Bên bờ hạnh phúc

Nhà thơ Truy Phong tên thật là Dương Tấn Huấn, sinh năm 1925, quê ở làng Thạnh Phú, cù lao Dài, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bút hiệu Truy Phong có nghĩa là tìm (truy) cái đẹp, phẩm cách (phong).

Cha là Dương Mậu Sum – một nhà nho làm ruộng ở cù lao Dài, mẹ là Mai Thị Hoài – một phụ nữ hiền thục ở làng Trường Thọ, người cùng quận. Quê ông là một “ốc đảo”, bốn bề sông nước, cách chợ xa thành.

Thuở nhỏ, ông ngồi ghế nhà trường rất ít. Ông học hết bậc sơ học và tiểu học tại trường quận Càng Long (1934 – 1939). Lớn lên, kiến thức ông được mở rộng nhờ từng trải trong cuộc sống, nhờ tiếp xúc với bạn bè. Đáng kể hơn hết là ông mày mò tự học.

Năm 16 tuổi, ông đã biết làm thơ, chơi hát bội và hát cải lương với bọn trẻ trong xóm, vai thích nhất là Tạ Ôn Đình và cũng vào tuổi ấy, ông đã biết đàn tranh, đàn được bản vọng cổ. Năm 20 tuổi (1945), ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Vĩnh Long. Vừa đánh giặc, vừa sáng tác. Năm 1945, ông được giải Nhì về Văn của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập “Mấy phóng sự về kháng chiến”. Năm 1948, ông được hai giải thưởng : giải Nhất về Thơ của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập thơ “Dân quê kháng chiến” và giải Nhất về Cuộc thi Thơ của Viện Văn hóa kháng chiến, bấy giờ do Hoàng Xuân Nhị làm Viện trưởng, với tập thơ “Lòng quê” – sau sửa lại là “Tấm lòng quê” – đăng trong “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của tác giả. Trong lúc đó, nhà thơ Nguyễn Bính giải Nhì với tập thơ “Sóng biển cỏ”. Ngoài ra, Tiểu ban Văn nghệ Quân khu 9 cũng đã in nhiều tập thơ khác của ông, phần đông là những tác phẩm có nội dung tuyên truyền địch vận.

Năm 1953, ông trở ra thành dạy trường tiểu học tư thục của Nguyễn Văn Chưởng ở Trà Vinh, trường tư thục Thánh Gioan (1954), trường trung học bán công Nguyễn Thông – Vĩnh Long (1963) và đến năm 1973, ông nghỉ dạy, về nhà ở ấp Thanh Lương, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Trong thời gian về thành, ông sống bằng nghề dạy học và thường xuyên liên kết với Sơn Nam, Kiên Giang, Mặc Khải… hoạt động trên mặt trận văn hóa văn nghệ chống địch.

Trong thời gian chống Mỹ, thơ Truy Phong đăng trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn như Tiến thủ, Mã thượng, Bông lúa, Thần chung, Chánh đạo, Tin văn, Tin sáng, Điệu tín, Dân chủ mới, Đồng bào, Chân trời… Mỗi bài thơ của Truy Phong đều mang nặng tình dân tộc và cổ cũ tinh thần yêu nước, trong đó, bài thơ nổi tiếng nhất của anh là “Một thế kỷ, mấy vần thơ”. Bài thơ này được đăng lần đầu trên tuần báo Tiến thủ (1956), rồi sau đó được đăng lại trên tuần báo Mã thượng (1960) và tiếp theo đăng trên nhiều báo khác ở Sài Gòn. Lúc bấy giờ, bài thơ chẳng những được nhắc nhiều trên dư luận báo chí như là một bài thơ hay, một bài thơ hào hùng, đánh dấu cáo chung một giai đoạn thực dân thống trị trên đất nước ta, mà bài thơ còn phổ biến sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức và cả các nhà tù Mỹ ngụy ở miền Nam. Nhiều người đã thuộc lòng bài thơ mang tính lịch sử này.

 

Bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ” là một trường ca mà tác giả thay mặt người dân Việt hào hùng và nhân đạo tiễn chân quân viễn chinh Pháp và kỷ niệm 100 năm Việt Nam đau khổ, bất khuất.

Bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi!
Cái gì bạo ngược là phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng được trái tim người!
Anh về là phải anh ơi!
Về bây giờ để còn đời nhớ anh
Những cái gì tôi hận
Những cái gì tôi khinh
Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua. 

… 
Việt Nam, nước của tôi
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai!
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm
Thì giặc vào đây, chết ở đây!

Bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của Truy Phong đã nói lên tất cả sự gian khổ, hy sinh, mất mát và tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuối cùng giành được thắng lợi vẻ vang.

Nhận xét về bài thơ này, nhà thơ Kiên Giang đã viết : “Truy Phong là một thi sĩ có chân trời với hồn thơ nồng đậm tình yêu quê hương đất nước… đã làm chấn động thi đàn năm 1956 với bài thơ "Một thế kỷ, mấy vần thơ” – một thi phẩm mang tính giá trị vượt thế kỷ" và nhà văn Sơn Nam có ý kiến khi đọc bài thơ như sau : “Bài thơ dài, sáng tác trên mười bốn năm qua nhưng vẫn còn đẹp, theo thiển ý của chúng tôi thì đây là một trong những bài thơ đẹp của thế kỷ hai mươi này. Lời thơ hồn nhiên nhưng sâu đậm, giản dị nhưng không tầm thường. Lại còn thái độ bao dung, ôn hòa của thi sĩ, chỉ đứng vào tư thế một người dân, một công dân. Yêu nước, chống ngoại xâm không phải là độc quyền của nhà cách mạng, nhưng là vấn đề công dân giáo dục. Người khó tánh sẽ cho rằng thi sĩ nói chưa đúng mức nỗi căm hờn 80 năm, nhưng đây là đợt sóng nhỏ của biển Đông yên lặng khi mặt trời mọc”.

Nhà phê bình Thiếu Sơn lúc bấy giờ cũng đã nhận xét : “Đọc Truy Phong, tôi càng thương dân tộc, một dân tộc kháng chiến trường kỳ và đã thắng giặc Pháp sau bao gian khổ và hy sinh… Phải đọc hết bài thơ mới thấy Truy Phong có lòng rộng rãi bao dung, tiêu biểu cho lòng người dân Việt, nhẫn nại trước trăm ngàn đau khổ nhưng vẫn sẵn lòng tha thứ cho những kẻ làm khổ thân mình. Thứ nhất là khi chúng đã chịu thua mà xuống tàu về nước”.

Dân tộc ta được nhân dân tiến bộ thế giới và cả kẻ thù cũng phải kính phục ở chỗ “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi). Chúng ta sẵn sàng đối phó, đập tan mọi âm mưu phá hoại và xâm lăng, đồng thời cũng sẵn sàng tỏ thiện chí hữu nghị, giao hảo bình đẳng với mọi dân tộc.

Trong khoảng thời gian sống ở thành, mặc dù giặc không ngừng o ép mua chuộc, nhưng Truy Phong không hợp tác với giặc, thà chịu nghèo túng, hàng ngày đi dạy học với “một bộ đồ trắng tinh khiết” từ ngày này qua năm khác. Màu trắng đã nói lên tâm sự của nhà thơ, đồng thời tâm sự đó, Truy Phong cũng nói rõ ràng hơn trong bài thơ “Người vợ tấm mẳn hay là gởi người thương nữ” :

Em rủ rê anh lìa xứ sở
Cùng sang “cõi mộng” ấp trăng hoa
Em đem hương sắc, đem phù phiếm
Câu nhử cho anh bỏ vợ nhà. 

… 
Em đẹp dù hơn tiên giáng thế
Dù em “sang trọng” giữa “binh đinh”
– Đẹp vì tạm bợ, sang vì nhục
Son phấn… không làm mờ mắt anh.


Anh quen làm bạn với ngô khoai
Giữa miếng vườn kia, mảnh ruộng này
Thơm khóm ngạt ngào hương đất nước
Đem vàng không đổi, bạc không thay. 

… 
Tim anh một nửa, tình anh một
Rạng một vầng trăng, một mặt trời
Nước Việt Nam mình chung một nước
Đời anh một vợ, một chồng thôi.

Ngoài ra, Truy Phong còn nhiều bài thơ xuất sắc in trong các tập thơ của anh đã xuất bản : Một thế kỷ, mấy vần thơ (1970), Thái bình trả lại (1971), Mặt trời lên (1975).

Tâm hồn Truy Phong là tâm hồn đôn hậu, thủy chung và hào phóng của người dân Nam Bộ.

Ông mất ngày 8 tháng 5 năm 2005 tại quê nhà.

Theo vinhlong.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *