Bên bờ hạnh phúc

Những đứa trẻ này, mỗi ngày vẫn qua lại trên bến sông ở vùng ven biên giới. Chúng sinh sống ở bên kia sông và tìm về để học tiếng mẹ đẻ của quê hương mình. Học tiếng Kinh trên đất Việt. Chúng đang được sự vun bồi và chăm chút bởi một thế hệ Người ven biên giàu tình nghĩa, biết xẻ chia, ươm mầm cho hạt giống tình người.

 

Chúng tôi cùng ông Huỳnh Văn Hai bước đi trên giồng đất pha cát, nơi đầu nguồn luôn được bồi đắp phù sa sau mỗi đợt lũ về. Nơi ấy, ông lớn lên trên thị trấn ven biên thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang.

 Tuổi thơ ông gắn liền với cây Đa đầu xóm này; vừa là nơi giữ gìn kỷ niệm, vừa như một chứng nhân tồn tại cùng thời gian. Cây lớn lên theo ngày tháng, người cũng ươm mầm cho hạt giống tình người, hạt giống của sự xẻ chia, của lòng nhân ái.

Ông bước qua quãng đời nghèo khó, mồ côi cha và những ngày chạy loạn trong cuộc chiến tranh biên giới ở vùng Tây Nam tổ quốc. Ngày tháng trôi nhanh, tuổi thơ ngày nào cũng thành kỷ niệm. Ông Hai bây giờ cũng già nua như bóng cả của cây. Chỉ có khác, cuộc đời ông là một câu chuyện dài đầy vết tích và lắm thăng trầm, để phía cuối câu chuyện ấy là một kết cục đẹp, có hậu của đời người.

Tiếng còi xe cấp cứu chuyển bệnh của ông Hai trở thành âm thanh quen thuộc đối với bà con vùng quê này. Chuyến xe đang làm nhiệm vụ chuyển tình yêu thương, sự xẻ chia đến những người hoạn nạn. Đó là tình cảm của người đàn ông nhân hậu muốn tri ân quê hương mình, và những con người đã một thời cưu mang ông vượt qua nghèo khó. Cái thuở hàn vi bệnh tật, đói ăn; không thuốc men, không tiền chữa trị đã lùi xa. Nhường chỗ cho tình yêu thương đong đầy trong con người chất phác. Xe cấp cứu, phục vụ công tác chuyển bệnh miễn phí thì nhiều. Hội từ thiện, câu lạc bộ.vv… thì các nơi cũng có. Nhưng phục vụ bất kể ngày đêm cho cả bà con vùng biên giới; bất kể đó là người Việt trên đất mình hay người Campuchia trên đất bạn, thì không phải nơi nào cũng làm được vậy. An Giang là tỉnh có nhiều xe chuyển bệnh miễn phí nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, chính ông Hai đã góp phần nâng tổng số xe của huyện An Phú lên con số nhiều nhất tỉnh.

 

Cảm kích trước cái “nghĩa xóm giềng”  của ông nên dường như ở vùng này chỉ có xe cấp cứu của ông Hai là được “đặt cách” qua lại dễ dàng, để giúp đỡ bà con hai nước khi hoạn nạn. Lâu dần thành quen, hễ ai có hữu sự cũng đều nhờ ông Hai giúp đỡ.

Gia đình này vừa trải qua biến cố, hỏa hoạn bất ngờ khiến những người trong cuộc rơi vào bế tắc. Một nửa gia đình phải chăm sóc đứa con gái bị bỏng 90% cơ thể ở tận TP.HCM, nửa còn lại là người cha này và 2 đứa con: đứa nói chưa tròn câu, đứa viết chưa tròn chữ.  Nghèo khó cộng với nạn tai làm họ không còn đủ sức để vượt qua biến cố. Ông Hai xuất hiện như một người thân, để xẻ chia, xoa dịu phần nào những khó khăn trước mắt. Không chỉ bằng tình làng nghĩa xóm, mà còn là sự đối đãi giữa con người với con người trước những lo toan.

Bà con ở vùng biên giới xa xôi, người giàu có chỉ đếm được trên đầu ngón tay; phần lớn là còn nhiều vất vả. Vì thế, khi cuộc chuyển bệnh miễn phí không mang đến một kết quả tốt đẹp cho bệnh nhân thì ông Hai cũng kiêm luôn phần giúp đỡ miễn phí cho chuyến xe mai táng. Nghe có vẻ khôi hài, nhưng nó rất thiết thực đối với những cảnh đời nghèo khó, không may.

Bước gần cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông Hai vẫn thấy như mình còn sức trẻ. Giữ vai trò là người chỉ huy trong công tác xã hội, đáng lẽ ông được phép giao việc; nhưng ông vẫn có mặt trong từng hoạt động cụ thể, tham gia tích cực với mọi người bất kể ngày nắng, đêm mưa. Làm để hiểu mình đang cống hiến, làm để nêu gương và kêu gọi  sức mạnh tập thể giúp đỡ cộng đồng. Một ngày trải nghiệm cùng ông mới biết vì sao ông Hai được nhiều người ủng hộ đến vậy. Khi xã hội cần ông dốc hết sức mình cho xã hội. Bởi vậy khi ông cần sự giúp đỡ thì chẳng ai nỡ bỏ mặc, làm ngơ. Từ đó mà ông có thể làm hết việc này sang việc khác mà không thấy mình đơn độc.

 Mỗi khi nhà bếp cần, ông Hai lặng lẽ đi xin cây, huy động người lấy củi…. Ai thương thì cho, ai có thì giúp. Mục đích của ông Hai là mang của người có cho những người không, để xã hội dần tốt lên, con người được sống trong tình yêu thương dù chỉ là hơi ấm nhỏ nhoi trong từng bếp ăn bệnh viện.

Thật vậy, trên con đường vươn tới ước mơ lớn nhất của đời mình, ông Hai không đơn độc. Xung quanh ông luôn là những người bạn chân tình sẵn sàng cùng ông bước qua những đoạn đường gian khó nhất. Họ cũng là những chú Út, chú Tám hay anh Sáu vùng ven biên giàu tình nghĩa như ông. Lớn lên, cùng nô đùa trên dòng nước chia hai-mà đôi bờ là biên giới. Không gian ấy cũng góp phần quan trọng trong tính cách của con người có hàng chục năm sinh sống và gắn bó với vùng đất này. Không hào sảng như cư dân miệt đồng hay người miệt vườn…mà người ven biên này có tính cách riêng, như : dè dặt trong cư xử, dứt khoát, đã nói là làm, cũng dễ hòa đồng gắn bó với anh e chòm xóm. Có lẽ ông rồi sẽ không bao giờ quên những người bạn chân chất này qua những người bạn già thân thiết của ông.

Vẫn cảm nhận công tác xã hội là một việc làm khó, bởi nó không chỉ đòi hỏi cái tâm, lòng tận tụy của người tham gia. Mà cái khó còn ở chỗ làm thế nào để huy động được sức mạnh tập thể, để nghĩa tình được lan tỏa đến mọi người. Ông Hai không phải là người có ngôn từ bóng bẩy trong cách nói, cũng không dễ thuyết phục người khác bằng dáng vẻ bên ngoài. Chỉ có chút mộc mạc của một người từng trải qua cam go cuộc sống, chút lòng chân thành xẻ chia, chút quyết đoán của người ven biên-nói sao là làm vậy. Ông mang tất cả những điều đó gửi vào từng hành động cụ thể…. Vậy mà ai cũng ủng hộ ông, không riêng lẻ một hoạt động nào. Hễ có bất cứ khó khăn nào của bà con sống ven triền biên giới mà ông biết được, thì giá nào ông cũng tìm cách để cưu mang, giúp đỡ. Không chỉ làm tốt ở địa phương mà ông còn giữ vai trò chỉ huy trong công tác cưu mang người Việt trên đất bạn. Kêu gọi, quyên góp của cải vật chất từ những kiều bào để hổ trợ người Campuchia còn khó khăn ở vùng biên giới. Có lẽ nhờ vậy mà cuộc sống của bà con ở thị trấn nhỏ bé này như trở nên ấm áp và gần gũi với nhau hơn.

Phong cách của ông già ven biên cũng lạ, không mang nét gì xa hoa sang trọng. Vẫn cứ mộc như con đò chèo ven sông, như cây đa trên giồng đất cao đầu xóm. Buổi họp của nhóm từ thiện do ông Hai làm chỉ huy thường là không bàn ghế, không khẩu hiệu, băng-rôn. Nơi ấy là hàng tre gắn liền với một thời tuổi nhỏ, gắn liền với những tháng ngày khắc khổ trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông và bạn bè đến đây không phải để ôn cố tri tân, mà nhắc nhớ một chặng đường dài của đời người. Cuộc đời ấy cứ như viên đá lăn tròn, bị bào mòn bởi thời gian khi đi qua biết bao biến cố, để hôm nay trở thành hòn sỏi lấp lánh giữa đời, lan tỏa sức sống mãnh liệt và niềm tin ở vùng ven biên Tổ Quốc.

 

Đi gần hết đời người với biết bao thăng trầm, luôn trân trọng tình đồng xứ-nghĩa láng giềng, chia xẻ với những gian nguy khốn khó của bà con. Hơn ai hết ông là người cảm nhận rõ cái được-mất giữa cuộc đời, giá trị giữa cho đi và nhận lại. Trong suốt hành trình nghĩa tình ấy, ai cũng cảm nhận được ở ông niềm say mê không mệt mỏi với công việc. Bởi phía sau ông luôn có sự ủng hộ và động viên của người vợ, là chỗ dựa cho ông về mọi mặt. Bà tảo tần khuya sớm nuôi dạy các con trưởng thành để chúng lớn lên cùng ông kể tiếp câu chuyện nhân nghĩa ở vùng ven biên giới. Đến thị trấn nhỏ bé ấy, bất cứ ai cũng có thể kể về gia đình ông Hai với lòng trân trọng.

Bà Hai và các con không chỉ ủng hộ ông về vật chất mà còn giúp ông tập hợp được được sức mạnh từ cộng đồng bà con Việt Kiều trên đất bạn Campuchia; cũng như tư vấn, giới thiệu cho ông những đối tượng cần cưu mang giúp đỡ. Giúp ông thực hiện tâm huyết của cả đời mình là: ước mơ giúp đỡ, xẻ chia với những người khốn khó.

 

Mấy mươi năm tắm giữa hai dòng nước trên cùng một con sông mà đôi bờ là biên giới. Ông hiểu và cảm nhận cuộc sống của người vùng biên còn nhiều vất vả. Ranh giới về lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi quốc gia; nhưng ở đây đường ranh ấy bỗng chốc thật mềm mại và lung linh trước ranh giới của tình người. Lằn ranh ấy trải dài bất tận khi con người biết yêu thương, xẻ chia… để mỗi cuộc đời là một lần sống đẹp. 

Thu Trang 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *