Bên bờ hạnh phúc

Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung quốc – Võ Tắc Thiên – đã yên giấc ngàn thu nhưng xung quanh nữ hoàng đế này luôn tồn tại nhiều bí ẩn. Càn Lăng là một lăng mộ rất đặc biệt và hiếm thấy vì hai vị hoàng đế, cũng là một cặp vợ chồng, chôn cùng một ngôi mộ.

Đường dẫn vào Càn Lăng

Càn Lăng – Thiên hạ Đệ nhất Lăng – là một lăng mộ đời Đường nằm ở Lương Sơn, cách thành phố Tây An 75 km về phía Tây Bắc. Nhìn từ xa, ba đỉnh núi trải dài nhấp nhô tựa như dáng một người phụ nữ đang nằm. Đây chính là mộ hợp táng của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên và chồng là hoàng đế Đường Cao Tông Lý Trị.

Năm 618, nhà Đường thành lập và xây dựng kinh đô ở Trường An. Trải qua mấy mươi năm phát triển, nhà Đường đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh trên thế giới lúc bấy giờ. Hoàng đế thứ 3 của nhà Đường – Đường Cao Tông Lý Trị – là người nhân từ và yếu đuối. Đường Cao Tông rất tín nhiệm người vợ tài giỏi Võ Tắc Thiên. Ông đã giao nhiều công việc chính sự cho Võ Tắc Thiên giải quyết. Chính quyền nhà Đường dần rơi vào tay hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Năm 683, Đường Cao Tông bị bệnh qua đời và được chôn cất tại Càn Lăng.

Võ Tắc Thiên

Càn Lăng dựa vào thế núi tự nhiên của Lương Sơn, chóp núi được chọn làm mộ, ở lưng chừng núi sẽ đào hang động xây dựng Huyền Cung. Khi an táng Đường Cao Tông Lý Trị, Càn Lăng chỉ là lăng mộ nhỏ và người khởi công xây dựng Càn Lăng với quy mô lớn chính là Võ Tắc Thiên.

Đường Cao Tông Lý Trị qua đời, trong cuộc chiến tranh giành quyền lực phức tạp, Võ Tắc Thiên đã chiến thắng. Bà lên ngôi hoàng đế và trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Dưới sự chỉ huy của Võ Tắc Thiên, công trình Càn Lăng tiếp tục được xây dựng. Công trình gian khổ và to lớn kéo dài 28 năm mới hoàn thành, tạo nên một lăng tẩm hoàng gia trước nay chưa từng có.

Càn Lăng có khí thế ngất trời, lấy đường tư mã làm trục, có 2 vòng thành bao bọc xung quanh, phía Tây Nam tường thành có xây cung điện, phía Đông Nam có 17 ngôi mộ bồi táng của thái tử, công chúa và đại thần, được xếp thẳng hàng dựa theo địa vị cao thấp của chủ nhân lúc sinh tiền. Khu lăng mộ có chu vi 40 km, chiếm diện tích 200.000 ha.

Bia vô tự

Càn Lăng được xây dựng phỏng theo kinh đô Trường An. Càn Lăng chính là bức tranh thu nhỏ của thành Trường An với cửa chính của Càn Lăng nằm ở phía Nam. Từ Nam sang Bắc có xây 3 cửa lớn, tượng trưng 3 cửa thành của kinh đô Trường An. Khu vực cách biệt 3 cổng lớn lần lượt tượng trưng là ngoại quách thành, hoàng thành và cung thành của thành Trường An. Cung thành và thành Trường An giống nhau, ở 4 phía có xây Thanh Long Môn, Chu Tước Môn, Bạch Hổ Môn và Huyền Vũ Môn, bên trong có xây mộ thất và cung điện ngầm. Quy mô rộng lớn của Càn Lăng, nét hùng vĩ của kiến trúc giúp Càn Lăng được gọi là “vua hoàng lăng các triều đại”.

Tượng người và tượng động vật bằng đá gọi chung là thạch tượng sinh, nó toát lên khí thế thần thánh bất khả xâm phạm của toàn khu lăng mộ. Trong tất cả thạch tượng sinh của Càn Lăng, khí thế nhất chính là 10 cặp thạch tượng sinh xếp hàng hai bên đường tư mã. Theo ghi chép, nguyên mẫu của những tượng đá này này là Ông Trọng. Ông Trọng là đại tướng quân nhà Tần từng đánh thắng quân Hung Nô phương Bắc. Sau khi qua đời, Tần Thủy Hoàng đã đúc tượng đồng cho ông và đặt ngoài cổng hoàng cung của mình. Các hoàng đế đời sau đều bắt chước làm theo và dần trở thành lệ.

Trong mấy mươi năm thống trị đất nước, Võ Tắc Thiên đã có nhiều đóng góp to lớn, bà đã định hình nền tảng phát triển của đại Đường. Trong thời gian trị vì của Võ Tắc Thiên, nhà Đường không chỉ khuếch trương lãnh thổ rộng lớn, mà còn hình thành sự giao lưu trong và ngoài nước, đạt đỉnh cao chưa từng có trong lịch sử.

Nơi Võ Tắc Thiên lên tế lễ chồng

Năm 705, trước khi lâm chung, Võ Tắc Thiên đã trao ngôi vị cho con trai Đường Trung Tông Lý Hiển. Đường Trung Tông không xem mẹ ruột là kẻ cướp ngôi, mà ông còn hạ lệnh mở cửa đường hầm Huyền Cung của Càn Lăng chôn cất Võ Tắc Thiên với thân phận là hoàng hậu nhà Đường. Tấm bia đá to lớn đặt ở Càn Lăng dùng để kỷ niệm công trạng của Võ Tắc Thiên, nhưng trên bia đá không có chữ.

Theo ghi chép, trước khi chết, Võ Tắc Thiên yêu cầu được lập một tấm bia vô tự cho bà, mặc cho người sau bình luận những gì bà đã làm trong cuộc đời. Đến nay, tấm bia đá này vẫn đứng lặng lẽ ghi nhớ nữ chính trị gia kiệt xuất. Cùng với bia tấm bia đứng lặng lẽ thì trong cung điện ngầm Càn Lăng cũng ẩn chứa bí mật vô tận.

61 pho tượng đá mất đầu bí ẩn ở Càn Lăng

Sau 200 năm khi Võ Tắc Thiên qua đời, năm 907, nhà Đường bị diệt vong, Trung Quốc rơi vào cục diện hỗn loạn quân phiệt cát cứ. Bản đồ các lăng mộ nhà Đường rơi vào tay một người tên Ôn Thao. Hơn 10 lăng mộ đời Đường đã bị Ôn Thao đào bới, duy nhất chỉ cung điện ngầm Càn Lăng không bị xâm phạm. Ôn Thao từng cho 2 vạn người ngang nhiên đào bới Càn Lăng, nhưng kỳ lạ, công việc luôn gặp điều bất lợi, lại thêm trời cứ nổi mưa to, gió lớn khiến cho Ôn Thao rất kinh hãi, bèn ngừng việc đào Càn Lăng. Điều khiến người đời sau khó tin là hơn 1.000 năm qua, rất nhiều bọn cướp mộ đến đào bới Càn Lăng nhưng đều không thành công. Vào những năm 1960, nhân viên khảo cổ đã tiến hành khảo sát đường vào mộ của Càn Lăng và phát hiện, đường từ đầu cổng lăng đi vào cửa mộ dài 631 m, rộng 3,9 m, có 39 lớp, toàn dùng đá xanh khổng lồ lát kín, dùng chốt sắt khóa cố định, những khe hở đều dùng sắt nấu chảy ra rồi trám vào kiên cố.

Trên thực tế, giếng trời trong Càn Lăng là đường hầm vận chuyển đất ra ngoài khi khai quật. Mộ thất càng lớn thì càng có nhiều cửa ra vào và có nhiều giếng trời. Hậu thất cung điện ngầm có xây chiếc giường đá, bên trên đặt 2 quan tài, bên trái là chỗ nằm của Đường Cao Tông, bên phải là chỗ nằm của Võ Tắc Thiên. Theo khảo chứng, không gian cung điện ngầm Càn Lăng khoảng 5.000 met khối.

Các học giả tin rằng, bí ẩn của Càn Lăng cũng ly kỳ hấp dẫn như vận mệnh truyền kỳ của Võ Tắc Thiên. Trong thời gian ngắn, người ta sẽ có được nhiều phát hiện bất ngờ từ lăng mộ và giải đáp câu đố về cung điện ngầm Càn Lăng.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *