Bên bờ hạnh phúc

Nằm cách biệt với phần còn lại của đoàn Việt Nam, đội tuyển bơi đường dài của Việt Nam thi đấu ở đảo xa, ít người biết đến. Rất lặng lẽ, tay bơi Đà Nẵng Châu Bá Anh Tư đã vượt trên đầu những con sóng biển để hoàn thành hai phần thi 5 km và 10 km với cú đúp vàng.

Châu Bá Anh Tư chạm đích ở nội dung bơi đường dài trên biển

Đây là kình ngư thứ hai của Việt Nam lập cú đúp trên đường đua xanh. Tuy nhiên, so với thành tích của Hoàng Quý Phước ở nội dung 100 m bướm và 100 m tự do trước đó thì 2 HCV của Anh Tư rất gian khổ khi phải đua ở cự ly dài và trên biển đầy sóng gió.

Ngày 17/11, trên đường đua đảo Pulau Putri (Jakarta), ở cự ly 5000 m, dù không được đánh giá cao nhưng Anh Tư đã làm các đối thủ phải bất ngờ. Cán đích với thành tích 1 giờ 7 phút 2 giây 53, Anh Tư đã đoạt huy chương vàng, bỏ xa đối thủ chủ nhà Indonesia (1 giờ 9 phút 58 giây 56) và VĐV Singapore (1 giờ 10 phút 02 giây 92).

Tưởng chừng đó chỉ là phút lóe sáng của kình ngư 21 tuổi, nhưng hai ngày sau, Anh Tư tiếp tục khẳng định vị thế mới trên đường đua dài cho Việt Nam ở cự ly khắc nghiệt hơn. Sáng 19/11, xuất phát nội dung 10.000 m trên đường đua trên biển ở đảo Pulau Putri cùng với cùng với 7 kình ngư khác, Anh Tư đã chứng tỏa huy chương vàng trước đó không phải là may mắn. Anh Tư bứt phá về đích sau thời gian 2 giờ 14 phút 32 giây 94, hơn kình ngư Ricky Angga Wijaya của nước chủ nhà Indonesia (2 giờ 14 phút 41 giây 59).

“Bơi trên biển rất khắc nghiệt so với trên hồ. Khi cách đích khoảng 3 km, tôi rất mệt chỉ biết lao về đích càng sớm càng tốt để hoàn thành cự ly. Không ngờ tôi lại đoạt luôn huy chương vàng. Tôi không thể diễn tả được cảm giác hạnh phúc”, Anh Tư chia sẻ.

Năm nay 21 tuổi, con đường đến với đường bơi dài của Anh Tư nhiều chông gai. Sinh ra và lớn lên ở mãnh đất khô cằn Quảng Bình, khi 6 tuổi, Anh Tư được cha tập bơi ở con sông cạnh nhà. Từ đó niềm đam mê bơi lội đã thấm dần trong máu của chàng trai miền Trung.

Năm 12 tuổi, Anh Tư xin gia đình đi theo nghiệp bơi lội. Một mình khăn gói vào Đà Nẵng, nơi đất khách quê người, Anh Tư xin vào tập luyện cho đội năng khiếu của quân đội tại Trung tâm thể dục thể thao của thành phố. Nhớ nhà nhưng cậu bé chỉ biết khóc thầm.

Sở trường tập bơi lúc đầu của Anh Tư là ở hồ với nội dung 800 m và 1500 m. Nỗ lực thật nhiều nhưng Anh Tư không thể gặt hái được thành tích. Năm 2007 được xem là bước ngoặt đổi đời của anh. Trong lần thử sức vượt sông Hàn 7000 m, anh bất ngờ có được huy chương đồng. Thấy thích hợp với đường bơi dài nên anh quyết định chuyển hẳn sang tập môn này.

Năm 2008, trong lần xuất ngoại đầu tiên, Anh Tư có được HCĐ tại Đại hội thể thao bãi biển lần thứ nhất tại Bali (Indonesia). Trong phần thi này, Anh Tư bị lạc đường bơi nên đang dẫn dầu, anh bị chệch chéo sang hướng khác, kết cục vừa mệt vì tốn sức, vừa mất thời gian. Đây cũng là điểm yếu khiến Anh Tư lo lắng mỗi khi bước vào đường đua. Anh cho biết, vì mắt cận nên khi bơi đường dài trên biển anh không thể xác định cọc tiêu. “Nhiều lần tôi đã phải thất bại vì bơi lộn đường”, Anh Tư kể.

Để có thành tích 2 HCV SEA Games 26, Anh Tư cho biết mình đã trải qua quá trình khổ luyện. Mỗi ngày chàng trai Quảng Bình bơi 10 km, đồng thời anh phải chạy bộ, tập tạ…mới có đủ thể lực để tham dự Đại hội.

Dồn tâm sức và ý chí cho SEA Games 26, Anh Tư đã gặt hái được những thành tích đáng khâm phục. Từ chiến thắng tại SEA Games 26, giờ đây nhiều người đã biết đến anh với biệt danh "người thép trên đường đua xanh".

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *