa này đã lùi dần về xã Tân Khánh Đông. Hiện nay cả hai xã có đến gần 1.000 hộ trồng hoa tết.

Làng hoa Sa Đéc đã có truyền thống hàng trăm năm. Hằng năm đều cung cấp một lượng hoa tết lớn cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung, và cả nước bạn Campuchia.

Tin lũ lớn gây thiệt hại lớn cho bà con khiến người yêu hoa không khỏi xót xa.  Đã có gần 300.000 chậu hoa các loại bị ngập, trên 5 hec ta cây kiểng công trình bị nhấn chìm, hàng trăm cây kiểng khác của bà con bị hư hại.

Đáng mừng là người dân đã kịp thời khắc phục. Khi chúng tôi đến, những vườn hoa đã được trả lại màu xanh tươi. Các loại cây truyền thống vẫn sẽ góp mặt mừng xuân mới năm nay. Nhiều nhất vẫn là các loại hồng, đảm bảo cung cấp cho các công trình và thị trường hoa tết. Tuy vậy không phải đã hết khó khăn.

 

Các loại hoa cúc cũng là loại hoa truyền thống, nên nhiều nhà vườn cũng có  kinh nghiệm để vượt qua khó khăn do ngập úng và thời tiết thất thường gây ra. Nhiều vườn cúc của bà con vẫn phát triển xanh tốt. Cúc là loại hoa có vẻ đẹp bình dị nhưng không kém phần rực rỡ, hương thơm nhẹ nhàng thanh tao. Hoa cúc  lâu tàn nên nhiều người rất thích chưng trong những ngày đầu năm. Nhất là cúc đại đóa và cúc mâm xôi.

Ngoài những loại hoa truyền thống, nhiều nhà vườn ở Sa đéc còn tìm cách làm phong phú thêm làng nghề bằng những giống hoa ngoại nhập. Anh Trần Văn Tiếp, người có thâm niên trồng hoa 30 năm hiện sưu tầm nhiều giống mới như dạ yến thảo, huỳnh hoa đăng, cát tường, mai Hà Lan…. Nhiều loại có thời gian sinh trưởng ngắn – chỉ khoảng 1 tháng rưỡi, như dạ yến thảo, có thể kịp thời khắc phục được những thiệt hại mà thời tiết thất thường gây ra, giống như thời tiết năm nay.

Người trồng hoa năm nay, ngoài việc đối mặt với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, còn gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh quyết liệt với hoa ngoại nhập, nên để tìm đầu ra cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng luôn tin tưởng làng hoa Sa Đéc vẫn luôn ngạt ngào tỏa hương khoe sắc, luôn là địa chỉ tin cậy của mọi người trong dịp đầu năm.

Tuyết Mai 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *