Bên bờ hạnh phúc

Với tiêu chí tạo sự đa dạng và làm cho sản phẩm ngày càng đẹp hơn, người thợ thủ công nhuộm chàm Nhật Bản đã không ngừng cải tiến mẫu mã, hoa văn cũng như màu sắc của vải nhuộm. Những nỗ lực của họ đã gặt hái thành công khi tạo nên sự nổi tiếng cho ngành nhuộm chàm Nhật Bản so với các sản phẩm nhuộm khác của nước này.

Lưu vực sông Yo-shi-no thuộc địa phận tỉnh To-ku-shi-ma trên đảo Shi-ko-ku là vùng đất canh tác cây chàm lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Khu vực sông Yo-shi-no là nơi thường xuyên xảy ra bão lũ trong năm, vì vậy, người dân ở đây đã không chọn cây lúa là đối tượng sản xuất chính.

Trong khi cây lúa không thể chịu đựng nổi thời tiết bất lợi thì cây chàm lại là loài thực vật rất giỏi chống chọi với mưa bão. Do đó, lưu vực sông Yo-shi-no nhanh chóng trở thành vùng chuyên canh cây chàm nổi tiếng.

Cây chàm

Khoảng tháng 2 hàng năm là thời điểm gieo hạt chàm. Đến mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8 là lúc bắt đầu thu hoạch chàm. Ngày xưa, người nông dân cắt chàm bằng tay nên mất khá nhiều thời gian và công lao động, nhưng hiện nay, công đoạn này đã được cơ giới hóa. Trong tiếng Nhật, những người tham gia vào việc sản xuất thuốc nhuộm chàm được gọi là “ai-shi”, có nghĩa là “chàm nhân”

Mùa thu là lúc bắt đầu quá trình sản xuất thuốc nhuộm chàm. Nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất thuốc nhuộm là lá chàm. Trước tiên, người ta cắt lá chàm ra thật nhỏ và cho vào kho dự trữ. Ngoài lá chàm, nước là thành phần không thể thiếu, góp phần tạo ra loại thuốc nhuộm màu xanh nổi tiếng của Nhật Bản. Nước giữ vai trò quan trọng giúp lá chàm lên men.

Người ta dùng nước tưới đều lên toàn bộ phần lá chàm đã được cắt nhỏ. Nước cùng với độ ẩm trong phòng chứa khiến lá chàm bắt đầu lên men và sản sinh ra nhiệt. Nhiệt độ để lá chàm lên men ở khoảng 70 độ C là thích hợp nhất. Sức nóng này luôn được giám sát cẩn thận. Để giữ ổn định lượng nhiệt cần thiết, lá chàm thường xuyên được trộn đều bằng thủ công.

Để giữ ổn định lượng nhiệt cần thiết, lá chàm thường xuyên được trộn đều bằng thủ công

Chỉ lá chàm mới được sử dụng để cho ra loại thuốc nhuộm tốt nhất. Để có được một lượng nhỏ thuốc nhuộm, người ta phải cần đến số lượng rất lớn lá chàm. Thời gian lá chàm hoàn tất quá trình lên men kéo dài đến 3 tháng.

Kết quả của quá trình lên men sẽ tạo ra thuốc nhuộm chàm có tên gọi su-ku-mo hay còn gọi là bột chàm.

Công đoạn tiếp theo sẽ là qui trình lên men bột chàm và nhuộm vải bằng thuốc nhuộm chàm. Trước tiên, cho thuốc nhuộm su-ku-mo vào trong lu có chứa nước kiềm. Tiếp tục cho thêm vôi sống và rượu sa-kê vào lu để tạo ra dung dịch nhuộm. Dùng cây khuấy đều dung dịch này nhiều lần trong ngày để trộn đều các chất lại với nhau. Trong chàm có chứa thành phần hóa học indigotin, khi tiếp xúc với không khí, chất này bị ôxy hóa, biến thành màu xanh thẫm đặc trưng của chàm.

Màu xanh thẫm đặc trưng của chàm

Khi bề mặt dung dịch trong lu chứa tạo thành một lớp bọt nước dày, đó là lúc bột chàm bắt đầu lên men. Lớp bọt nổi lên trông giống hình ảnh của bông hoa nên nó còn được gọi là hoa chàm.

Tương tự như một thực thể thực vật sống, dung dịch thuốc nhuộm chàm thay đổi không ngừng. Vì vậy, nghệ nhân nhuộm chàm phải thử thuốc nhuộm mỗi ngày bằng cách kiểm tra màu sắc của hoa chàm. Thuốc nhuộm chàm tạo ra một loại màu duy nhất là màu xanh với nhiều sắc thái sáng, tối khác nhau.

Nghệ nhân nhuộm chàm phải thử thuốc nhuộm mỗi ngày bằng cách kiểm tra màu sắc của hoa chàm

Số lần nhuộm quyết định sắc xanh của tấm vải nhuộm. Ngoài ra, kinh nghiệm và kỹ thuật của người thợ cũng quyết định nên chất lượng màu nhuộm cho sản phẩm. Đối với thợ nhuộm có nhiều năm trong nghề, họ biết cách điều tiết số lần nhuộm để tạo ra những tấm vải có màu sắc như ý.

Nhiệt độ để lá chàm lên men ở khoảng 70 độ C là thích hợp nhất

Chàm được đánh giá là loại thuốc nhuộm có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng lâu đời nhất trên thế giới. Vải nhuộm chàm đã được tìm thấy trong Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Các nhà khoa học cho rằng, loại vải này đã được nhuộm cách nay từ 4.000 đến 5.000 năm. Tại Nhật Bản, thuốc nhuộm chàm đã được sử dụng vào thời A-su-ka, khoảng thế kỉ thứ VI, nhưng không phổ biến, chủ yếu dùng trong triều đình.

Đến thời Heian, khoảng thế kỉ thứ VIII, kỹ thuật nhuộm chàm của người Nhật được phát triển đạt đến độ gần như hoàn mỹ. Sau đó, khoảng thế kỉ XII, thời kì giai cấp võ sĩ lớn mạnh, giành quyền chi phối trong xã hội Nhật Bản, trang phục màu chàm được sử dụng phổ biến. Vải nhuộm chàm được dùng để may trang phục cho các võ sĩ đạo.

Vào thời Edo, vải nhuộm chàm được truyền bá rộng rãi trong dân chúng. Đây cũng là thời điểm bùng nổ văn hóa ai-zo-me của Nhật Bản. Không chỉ giới bình dân, mà ngay cả tầng lớp quí tộc hay thương nhân giàu có cũng sử dụng trang phục kimono được trang trí hoa văn từ màu chàm.

Để không vi phạm lệnh cấm, người dân chỉ mặc trang phục có màu nhu như tím, xanh hay xám

Đặc biệt, dưới thời Mạc phủ, trang phục nhuộm chàm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong xã hội Nhật Bản khi chính quyền ban hành lệnh cấm người dân mặc trang phục có màu sắc lòe loẹt. Để không vi phạm lệnh cấm, người dân chỉ mặc trang phục có màu nhu như tím, xanh hay xám. Vì vậy, các loại vải sử dụng kỹ thuật nhuộm chàm được ưa chuộng nhất vào thời điểm này và nó trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật.

Kỹ thuật nhuộm chàm đã trở thành một nghề truyền thống nổi danh của Nhật Bản

Được truyền bá vào Nhật Bản cách đây khoảng 1.400 năm, kỹ thuật nhuộm chàm đã trở thành một nghề truyền thống nổi danh của xứ sở này. Vẻ đẹp của màu chàm đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người phương Tây đến mức họ gọi nó là “màu xanh Nhật Bản”.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *