Bên bờ hạnh phúc

Tự hào là vựa lúa của cả nước, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu, ĐBSCL hội đủ những điều kiện để thu hút sự quan tâm đầu tư cho nghề sản xuất lúa gạo – một nghề được xem là tài sản quý của quốc gia. Có lẽ vì thế mà một lần nữa, festival Lúa gạo có quy mô lớn của cả nước lại đến với miền Tây sông nước. Liên hoan diễn ra từ ngày 8 đến 11/11/2011 tại tỉnh Sóc Trăng. Đây còn là dịp cho chúng ta  tìm hiểu những nét đẹp duyên dáng của bức tranh về cây lúa, hạt gạo và những con người nơi đây – những nông dân miền Tây  đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo cây lúa hôm nay.

 

Ở nước ta, lúa được trồng khắp các vùng miền, nhưng sản lượng nhiều nhất, có quy trình canh tác tiên tiến nhất, nhiều nông dân giỏi nghề trồng lúa nhất là ở Đồng bằng Sông Cửu Long – nơi được xem là vựa lúa của cả nước. Có lẽ vì vậy, mà Liên hoan lúa gạo Việt Nam thường được tổ chức ở đây và được cho đó là Ngày Hội của nông dân Miền Tây.

Dư âm của Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ nhất vào cuối tháng 11 năm 2009, tại tỉnh Hậu Giang vẫn còn đâu đó, ngày Hội mới lại đến. Lần này, Liên hoan được diễn ra từ ngày 08 đến ngày 11/11/2011 tại tỉnh Sóc Trăng, nơi  cũng có nhiều thành tựu trong việc phát triển cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ.

Vài tháng trước, những người dân cách xa thành Phố Sóc Trăng hàng chục cây số cũng cảm nhận được không khí chuẩn bị chào đón Festival.

Trong nội ô Thành Phố Sóc Trăng – nơi diễn ra Hầu hết các sự kiện của Lễ Hội – cũng được trang trí rất thu hút, rất đặc trưng cho một ngày Hội Lúa.

 

Với nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, nhiều bà con nông dân ở tận vùng sâu, vùng xa cũng biết đến Ngày hội Lúa và chuẩn bị một lịch trình tham dự cho mình.

Đi một vòng các khu trưng bày, chúng tôi thấy, nông dân tham gia buôn bán ở Lễ hội chủ yếu là giống cây ăn trái. Không có nông dân tham gia trưng bày giống lúa hay sản phẩm lúa gạo khác, mà thông thường việc trưng bày, giới thiệu đó do công ty lương thực đại diện của các tỉnh, thành tham gia. Điều đó cũng giống như họ đại diện cho bà con nông dân xứ mình đi trình làng đặc sản của quê hương.

Hầu hết các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đều có gian hàng. Tất cả các gian hàng đều được chuẩn bị khá thẩm mỹ nhằm tạo sự chú ý cho khách tham quan; mọi việc đều đã xong trước giờ khai mạc.

Để xem các sự kiện văn hóa văn nghệ trong đêm khai mạc, nhiều bà con đến thành phố Sóc Trăng từ rất sớm, có người đến trước một ngày, có người đến từ buổi chiều ngày 08/11.

Có người đi xe cá nhân, có người đi xe công cộng,… tất cả đều mang chung một tâm trạng háo hức, vui tươi đến với ngày hội này.

Hòa trong không khí nhộn nhịp với bà con, chúng tôi cùng với dòng người chen lấn nhau đi xem Hội. Hình ảnh này, làm chúng tôi nhớ lại cái thuở cách nay chừng 20 chục năm, mỗi lần có gánh hát, hay đoàn xiếc về quê thì cả nhà, cả xóm cùng đi xem; rồi cũng chen lấn, chen chúc nhau như thế này. Nghe nói lễ khai mạc lần này có đốt pháo hoa, thế là dòng người cứ ngày càng đông dần. Thời nay, pháo hoa đâu còn xa lạ gì với chúng ta, vậy mà người ta vẫn cứ thích đi xem,… Hình như, con người sống ở miền Tây là vậy.

Chúng tôi, gặp được vợ chồng một bác nông dân đến từ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nơi có đặc sản là nếp, và gia đình của bác cũng trồng được vài ha nếp. Vậy mà nghe nói Lễ hội lúa gạo đông vui, có nhà khoa học, có nhiều sản phẩm đẹp thế là bác đến dự.

Mặc dù ai cũng hiểu, để trả lời những thắc mắc của bà con về kỹ thuật canh tác, về các loại bệnh trên cây lúa sẽ được tổ chức vào dịp khác, nhưng bà con vẫn cứ quyết tâm đến Lễ Hội là để hỏi bệnh cho lúa. Có lẽ, với nông dân trồng lúa, nghe nói ở đâu có nhà khoa học là bà con tìm tới, và hơn ai hết, cây lúa là cuộc sống là một phần máu thịt của họ.

Nhiều nông dân khác đến nghe hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật,… của các công ty tổ chức. Bà con ngồi lắng nghe hết chăm chú, đối với họ, đây cũng là dịp tốt nhất để tích góp nhiều kiến thức cho nghề trồng lúa của mình.

Mặc dù, mô hình liên kết 4 nhà trong chuỗi sản xuất lúa gạo đã được Đảng và Nhà nước khuyến khích nhiều năm nay, nhưng ít có đơn vị làm được việc này. Cty TNHH ADC là một trong số ít những đơn vị đứng ra hỗ trợ bà con làm lúa GlobalGap và bao tiêu toàn bộ cho bà con. Tham dự Hội lúa lần này, công ty cũng Đại diện cho bà con HTX Mỹ Thành Nam, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trình làng sản phẩm gạo mới – gạo tím Cai Lậy. 

 

Nằm trong khuôn khổ các cuộc thi của Liên Hoan lần này, có hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”, chủ yếu do các sinh viên đại diện các tỉnh tham gia. Các sinh viên Đại Học Tiền Giang mang sản phẩm Gạo tím Cay Lậy của bà con HTX Mỹ Thành Nam dự thi. Đươc đại diện cho bà con tỉnh nhà đi dự thi Gạo Việt, các em rất vui và nhiệt tình.

Đua ghe Ngo được xem là nội dung thi không thể thiếu trong các kỳ Liên Hoan lúa gạo Việt Nam. Nếu tại Liên Hoan lần thứ Nhất tại Hậu Giang năm 2009, có 18 đội đua tham gia, thì lần này có đến 50 đội ghe tham gia, trong đó 43 đội ghe Nam và 7 đội ghe nữ.

Là địa phương có đông đồng bào Dân tộc Khơ me sinh sống, Sóc Trăng tổ chức Festival đúng vào dịp lễ hội Oc – om – bok, hay còn gọi là lễ hội cúng Trăng. Theo đó, ngày hội đua ghe ngo cũng được tổ chức quy mô hơn, long trọng hơn. Mặc dù là lễ Hội của dân tộc Khơ me, nhưng với sự giao thoa về văn hóa, giờ đây, đua ghe Ngo trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh – khơ me – hoa. Và hễ có tổ chức đua ghe ngo thì bà con tham gia rất đông, kể cả người xem và người dự thi.

Đua ghe Ngo giờ đây đã trở thành môn thể thao truyền thống của quốc gia, các vận động viên thi đấu cũng có chế độ bồi dưỡng riêng, nhưng do xuất thân họ là nông dân lao động, và đã quen rồi với truyền thống cũ, nên cứ mỗi lần 70 vận động viên đi thi đấu thì có khoảng hai ba chục người đi theo nấu ăn cho đoàn. Xem ra rất vui. Các chị cho biết, tất cả nồi ơ, soong chảo, gạo, muối, củi, đuốc,… đều tự mang theo, chở bằng ghe, đến nơi tìm nhà của người dân, có vườn rộng thuê để cả đoàn ăn nghỉ. Các chị còn nói, làm vậy sẽ tiết kiệm hơn và các vận động viên ăn đầy đủ hơn, nhưng trên hết là họ cảm thấy vui hơn, đoàn kết, thân ái nhau hơn. Điều này làm cho chúng tôi nhớ, vốn dĩ có câu “nông dân ăn chắc mặc bền” là vậy.

Đó là với những người tham gia dự thi. Còn những người đi xem hội thì sao? Có người ở gần, đi trong ngày rồi về, có người ở xa hơn phải nghỉ lại qua đêm. Vào các dịp lễ hội, khách sạn và nhà nghỉ đều quá tải, người ta phải ở lại trong chùa. Chúng tôi gặp được một nhóm các chị nông dân từ huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lên Thành Phố này xem Hội Lúa. Các chị đi từ buổi chiều để tối kịp đi chơi, nhìn đường phố đẹp hơn, ngày hôm sau xem đua ghe Ngo rồi về. Tối nay, các chị nghỉ tại chùa này.

Hình ảnh của các chị làm chúng tôi liên tưởng đến câu nói “Người Miền Tây tính tình phóng khoáng”, đúng là vậy, khi làm ruộng làm vườn, họ rất tích cực, xông xáo, đến khi có dịp vui chơi, họ cũng sẵn sàng cho cuộc vui chơi đó.

Có thể nói, ở Miền tây, với bất kỳ lễ hội nào, nông dân là những người đi dự nhiều nhất. Thông thường, họ nghĩ rằng đến đó sẽ có nhiều cái mới, cái lại để xem và mua. Với tâm lý như vậy, các kỳ lễ hội nào người ta cũng dành nhiều chỗ cho các đơn vị trưng bày, bày bán sản phẩm. Nhất là những đặc sản của quê hương.

Với hệ thống phân phối khá tiện ích và hiện đại như ngày nay, không khó để có thể mua những sản phẩm thế này, nhưng bà con mình vẫn thích mua trong hội chợ lắm, tâm lý đó hình như ai cũng có.

Trong nhiều lễ hội khác, bà con khó có dịp nhìn thấy hình ảnh của cây lúa một cách độc lập. Với Ngày Hội lúa như thế này, bà con có thể thấy được toàn cảnh về nghề trồng lúa của mình, thấy được thành tựu hết sức kỳ diệu của nghề lúa gạo Việt Nam, trong đó nhìn thấy được vai trò và hình ảnh của người nông dân được tôn vinh, được trân trọng. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, Liên hoan lúa gạo Việt Nam vẫn sẽ được duy trì tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần như vậy để từng bước giải bài toán nâng cao lợi nhuận cho nông dân Việt Nam đồng thời định vị ngày càng đúng hơn vị trí và vai trò của những người trồng lúa trong xã hội. Bởi ai cũng biết, thế giới đã, đang và sẽ rất cần lúa gạo để nuôi sống con người, vậy mà khoảng 60 triệu nông dân trồng lúa Việt Nam, lại là những người có thu nhập rất thấp.

 



 

Riêng với nông dân Miền Tây, trên con đường phát triển cây Lúa hạt gạo Việt Nam luôn có bóng dáng của họ. Không ai khác, chính họ là những con người chịu thương chịu khó để góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo, thiếu lương thực, nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu lương thực trên thế giới. Thế mới hiểu, nông dân Miền Tây hiền hòa, thật thà, chất phác mà có sức mạnh phi thường làm nên lịch sử, có công rất lớn vẽ nên bản đồ lương thực của thế giới. Và giờ đây người ta không chỉ biết các anh nông dân với cái tên Hai lúa một cách quê mùa nữa mà người ta hiểu rằng Hai lúa là một anh nghĩa tình và đầy sáng tạo. Ngày Hội Lúa Việt Nam vẫn luôn là ngày Hội của các anh. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *