Bên bờ hạnh phúc

Ngũ sắc rực rỡ là đặc điểm của trang phục dân tộc Dao. Vào hơn 1.700 năm trước, nhà Hán đã có nhiều ghi chép về trang phục của dân tộc này.

Ngũ sắc sặc sỡ là đặc điểm của trang phục dân tộc Dao

Trong tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Dao, Bàn Hồ là thần linh quan trọng nhất và là vật tổ thờ cúng của họ. Theo truyền thuyết, Bàn Hồ là một con long khuyển màu sắc rực rỡ. Trong thời chiến tranh loạn lạc, Bàn Hồ đã lập nhiều chiến công và thủ lĩnh đã mang con gái duy nhất gả cho Bàn Hồ. Sau khi kết hôn, ban ngày, Bàn Hồ là một con long khuyển, đêm đến biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Bộ lông trên người Bàn Hồ biến thành bộ long bào màu sắc sặc sỡ. Con cháu của Bàn Hồ sinh sôi phát triển thành dân tộc Dao.

Dân tộc Dao có rất nhiều nhánh, nên kiểu dáng trang phục của họ cũng rất phong phú và đa dạng. Nhưng bất luận là trang phục của đàn ông hay phụ nữ thì hai bên vạt áo đều có thêu những hoa văn rực rỡ như để tưởng nhớ về tổ tiên mình.

Người Dao đỏ sinh sống bên phải ruộng bậc thang Long Tích

Ruộng bậc thang Long Thắng, Long Tích có lịch sử cách nay hơn 650 năm. Vì dãy núi có hình dáng giống như xương sống của con rồng nên được gọi là Long Tích. Người Dao đỏ sinh sống bên phải ruộng bậc thang. Trang phục của họ lấy màu tím làm gam màu chủ đạo và có thêu hoa văn nhiều màu. Thời xa xưa, áo hoa không rực rỡ như bây giờ. Sau đời Thanh, trình độ thêu móc dần nâng cao, có lúc áo hoa đã trở thành cống phẩm của địa phương dâng cho triều đình Trung Quốc. Người Dao đỏ vẫn giữ gìn phong cách áo hoa ngũ sắc và nổi tiếng khắp nơi.

Hoa văn được thêu trực tiếp lên mảnh vải dựa vào trí tưởng tượng, căn cứ theo sợi vải ngang dọc để cấu tứ hoa văn thêu

Thêu là sở thích chung của rất nhiều dân tộc thiểu số ở Trung Quốc. Phần lớn những người thợ thêu dùng chỉ ngũ sắc. Đầu tiên, họ phát họa hoa văn hoặc cắt hoa văn giấy dán lên mặt vải, sau đó cứ theo những hình vẽ mà tiến hành thêu. Nhưng dân tộc Dao không thêu theo cách thức đó. Hoa văn được thêu trực tiếp lên mảnh vải dựa vào trí tưởng tượng. Họ căn cứ theo sợi vải ngang dọc để cấu tứ hoa văn thêu và người dân ở đây gọi là “số bố nhãn”. Trên y phục thêu thùa của cô gái dân tộc Dao đều là những hình ảnh trừu tượng về hoa cỏ, chim muông. Họ thêu lên mảnh vải những hoa văn mà mình yêu thích.

Vào ngày mùa, phụ nữ dân tộc Dao xuống ruộng canh tác, ngày rỗi rảnh thì bắt tay vào thêu thùa. Người Dao nổi tiếng vì màu đỏ, nhưng điều khiến họ nổi tiếng hơn cả chính là mái tóc dài ẩn giấu dưới chiếc khăn đội đầu thêu hoa màu đen.

Mái tóc của phụ nữ dân tộc Dao thường dài hơn 1met

Vào tháng 09 năm 2002, hàng trăm cô gái Dao đỏ trong thôn vinh dự được nhận kỷ lục thế giới cho tập thể có mái tóc dài nhất. Mái tóc của phụ nữ dân tộc Dao thường dài hơn 1 met. Với phụ nữ Dao đỏ, mái tóc dài không chỉ là tiêu chí của nét đẹp, mà còn là sự kế thừa về mặt tinh thần. Việc chăm sóc, chải gội và nâng niu mái tóc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của phụ nữ Dao.

Để tỏ lòng cảm ơn đối với trời đất, phụ nữ Dao đỏ đã kết hôn phải để mái tóc dài và bện như đầu rồng. Người Dao cho rằng, mái tóc là huyết máu của con người, đặc biệt, tóc phụ nữ còn tượng trưng cho sinh mạng, nên búi tóc còn được gọi là búi tóc bàn long.

Búi tóc bàn long đã trở thành một điểm nổi bật của phụ nữ Dao đỏ. Những sợi tóc rụng trong lúc chải gội hằng ngày được họ gìn giữ cẩn thận, gom lại và xem như vật quý. Búi tóc tượng trưng cho sự giàu có và trường tồn. Phụ nữ chưa kết hôn sẽ quấn tóc xung quanh đầu, phụ nữ đã kết hôn sẽ có thêm một búi tóc nữa ở phía trước trán.

Phụ nữ chưa kết hôn sẽ quấn tóc xung quanh đầu, phụ nữ đã kết hôn sẽ có thêm một búi tóc nữa ở phía trước trán

Trong hơn 30 nhánh dân tộc Dao, có một nhánh rất nổi tiếng về cách phục sức của đàn ông. Đây là điều hiếm thấy ở dân tộc Dao cũng như các dân tộc thiểu số khác. Đó là người Dao quần trắng.

Đàn ông nơi đây mặc một loại quần ống túm màu trắng được may từ vải dệt tay. Quần trắng của nam giới có màu trắng tinh, thân quần phình to, ống quần ngắn nhỏ. Trên ống quần có thêu 5 đường màu đỏ giống như 5 ngón tay, ở giữa dài, hai bên ngắn.

Theo truyền thuyết của dân gian của Dao quần trắng, họ từng có một cuộc chiến với quan thổ ti Nam Đan. Tổ tiên Dao quần trắng bị đánh bại, rất nhiều người bị thương, bàn tay ướt đẫm máu. Bất ngờ, có một người đứng lên, ấn 5 ngón tay lên chiếc quần trắng. Để ghi nhớ lịch sử, con cháu đời sau của người Dao quần trắng đã xem chiếc quần in dấu tay máu là vật thiêng liêng, đồng thời, trên ống quần của họ được thêu 5 đường hoa văn, tựa như hình bàn tay để con cháu đời sau ghi nhớ sự tàn khốc của chiến tranh.

Phụ nữ Dao quần trắng lấy màu đen, xanh, trắng làm gam màu chủ đạo.

Phụ nữ Dao quần trắng mặc kiểu áo tròng cổ, vạt trước và sau là một mảnh vải lớn. Đây là một kiểu trang phục cổ xưa nhất của con người. Từ nhỏ, các bé gái đã được mẹ dạy thêu thùa. Đó cũng là sự truyền thụ những giá trị văn hóa và lịch sử.

 

Một bé gái dân tộc Dao đỏ. Các bé gái từ nhỏ đã được mẹ dạy thêu thùa như một sự truyền thụ những giá trị văn hóa và lịch sử

Phía sau chiếc áo của phụ nữ Dao quần trắng là những hoa văn thêu hình vuông, tượng trưng cho ấn tín của Dao vương Nghĩa Dũng – người trị thủy tài giỏi, giúp dân tộc Dao an cư lạc nghiệp.

Trên trang phục của Dao quần trắng, bất luận là nam nữ già trẻ đều có thêu hoa văn có hình dáng giống như chữ “mễ”. Chữ “mễ” tượng trưng cho mặt trời – nguồn gốc của vạn vật, có mặt trời mới có vũ trụ, thiên thần, lôi thần, nhật thần. Có người nói, hoa văn đó là hình con nhện. Trong truyền thuyết, nhện đã từng bảo vệ dân tộc Dao. Bộ áo hoa ngũ sắc của người Dao quần trắng thông thường trải qua hơn 30 công đoạn may vá và thời gian chế tác mất cả năm.

Tổ tiên dân tộc Dao mang sự kính nể thế giới tự nhiên và sự sùng bái Dao vương thêu lên áo ngũ sắc như một phương cách lưu giữ truyền thống qua nhiều thế hệ. Tuy không có văn tự thống nhất để miêu tả lịch sử của họ, nhưng thông qua trang phục rực rỡ, cội nguồn dân tộc càng hiện ra đặc sắc và đa dạng hơn.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *