Bên bờ hạnh phúc

          Hơn 50 % dân số tỉnh Vĩnh Long là phụ nữ. Và phân nửa  trong số đó là phụ nữ   ở các vùng nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần vẫn còn nhiều thiếu thốn. Làm thế nào để nâng cao vai trò, vị trí chị em phụ nữ trong gia đình và xã hội, những câu chuyện về phát triển đời sống kinh tế vẫn luôn là mục tiêu của các nhiệm kỳ Hội phụ nữ tỉnh nhà.

          Với phương châm “hướng về cơ sở”, tập trung vào các vùng nông thôn  để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức các hoạt động phong phú đa dạng, thu hút, tập hợp hội viên, giúp chị em cải thiện kinh tế gia đình… là những nỗ lực và thành công của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2006 – 2011.       

          Chị em nghèo khó, chủ yếu do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, không có nghề nghiệp ổn định… Vì vậy, đây cũng là những gút mắc mà các cơ sở Hội phụ nữ tập trung tháo gỡ nhằm giúp hội viên phát triển đời sống.

          Về Vũng Liêm thăm một số chị em từng có thời gian nghèo khó, chúng tôi ghi nhận được tinh thần vươn lên của các chị và sự nỗ lực của tổ chức Hội phụ nữ nơi đây. 

 

          Chị Nguyễn Ngọc Phượng ở ấp Bàu Xép, xã Tân An Luông gần đây đã nhẹ lo hơn nhiều so với trước kia. Mấy triệu đồng chị vay được từ vốn ủy thác của Hội phụ nữ vào năm 2009, đến nay đã giúp cải thiện tốt cuộc sống.

          Đồng vốn vay được chị dùng chăn nuôi, trồng trọt, có đồng ra đồng vào nuôi con đi học và chi tiêu trong nhà. Gia đình chị thoát nghèo vào năm vừa rồi.  

          Ở đây, có một cách làm khá thú vị và không kém phần hiệu quả, giúp các chị cải thiện đời sống kinh tế. Nguồn vốn xoay vòng được quy đổi giá trị bằng một con heo nái, cứ thế được nuôi luân phiên trong mấy chị em. Heo lớn, đẻ heo con, con heo vốn ban đầu tiếp tục được giao cho chị em khác. Mỗi chị sau khi giao heo vốn cũng còn được mấy heo con để tiếp tục nuôi gầy đàn . Mô hình này được thực hiện thí điểm trước hết trong lực lượng cán bộ phụ nữ của xã Tân An Luông.

          Đến nay, 100% chi hội trưởng chi hội phụ nữ xã đều đã thoát nghèo nhờ thực hiện mô hình phát triển kinh tế này. Nhiều chị còn vươn lên khá , như chị Nguyễn Thị Ut Em, nhờ tích lũy từ nuôi heo nái xoay vòng của Hội, chị còn  làm thêm công việc khác như đan hàng thủ công mỹ nghệ, trồng trọt . Đến nay, chị cất được nhà cửa khang trang. 

          Hơn 80% người dân ở Vũng Liêm sống bằng nghề nông. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt xoay vòng đã nhanh chóng được thực hiện nhân rộng trong lực lượng hội viên phụ nữ và đạt hiệu quả cao. Từ khi thoát nghèo, các chị cảm nhận được sự ấm áp nghĩa tình trong hoạt động của Hội phụ nữ địa phương. Hội tổ chức học tập, hướng dẫn  kỹ thuật giúp hội viên chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Chị em nào không có đất canh tác thì được hỗ trợ vốn vay để buôn bán nhỏ. Các loại hình lao động giải quyết nông nhàn như các tổ nhóm nghề thủ công : se lõi lát, đan lát, đan nhựa… cũng được chú trọng , nhằm giúp chị em có thêm thu nhập hàng ngày.

 

          Chị em quây quần cùng nhau vừa làm việc vừa trao đổi chuyện đời sống xung quanh. Kinh tế phát triển, kinh nghiệm sống cũng được nâng lên.         

          Chưa khi nào những tổ nhóm, câu lạc bộ nghề thủ công lại phát triển rộng và nhiều ở các ấp xóm trong tỉnh Vĩnh Long như những năm qua. Mỗi ngày, hễ lo xong xuôi công việc nội trợ là các chị nhanh chân đến với nhau, cùng làm nên những sản phẩm đẹp này. Những mặt hàng được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi và ra cả nước ngoài được làm từ những nhóm chị em phụ nữ siêng làm siêng học hỏi ở tận các vùng nông thôn sâu. 

   

          Thông thường, mỗi tổ nhóm nghề thủ công có một , hai chục chị, được hình thành từ các chi tổ hội phụ nữ địa phương. Có nhiều chị đến làm chung với nhau cho vui, tiện học hỏi, cũng có chị làm ở nhà để tiện trông coi nhà cửa. Những lớp dạy nghề lưu động của hội phụ nữ, nay ở ấp xã này, tháng sau đến ấp xã khác dạy chị em làm nghề. Loại hình công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ…vốn là những đặc tính riêng của phụ nữ. Công việc phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu muốn có thêm thu nhập của chị em, nên chẳng bao lâu phát triển rộng khắp. Những tổ nhóm đan giỏ nilong, đan găng tay , se lõi lát xơ dừa, chằm lá, thêu rua xuất khẩu, may gia công v.v…  hiện diện ở khắp các ấp xóm. Nhiều nơi đã hình thành nên làng nghề truyền thống như làng nghề đan thảm lục bình xã Ngãi Tứ, làng nghề làm bánh tráng ở xã Tường Lộc huyện Tam Bình v.v…         

          Hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế là nội dung thiết thực nhất, nhanh chóng thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Những kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán được hướng dẫn đến từng hội viên qua những buổi tập huấn, những buổi sinh hoạt câu lạc bộ làm kinh tế, nuôi trồng thủy sản, hoa màu, tổ nhóm góp vốn xoay vòng, tổ nhóm sinh kế, VAC v.v… Chị em học tập, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm làm ăn. Chị em tham gia đông và mạnh, tạo nên sự vững chắc của các cơ sở hội phụ nữ. 

 

 

          Tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên phụ nữ được nhiều cơ sở Hội phát huy. Huyện Bình Tân có nhiều người dân sống bằng nghề trồng màu, nhất là khoai lang. Những tổ vần đổi công trồng khoai, thu hoạch khoai ở địa phương thời gian qua đã tạo việc làm cho hàng trăm chị em. Với tiền công mỗi ngày từ 70 đến 80 ngàn đồng, các chị có thể cải thiện tốt đời sống gia đình so với trước kia. Vừa có thể kiếm thêm thu nhập, các chị vừa luân phiên giúp nhau trồng và thu hoạch khoai. Nay giúp hộ chị này, vài bữa lại đến hộ chị khác, có qua có lại.

          Không chỉ giúp ngày công lao động, có nơi còn giúp nhau cây con giống, hướng dẫn nhau cùng trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Tinh thần tương trợ làm ấm áp bầu không khí mỗi khi sinh hoạt chi tổ hội cùng nhau.         

          Với mục tiêu hỗ trợ, nâng cao đời sống chị em, nhiều loại hình hoạt động đa dạng đã hình thành, như phong trào : “trồng cây chuối, nuôi con gà”, “hủ gạo tình thương”, “tiết kiệm chi tiêu trong gia đình”, “giúp nhau ngày công lao động”, “nuôi heo đất” v.v… Những phong trào đã trở nên quen thuộc, hình thành nên những hành động đẹp, có ích, diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của chị em hội viên – tiết kiệm giúp nhau cùng phát triển đời sống.

          Mỗi ngày, các chị tiết kiệm 5 đến 10 ngàn đồng, hoặc hơn thế nữa, tùy điều kiện mỗi chị để nuôi heo. Cứ đến kỳ theo quy định, từng chú heo đất của các tổ Hội phụ nữ này được mổ ra. Tiền thu được lần lượt trao cho các chị em. Chị nào có nhu cầu trước được nhận trước. Tiền mổ heo của chi hội khóm II phường 3 TP Vĩnh Long kỳ này được trao cho chị Lê Thị Ngọc Giàu.       

          Chị Giàu hi vọng những khóm hoa này sẽ phát triển tốt, gia đình chị có được cái Tết cổ truyền sung túc hơn. Chị sẽ làm thêm nhiều bánh mứt để chị em phụ nữ trong chi hội cùng đến chung vui. Tình chị em phụ nữ khóm ấp càng trở nên thiết thân từ mô hình cùng nhau tiết kiệm.    

          Cũng là một mô hình tiết kiệm giúp nhau phát triển đời sống, các cơ cở Hội phụ nữ huyện Trà On từ năm 2009 đến nay đã thực hiện rất thành công phong trào nuôi  heo đất xây mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo khó khăn về nhà ở. Cứ mỗi ngày các chị bỏ ống heo 500 đồng, vậy mà gần 3 năm nay, các chi tổ hội phụ nữ toàn huyện đã cất được 25 căn, sửa chữa 26 căn nhà cho hội viên nghèo.

          Chồng chị Nguyễn Thị Thơm xã Thiện Mỹ huyện Trà Ôn bỏ đi lúc chị sinh con chưa tròn tháng. Tật nguyền, nghèo khó, bị phụ bỏ, chị trở nên mất niềm tin vào con người và tương lai. Nhờ hội phụ nữ cho vay vốn buôn bán nhỏ, giúp chị sinh sống và nuôi con gái khôn lớn, học hành giỏi giang. Phong trào chị em tiết kiệm nuôi heo đất đã tặng chị mái nhà vững chắc này vào tháng 7 năm 2011 vừa qua.

          Chị Thơm đã lấy lại được niềm tin vào xã hội, trở nên vui sống nhờ sự đóng góp, sẻ chia của chị em phụ nữ xung quanh. Chị luôn hứa sẽ cố làm và sống tốt để không phụ lòng quan tâm của mọi người. Âu đó cũng là niềm mong mỏi của chị em cán bộ hội viên khi quyết định tặng chị mái ấm tình thương.           

          Khắp nơi,  trong khó khăn của đời sống chị em , đều có sự vào cuộc, sẻ chia, giúp đỡ của tổ chức Hội phụ nữ. Không việc làm, không có vốn, kiến thức làm ăn, nhà cửa tạm bợ v.v… những chuyện khó đang  được giải quyết bằng những hoạt động thiết thực phù hợp.



 

          Qua 5 năm, 75% phụ nữ được hỗ trợ vốn làm ăn hiệu quả, hơn 51% chị thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của tỉnh còn 10,23%…Khó khăn dần lùi xa, vai trò  của chị em ngày càng bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là kết quả từ sự cố gắng vươn lên của bản thân các chị. Nhưng đáng ghi nhận hơn hết là nhiệt tình, tâm huyết của từng cán bộ  các cấp  hội phụ nữ tỉnh nhà.

          Hoàng Thy 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *