Bên bờ hạnh phúc

        Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP, tạo ra cơ hội cho các loại nông sản của nước ta nâng cao được khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, cải thiện hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.

 

          Nhờ thực hiện mối liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, trái nhãn tiêu da bò Nhị Quí huyện Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang đã đạt được những điều kiện cần thiết để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, với giá trị cao, mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho nghề trồng nhãn ở vùng đất này.

          Với diện tích vườn trên 67 ngàn ha, Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây” ở ĐBSCL và cả nước. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo…

          Riêng cây nhãn, Tiền Giang được xem là một trong những địa phương có nghề trồng nhãn phát triển sớm nhất ở ĐBSCL. Thương hiệu nhãn Nhị Quí được trồng ở vùng đất dòng cát thuộc địa bàn xã Nhị Quí, huyện Cai Lậy đã được nhiều người biết đến hàng trăm năm qua. Với diện tích trồng nhãn trên 530ha, Nhị Quí là một trong những vùng chuyên canh giống nhãn tiêu da bò có diện tích lớn nhất ở Tiền Giang hiện nay.

 

          Để tìm hướng phát triển loại nông sản có nhiều thế mạnh này, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu nông nghiệp hướng tới khách hàng thuộc Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp, cây nhãn Nhị Quí đã được lựa chọn để thực hiện đề tài nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp theo tiêu chuẩn ViêtGAP để nâng cao năng suất và chất lượng nhãn tiêu da bò. Đề tài do Bộ NN&PTNT làm cơ quan chủ quản và Viện cây ăn quả miền Nam phối hợp với địa phương trực tiếp thực hiện.

          Để triển khai các hoạt động sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn Viet GAP, các nhà khoa học ở Viện cây ăn quả miền Nam đã điều tra khảo sát quy trình sản xuất của bà con nông dân ở địa phương, từ đó bổ sung, hoàn thiện và đưa ra quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, thông qua ngành chức năng địa phương tiến hành xây dựng mô hình liên kết giữa những nông dân có diện tích trồng nhãn nhỏ lẻ lại với nhau thành tổ hợp tác. Qua thời gian khảo sát và tuyên truyền vận động, dự án đã thành lập 01 tổ hợp tác trồng nhãn ở xã Nhị Quígồm 30 hộ nông dân với 17ha vườn nhãn.

          Ngay từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động, ngành nông nghiệp Cai Lậy và các nhà khoa học từ Viện cây ăn quả miền Nam đã mở nhiều lớp tập huấn giúp bà con nông dân có kiến thức cơ bản để thực hiện theo chương trình đưa ra. Trong đó, nổi bật nhất là các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại, sử dụng sổ sách ghi chép, về những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong canh tác nhãn.

          Song song đó, các cán bộ của Viện cây ăn quả miền Nam cũng trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân thực hành treo bảng tên, vẽ sơ đồ vườn, xây dựng nhà kho, những vấn đề an toàn trong khi sử dụng nông dược, vệ sinh vườn theo tiêu chuẩn Viet GAP. Tuy đây là những việc làm mới, nhưng do nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia dự án nên hầu hết bà con nông dân đã thực hiện rất tốt các tiêu chí theo quy định.

          Sau hơn 01 năm triển khai, vào ngày 05/09/2011 tổ hợp tác nhãn Nhị Quí đã đạt được chứng nhận VietGAP với 15 ha của 27 hộ nông dân. Trong hoạt động giới thiệu và tìm kiếm khách hàng, tổ hợp tác nhãn Nhị Quí cũng đã ký hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đơn vị có hệ thống nhà đóng gói và bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Viet GAP.

          Đạt tiêu chuẩn Viet GAP, trái nhãn tiêu da bò của tổ liên kết đã có được giấy thông hành cần thiết để có thể tiếp cận với thị trường có giá trị cao như Hoa Kỳ, châu Âu. Đây là thành quả của mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và bà con nông dân, mở ra nhiều triển vọng mới cho loại cây trồng giàu tiềm năng ở địa phương.

 

         Do mới trong giai đoạn xúc tiến thương mại, nên những lô hàng đạt tiêu chuẩn Viet GAP đầu tiên bà con nông dân vẫn phải bán cho thương lái với giá cả theo thị trường. Tuy vậy, những lợi ích khác từ việc tham gia chương trình Viet GAP đã thể hiện rất rõ trên mảnh vườn của từng tổ viên. Đó là kết quả của sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm để canh tác nhãn ngày một tốt hơn. Cụ thể như vấn đề quản lý dịch bệnh trên cây nhãn. Trong khi nhiều vườn nhãn trong vùng bị thiệt hại nặng nề do bệnh chổi rồng, thì tất cả diện tích trồng nhãn của tổ hợp tác đều có tỷ lệ nhiễm bệnh không đáng kể.

          Cũng như nhiều bà con ở địa phương, cuộc sống của gia đình chị Lê Thị Thanh phụ thuộc chủ yếu từ nguồn thu nhập từ 04 công đất trồng nhãn tiêu da bò. Từng nếm trải những khó khăn trong nghề trồng nhãn nên khi được địa phương vận động, gia định chị mạnh dạn tham gia vào tổ hợp tác để thực hiện chương trình Viet GAP. Thời gian đầu chị cũng gặp rất nhiều khó khăn do có nhiều tiêu chí mà chương trình đưa ra hầu như thấy chẳng liên quan gì đến việc canh tác nhãn. Từ việc xây dựng nhà kho, nhà vệ sinh tự hoại, rồi đến các cuộc tập huấn, họp tổ làm mất nhiều thời gian. Nhưng rồi dần dần chị cũng thấy được đây là những việc làm cần thiết để phát triển vườn nhãn của mình theo hướng bền vững.

 

          Mô hình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP của tổ hợp tác xã Nhị Quí cho thấy rằng, nhà vườn hoàn toàn có khả năng thực hiện các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, nếu được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có những chính sách đầu tư, mở rộng diện tích những mô hình đã xây dựng. Đây sẽ là tiền đề cần thiết để khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn chuyển biến trong tổ chức sản xuất, góp phần thay đổi tập quán cũ, thực hiện các quy trình canh tác mới theo hướng chất lượng cao, an toàn, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện.

          Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *