Bên bờ hạnh phúc

Xã Thuận An là vùng chuyên canh rau màu lớn của huyện Bình Minh. Người dân nơi đây có truyền thống sản xuất các loại rau màu phát triển trên đất ẩm ướt, đòi hỏi ẩm độ cao như cần ống, diếp cá và đặc biệt là cây cải xà lách xoong. Đồng thời, Thuận An là địa phương trọng điểm cung cấp xà lách xoong cho khu vực ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh.

Xác định đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp đối với những hộ gia đình có diện tích canh tác và vốn đầu tư ít, những năm qua ngành chức năng huyện Bình Minh và xã Thuận An đã khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích, thay thế những loại cây trồng khác cho hiệu quả thấp. Hưởng ứng phong trào này, nhiều hộ gia đình đã nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định với nghề trồng xà lách xoong. Điển hình như gia đình của ông Nguyễn Văn Bình ở ấp Thuận Tiến C. Từ hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu trước hụt sau, đến nay gia đình ông vươn lên có cuộc sống ổn định với vỏn vẹn chỉ 3000m2đất chuyên canh xà lách xoong. 

Ông Nguyễn Văn Bình

 

Cách đây gần 20 năm, cũng như những người nông dân khác ở địa phương, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Bình chủ yếu dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, với diện tích chỉ khoảng 03 công đất trồng lúa 02 vụ, mỗi năm lo cái ăn cho gia đình 07 nhân khẩu đã là khó, huống gì nói đến bao chi phí khác như chuyện học hành, quần áo cho các con. Trong bối cảnh đó, nhiều bà con xung quanh đã phải chọn cách bỏ đất, chuyển đổi sang các công việc phi nông nghiệp để mưu sinh. Tuy nhiên, riêng ông Nguyễn Văn Bình thì chọn một hướng đi khác. Với quyết tâm vươn lên từ mảnh ruộng của mình, ông vừa chạy vại làm thuê làm mướn để kiếm sống, vừa tìm tòi loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn để đưa về thay thế cây lúa . Và loại cây trồng đầu tiên được ông lựa chọn đó là cây rau diếp cá. Khi đó, ông cũng là hộ duy nhất ở khu vực này dám mạnh dạn đưa cây màu xuống ruộng. Có thể nói, đây được xem là bước chuyển đổi quan trọng, làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế gia đình ông về sau.

Vào thời điểm cách nay hơn 10 năm, chuyện trồng màu ở vùng đất này là không hề dễ dàng. Một mặt do phần lớn bà con trồng lúa nên hệ thống thuỷ lợi không thích hợp. Mặt khác, xung quanh chưa có ai trồng nên kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch hại cũng có phần hạn chế. Do đó, việc canh tác xà lách xoong của ông Nguyễn Văn Bình gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục, gia đình ông phải tự tổ chức xây dựng hệ thống đê bao để bảo vệ rẫy màu. Đồng thời, ông phải vừa đi học hỏi kỹ thuật trồng của những bà con ở vùng lân cận, vừa tích luỹ kinh nghiệm qua từ vụ sản xuất. Nhờ kiên trì học hỏi, hiện nay ông được xem là một trong những nông dân có tay nghề cao trong việc trồng xà lách xoong ở địa phương. Sau nhiều năm phát triển, rẫy cải của ông đã được đầu tư khá kiên cố với hệ thống trụ bê tông và máy tưới phun sương. Bình quân một công xà lách xoong mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa, sau khi trừ các chi phí cũng cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng, tuỳ thời giá.

 

Tuy giá trị kinh tế cao nhưng nếu so với nhiều loại rau màu khác thì cây xà lách xoong đòi hỏi phải tốn công lao động cũng như kỹ thuật chăm sóc hơn nhiều lần. Trong đó, tập trung quan trọng nhất là khâu tưới nước và phòng trừ dịch hại. Do có nhu cầu về độ ẩm cao nên để rẫy cải phát triển tốt, đòi hỏi người trồng một ngày phải tưới sương khoảng 10 lần, tập trung chủ yếu từ 9h sáng đến 3h chiều. Những khoảng thời gian còn lại phải tập trung vào công tác chăm sóc, bón phân, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh. Với những đòi hỏi như vậy, hầu như trong ngày lúc nào người trồng xà lách xoong cũng ở ngoài rẫy. Và đây cũng là một trong những lý do quan trọng mà nhiều bà con nông dân vẫn còn ngán ngại mặc dù thu nhập của loại cây trồng này khá hẫp dẫn. Tuy nhiên, qua cách làm và hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Bình, hiện nay nhiều bà con xung quanh cũng đã chuyển từ canh tác lúa sang trồng xà lách xoong để cải thiện thu nhập.

 



 

Không chỉ là người tiên phong đưa cây xà lách xoong về địa phương, ông Nguyễn Văn Bình còn được biết đến như là người nông dân kiên trì, bám trụ, nhiều tâm huyết với loại cây trồng này. Cũng như những loại rau màu khác, giá xà lách xoong trong năm thường dao động rất cao. Những lúc thời tiết thuận lợi, đặc biệt là vào những tháng tiết lạnh giáp tết, giá cả nhiều khi xuống dưới mức giá thành sản xuất, người trồng phải chấp nhận thua lỗ từ 02 đến 03 đợt thu hoạch. Ngược lại, những tháng nắng nóng, cải phát triển rất kém thì giá bán rất cao, nhiều khi lên đến 30-40 ngàn đồng/kg. Với đặc điểm như vậy, nhiều bà con đã nản lòng chuyển sang những loại cây trồng khác. Tuy nhiên, đối với ông Nguyễn Văn Bình thì đây lại là một yếu tố để ông quyết tâm theo đuổi cây cải. Bởi theo ông, mỗi loại cây trồng đều có thế mạnh của nó, nếu chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm thì sẽ sống được với nó. Giá cả xà lách xoong có bấp bênh, nhưng nếu biết cách chăm sóc, tiết kiệm chi phí sản xuất thì sẽ ổn định được nguồn thu nhập. Bí quyết của ông là làm sao những lúc mùa nghịch,  cải có giá, tích cực chăm sóc để thu hoạch được năng suất cao thì sẽ bù đắp được những lúc giá xuống thấp. 

Bằng việc lựa chọn cho mình loại cây trồng thích hợp với điều kiện thực tế, ông Nguyễn Văn Bình đã khắc phục được những khó khăn do thiếu đất sản xuất, vươn lên có cuộc sống ổn định. Cây xà lách xoong chứng tỏ là loại cây trồng thế mạnh, rất thích hợp để phát triển ở vùng đất Thuận An. Mong rằng, trong thời gian tới đây, nghề trồng xà lách xoong sẽ tiếp tục phát triển với những hình thức tổ chức liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phát huy tiềm năng của vùng chuyên canh xà lách xoong lớn vào hàng bậc nhất ở khu vực ĐBSCL này.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *