Sống chung với lũ, lũ đẹp, lũ hiền hòa là mong muốn của mọi cư dân vùng lũ. Nhưng diễn biến của lũ không giống như mong đợi. Sau nhiều ngày lên ở mức trung bình, hai con nước tháng 9 âm lịch vừa qua đã đột ngột lên nhanh với cường suất lớn, diễn biến rất khó lường.

 

        Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long là một qui luật tự nhiên, khi hiền hòa, lúc dữ dội, nhưng dù thế nào thì con người vẫn phải tìm mọi cách để sống chung với lũ. Niềm vui tận hưởng lũ đẹp chưa được bao lâu, thì người dân đầu nguồn sông Cửu Long phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Trong những ngày đầu tháng 9 AL, lũ ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, kết hợp với triều cường và mưa lớn khiến mực nước lên nhanh và cao chưa từng có trong vòng gần 10 năm qua. Lũ đã vượt mức báo động 3, tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Cục bộ nhiều nơi lũ còn cao hơn.         

          Lũ lớn đã gây thiệt hại  nghiêm trọng nhiều nơi.

          Chỉ trong vài ngày, nhiều tuyến đê bao ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp bị vỡ, nhấn chìm hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu và nhà cửa của người dân, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Đất ven sông bị cuốn theo dòng nước. 

          Làng quê thôn xóm phút chốc không còn bình yên.

           Những hình ảnh đẹp, nên thơ trong mùa nước nổi được thay bằng không khí khẫn trương tất bật bảo vệ đê bao, bảo vệ hàng ngàn héc ta lúa vụ ba đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu , cùng nhiều tài sản và cả tính mạng  người dân. Đảng bộ và chính quyền 2 tỉnh An Giang và Đồng tháp đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó với lũ. Hàng ngàn người và rất nhiều phương tiện đã được huy động. Các đơn vị bộ đội, công an, dân quân du kích, cán bộ công chức các ban ngành cùng nhân dân túc trực ngày đêm.

          Ở đâu , không khí chống lũ cũng tích cực và đầy trách nhiệm. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng và nhà nước cũng có mặt kịp thời để chỉ đạo các địa phương chống lũ. Trong cuộc chiến chống lại sự hoành hành của lũ, một lần nữa thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc, tình quân dân gắn bó thủy chung. Khi có bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự bình yên của đồng bào thì tinh thần ấy lại tiếp tục phát huy mạnh mẽ. Mỗi người mỗi việc, ai cũng muốn góp chút công sức để cùng chia sẻ khó khăn.

          Nhiều người không suy tính thiệt hơn khi phải  mất đi một phần đất đai để thực hiện sáng kiến bảo vệ chân đê từ xa, được nhiều nơi áp dụng hiệu quả. 

 

          Công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em được quan tâm đặc biệt. Tinh thần đó đã góp phần hạn chế những thiệt hại do lũ gây ra.

           Chúng tôi đến huyện Hồng Ngự sau thời điểm đỉnh lũ. Tuy nhiên mực nước xuống không đáng kể. Mọi công tác bảo vệ, gia cố đê bao vẫn đảm bảo thường xuyên, liên tục. Các anh ở địa phương cho biết, tình hình lũ năm nay diễn biến rất phức tạp. Mực nước vẫn duy trì nhiều ngày ở mức cao, cộng hưởng với chướng đông , tiếp tục gây sạt lỡ nghiêm trọng. Nhiều tuyến đê bao vẫn tiếp tục bị đe dọa.

          Trong những ngày lũ lớn , đi nơi đâu ở vùng thượng nguồn Cửu Long, chúng tôi cũng thấy cảnh bà con bận rộn với công tác phòng, chống lũ. Ở xã Thường Thới Tiền A, mọi người dùng bao cát để gia cố đê bao, bảo vệ trên 2.000 ha lúa vụ ba đang vào mùa thu hoạch.

          Chúng tôi tham gia một chuyến chở hàng cứu trợ cho bà con vùng sâu của xã. Ở đây không còn phân biệt đâu là sông, đâu là đồng ruộng, chỉ mênh mông một màu nước trắng xóa.

            Anh tài công cho chúng tôi biết, từ hôm lũ lớn đến nay, bà con mình ai cũng tích cực tham gia công tác chung. Kẻ góp công, người góp của. Những người dân kinh doanh bằng nghề chuyên chở hàng hóa cũng tạm dừng công việc mưu sinh để cho mượn các phương tiện như tàu, ghe, phà v.v…. đi cứu đê hay cứu trợ đồng bào. Còn không được khá giả như anh thì góp chút công sức. Nơi đâu cần tài công thì anh  sẵn sàng tham gia, giống như chuyến đi hôm nay.

          Trong khó khăn gian khổ, mới thấy hết tấm lòng và công sức của nhân dân.  Nhìn hàng cột điện thẳng tắp trước mặt, chúng tôi đã có câu trả lời, nơi đây là đồng hay sông.

          Chúng tôi đi dài theo tuyến đê bao. Nhiều đoạn đê xâm xấp mặt nước. Bên trong đê là hàng ngàn hecta lúa đang chờ ngày thu hoạch.

          Nơi chúng tôi đến là âp 1- xã Thường Thới Tiền A – Hồng Ngự , đã bị nước lũ cô lập từ nhiều ngày qua, làm cho cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Hộ nghèo còn khó hơn . Sự chia xẻ của cộng đồng  là nguồn động viên an ủi lớn. Chúng tôi cũng thấy vui khi góp chút công sức của mình.

         Trên đường về, chúng tôi ghé lại tuyến đê bao đang bảo vệ cho trên 2000 héc ta lúa vụ ba của xã. Dù trời đang nắng gắt, trên đoạn đê nầy vẫn có nhiều người đang gia cố đê. Được biết, hơn 3 tuần qua, nghĩa là sau đỉnh lũ đầu tháng 9, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, công tác bảo vệ đê vẫn luôn được đảm bảo. Tuy tạm thời đã qua lúc nguy hiểm, nhưng do mực nước vẫn giữ ở mức cao, đê bị ngập nước lâu ngày nên chân đê không còn chắc chắn ,nguy cơ vỡ đê cũng còn  rất lớn.

         Sống chung với lũ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một căn chòi nhỏ vừa được dựng tạm , là nơi ăn nghỉ của những người tham gia bảo vệ đê tại địa điểm nầy. 

          Cũng nằm trong khu vực đê bao nầy, nhiều người được huy động để tranh thủ gặt những trà lúa vừa chín tới. Mặt ruộng nằm dưới mức nước đến chừng 4 mét, trông con người thật nhỏ bé, mong manh. Phía ngoài đê, nước cứ chực tràn bờ.  Tai họa thật khó lường. Chúng tôi tạm biệt nơi nầy, không sao tránh được cảm giác lo âu . Chỉ mong sao cho nước lũ xuống nhanh để bà con mình yên tâm làm ăn sinh sống. 

 

          Hôm sau, cùng với các đồng nghiệp ở đài truyền thanh thị xã Hồng Ngự, và cán bộ xã An Bình B, chúng tôi lại ngồi vỏ lãi băng qua những cánh đồng ngập nước.

          Nhiều khu vực nuôi thủy sản của người dân vẫn được duy trì trong lũ lớn. Nơi chúng tôi đến là vùng đê bao khép kín của xã An Bình B, có trên 600 héc ta lúa thu đông đang trổ đồng đồng. Hàng trăm chiến sĩ đang tham gia bảo vệ đê. Đã hơn 3 tuần lễ ăn ngủ cùng đê, sức khỏe cũng phải xoay vòng… Nhiều lực lượng cũng đã rút, nên phân công trực theo ca, chứ không huy động tổng lực như  lúc đầu. Tuy đê ở đây khá kiên cố, nhưng công tác bảo vệ đê vẫn được tuân thủ nghiêm ngặt. 

          Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều địa phương đã chỉ đạo phòng chống lũ có hiệu quả.

          Tin lũ lớn gây tổn thất nặng nề ở các tỉnh vùng đầu nguồn sông Cửu long đã nhận được sự cảm thông chia sẻ của đồng bào khắp nơi. Nhiều đơn vị, tổ chức ở nhiều địa phương đã đến tận các xã, ấp vùng lũ cứu trợ đồng bào . Tinh thần “ lá lành đùm lá rách”, “ một miếng khi đói bằng một gói khi no” luôn là nét đẹp tinh thần quí báu của dân tộc ta. Ngoài tặng quà, nhiều đoàn y bác sĩ còn tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo vùng lũ.

          Năm nay lũ lớn, tuy có thiệt hại , nhưng sức tàn phá của lũ đã được hạn chế rất nhiều từ những công trình sống chung với lũ đã thực hiện từ nhiều năm qua. Đó là những giải pháp về thủy lợi, khu dân cư, các nhà giữ trẻ, chương trình dạy bơi cho trẻ em vùng lũ v.v…

 

          Có người đã nói: mùa lũ 2011 là dịp để kiểm chứng tính hữu dụng của các công trình “ Sống chung với lũ” đã được thực hiện từ 10 năm trước. Và tất nhiên có cái được, có cái chưa thật phù hợp , đang là công việc của phía trước…

          Thực tế cho thấy, người dân đồng bằng sông Cửu long không muốn nói không với lũ và cũng không thể để lũ tự do hoành hành hủy hoại nguồn sống và sự an lành. Sống chung với lũ một cách chủ động, sao cho hòa thuận lại an toàn, sung túc , vẫn là bài toán cần lời giải đáp triệt để hơn. Chuyện mùa lũ còn dài, nhưng xin khép lại mùa lũ 2011 tại đây, một mùa lũ không hiền hòa nhưng đã tái hiện nhiều nét đẹp trong cuộc sống đã quen vất vả của cư dân đồng bằng./

           Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *