Bên bờ hạnh phúc

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh ngày 15/1/1923 tại làng Phong Thới, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Là em ruột của cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, nên Thanh Hương cũng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, sau đó mới rời bỏ quê hương đi làm nghệ thuật và đi làm cách mạng. So với Thanh Loan, Thanh Hương bước vào con đường nghệ thuật hơi trễ và chẳng bao lâu thì rời sân khấu Sài Gòn thoát ly theo cách mạng.

Do vậy, tên tuổi của Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương ít được giới báo chí Sài Gòn nhắc đến (Ở đây, người viết cũng xin lưu ý một vấn đề là Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương – em ruột nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan – khác với nghệ sĩ Thanh Hương, ái nữ của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Châu – người từng nổi tiếng trong chế độ cũ với bài hát “Cô gái bán đèn giấy hồng”).

Theo con đường của chị, Thanh Hương sớm nhận biết và yêu thích sân khấu cải lương giữa thập niên 40. Thế nhưng, để có người nâng đỡ trên bước đường nghệ thuật thì cô lại chưa có, vì thực tế lúc ấy, bản thân cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan cũng rất lận đận trong công tác nghệ thuật và chưa tạo được tiếng vang lớn cũng như tên tuổi chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, tuy bước vào lĩnh vực sân khấu cải lương từ cuối những năm 40, nhưng giai đoạn này, nghệ sĩ Thanh Hương vẫn chỉ được đảm nhận những vai nhỏ cho đến khi cô đi làm cách mạng. Thanh Hương được nghệ sĩ Bảy Nhiêu hết lòng dạy dỗ đào tạo, đưa lên đóng cặp cùng nghệ sĩ Kim Lan (em ruột nghệ sĩ Kim Cúc) trong hai vai tỳ nữ Như Lan, Như Ngọc của gánh Tân Tân. Khi được nhận vai Mỹ Lan công chúa, một vai gần chính, thì cô được họa sĩ Trần Văn Lắm vận động theo cách mạng. Năm 1945, qua đường dây của họa sĩ Trần Văn Lắm, Thanh Hương nhận làm giao liên cho Ban Du kích mật Sài Gòn – Chợ Lớn. Nơi cô cư trú là vùng đình Bình Tiên, quận 11 ngày nay. Năm 1946, tổ chức trao cho cô 400 đồng (bốn trăm đồng), tự lập gánh hát để kiếm sống, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến. Năm 1948, nghệ sĩ Thanh Hương thoát ly hoàn toàn ra vùng kháng chiến. Cô được điều về ở Trại thiếu nhi Thái Lung (thuộc Ban Thương binh – Xã hội Nam bộ) để dạy dỗ, chăm sóc hơn 100 trẻ em mồ côi. Từ năm 1949 đến năm 1950, cô được đưa sang Ban Mật mã làm Tổ trưởng văn nghệ X4, giữ nhiệm vụ liên lạc giữa Trung ương Cục và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ.

Cuối năm 1951 đầu năm 1952, hưởng ứng phong trào tự túc lương thực, cô được chuyển sang Ban Sản xuất của Trung ương Cục. Năm 1952 – 1954, cô về Đài Tiếng nói Nam bộ. Tại đây, cô cùng với Vũ Hồng đã đi vận động tìm người về lập Đoàn cải lương Cửu Long Giang và tập ngay vở “Trần Hưng Đạo bình Nguyên”. Như vậy, đoàn cải lương cách mạng ở Nam bộ đầu tiên ra đời đã đi khắp nơi biểu diễn phục vụ đồng bào, đồng chí trong kháng chiến.

Năm 1954, Đoàn Cửu Long Giang tập kết ra Bắc. Ở miền Bắc, theo quyết định của cấp trên, ba đoàn Cửu Long Giang, Văn công Ngũ Yến, Lúa vàng sát nhập lại thành một đoàn, lấy tên là Đoàn cải lương Nam bộ. Với vai chị Hai trong vở “Lòng dân” và Như Mẫu trong vở “Cánh tay Dương Tá”, nghệ sĩ Thanh Hương đã nhận được Bằng khen của Bộ Văn hóa và vinh dự hơn, cô được xếp là diễn viên hạng A. Năm 1954 – 1959, cô được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Cuối năm 1959, đầu năm 1960, cô được bầu là Chiến sĩ thi đua và được Hội đồng Nhà nước trao tặng Huy chương Lao động hạng III. Cũng trong giai đoạn này, cô viết vở “Trần Quốc Toản ra quân”, được vinh dự vào diễn trong Phủ Chủ tịch. Năm 1963, cô xin trở vào Nam. Năm 1964, cô về Tiểu ban Văn nghệ của R, nơi trực tiếp công tác là Đoàn văn công T4 (do đồng chí Mười Hùng phụ trách). Năm 1965 – 1967, cô đến dự lớp đạo diễn 4 tháng do Tiểu ban Văn nghệ – Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức. Nghệ sĩ nhân dân Ngô Y Linh, người phụ trách lớp, đã nhận xét Thanh Hương loại tốt. Tại lớp đạo diễn, cô đã chuyển thể kịch ngắn “Ngọn lửa” của Nguyễn Vũ và “Anh hùng Tạ Thị Kiều” thành cải lương và dàn dựng cho Đoàn văn công Giải phóng diễn, đồng thời Đài Phát thanh miền Nam đã thu, phát hai vở này.

Năm 1967 – 1969, theo quyết định của Ban Tuyên huấn (Tiểu ban Văn nghệ R), cô làm Hiệu trưởng Trường Văn công giải phóng. Năm 1970 – 1973, cô dự Đại hội thành lập chính quyền cách mạng miền Nam. Cô đã chuyển bài thơ “Sáng nay anh đứng gác” của Lê Giang thành bài ca vọng cổ để chào mừng chính quyền cách mạng miền Nam ra đời.

Sau giải phóng, cô và Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan về lại thành phố và làm cố vấn nghệ thuật cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đồng thời tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật sân khấu II. Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương mất năm 1985, tại bệnh viện Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Gần 40 năm hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương đã từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng như diễn viên, đạo diễn, tác giả và giảng dạy…

Trên lĩnh vực biểu diễn, Thanh Hương đã đảm nhiều vai và rất thành công trong nhiều vai diễn như chị Hai trong vở “Lòng dân”, Như Mẫu trong vở “Cánh tay Dương Tá”, Điêu Thuyền trong vở “Phụng Nghi Đình”, Kiều Nguyệt Nga trong vở cùng tên…

Trên lĩnh vực sáng tác, dàn dựng, Thanh Hương đã viết và dàn dựng vở “Trần Quốc Toản ra quân”, chuyển thể – dàn dựng vở “Ngọn lửa”, “Anh hùng Tạ Thị Kiều”; dàn dựng các vở “Phụng Nghi Đình”, “Kiều Nguyệt Nga”… Ngoài ra, Thanh Hương còn viết và chuyển thể một số bài ca ngắn.

Thanh Hương đã tận tâm rèn luyện nhiều lớp nghệ sĩ trẻ, tham gia giảng dạy đào tạo nên một số diễn viên, đạo diễn nổi tiếng sau này như đạo diễn Ngô Thị Hồng, Ca Lê Hồng, diễn viên nghệ sĩ ưu tú Tư Lê, Kiều Oanh…

Kỷ niệm làm nghệ thuật sâu sắc nhất đời cô là lần diễn vở “Phụng Nghi Đình” cho đoàn Bình Kịch – Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc xem tại Hà Nội. Nghệ sĩ Thanh Hương diễn vai Điêu Thuyền. Khi xem xong, đồng chí Lưu Tiểu Lâu – Trưởng đoàn Bình Kịch – đã nhận xét : “Các đồng chí giỏi hơn chúng tôi. Chúng tôi xây dựng nhân vật Điêu Thuyền là một cô gái điếm, còn các đồng chí xây dựng nhân vật Điêu Thuyền là một cô gái yêu nước… ”. Theo ông Bảy Tâm – Trưởng đoàn cải lương Phước Chung – đã kể về cô : “Sau giải phóng, theo đúng, cô Năm được quyền nghỉ ngơi. Nhưng không, người Nghệ sĩ ưu tú đó vẫn đêm đêm thức trắng để ghi lại những kinh nghiệm của mình, ghi lại những tuồng tích để lại cho đời sau… Thậm chí cô phải bán đến cái ấm nước để sinh sống… " 

Cả cuộc đời nghệ thuật của cố Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương quả thật là cao đẹp. Cô đã được Nhà nước phong tặng :

– 03 Bằng khen về vai diễn
– Huân chương Lao động hạng Ba.
– Huân chương chống Mỹ hạng Ba.
– Huân chương kháng chiến hạng Ba.
– Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Theo Huỳnh Thanh Tuấn – Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long vinhlomg.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *