Bên bờ hạnh phúc

Lưu Văn Liệt là con trai út trong một gia đình nông dân, sinh ngày 10/4/1945 tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhà cửa bị thiêu rụi, ông bà Lưu Văn Thanh – Võ Thị Cẩm (cha mẹ Lưu Văn Liệt) đưa các con ra giữa đồng trống cất chòi lá ở tạm. Chính ở đây, Lưu Văn Liệt đã bước đầu làm quen với cách mạng, khi nhà anh là nơi hội họp của các chiến sĩ du kích Tam Bình. Đấy cũng là nơi Lưu Văn Liệt tiễn hai anh trai Lưu Văn Thao và Lưu Hoàng Oanh vào bộ đội. Hai anh lần lượt hy sinh : một trong kháng chiến chống Pháp, một vào thời kỳ chống Mỹ.

Năm Lưu Văn Liệt 15 tuổi, tiếng mõ Đồng khởi (1960) vang dội, anh nung nấu ước mơ đi bộ đội đánh Mỹ. Nhưng do còn quá nhỏ, Lưu Văn Liệt đành xin vào Đội du kích xóm Chùa, tham gia phong trào phá kềm kẹp của chính quyền Mỹ – ngụy ở địa phương.

Năm 1961, được sự giúp đỡ của người dì ruột là bà Võ Thị Bảy, Lưu Văn Liệt lên Vĩnh Long học lớp đệ thất trường tư thục Nguyễn Trường Tộ. Anh bắt đầu tiếp xúc cuộc sống của thành thị, tận mắt chứng kiến cảnh lính Mỹ nghênh ngang đi lại trong thị xã. Anh tích cực tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên – học sinh ở thành thị miền Nam lúc bấy giờ.

Lưu Văn Liệt được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cách mạng ngày 17/7/1964, chính thức trở thành người chiến sĩ giữa lòng thị xã Vĩnh Long. Điều kiện công tác ngày càng thuận lợi hơn khi Lưu Văn Liệt được sự cộng tác của hai người anh cô cậu là Võ Bá Đức và Võ Bá Chiến. Họ tự lực kiếm sống, đi học và tổ chức in, dán truyền đơn trong trường học, công sở, trước các căn cứ quân sự của chính quyền Sài Gòn. Anh thường xuyên liên lạc với cơ sở mật ở Bình Minh, Kinh Mới, Cầu Kè dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tư Đức trong Ban Chấp hành Thị xã ủy Vĩnh Long. Các tin tức tình báo tìm hiểu được, anh bí mật đi vào Song Phú báo cáo với đồng chí Năm Triều…

Tháng 7/1965, tổ chức chấp thuận nguyện vọng của Lưu Văn Liệt được vào đơn vị đặc công, đưa anh đi dự một lớp huấn luyện. Nhiệm vụ đầu tiên của anh giai đoạn này là : Tiến hành điều tra, nghiên cứu một tên ác ôn đã gây nhiều nợ máu, phục vụ công tác phá kềm ở đây và bằng lựu đạn, tổ chức một cuộc diệt địch cấp đội. Quy định 25 ngày hoàn thành nhiệm vụ.

Suốt hơn nửa tháng, chiều nào, Lưu Văn Liệt cũng mang lựu đạn lảng vảng quanh khu vực sĩ quan Mỹ thường tụ tập, nhưng anh không đánh vì thấy chúng chỉ lẻ tẻ vài ba tên. Năm ngày trước khi hạn định trên giao kết thúc, Lưu Văn Liệt được điều động sang Đội biệt động diệt Mỹ, hoạt động trên địa bàn thị xã.

Thời cơ dần chín muồi. Thị đội Vĩnh Long quyết định mở một đợt thi đua diệt Mỹ lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/1966). Đội biệt động thống nhất phương án và địa điểm chiến đấu. Đó là quán Lệ Hoa, do Trương Thị Lệ Hoa làm chủ. Đông đảo sĩ quan Mỹ – ngụy tập trung ăn chơi, giải trí ở đây. Quán tọa lạc ở số 66 – đường Lê Thái Tổ. Sau khi phân tích mọi thuận lợi, khó khăn, Lưu Văn Liệt cùng Võ Bá Chiến nhận nhiệm vụ. Anh nói : "Tôi tình nguyện đi đánh Mỹ. Dù có thể hy sinh, tôi cương quyết sẽ hoàn thành nhiệm vụ".

Theo đúng kế hoạch, lúc 18 giờ ngày 4/2/1966, Lưu Văn Liệt và Võ Bá Chiến trong trang phục sĩ quan chế độ Sài Gòn ung dung bước vào quán Lệ Hoa. Hai người cũng uống bia, cũng tán gái như mọi người, chờ giờ hành động. Chủ quán Trương Thị Lệ Hoa tỏ vẻ nghi ngại, bí mật cho người đi báo cáo. Lưu Văn Liệt nhận biết tình hình nhưng anh quyết định tiếp tục chờ đợi. 19 giờ kém 15 phút, một đám sĩ quan Mỹ từ hướng ngã ba Cần Thơ kéo ập vào quán.

19 giờ kém 5 giây, Lưu Văn Liệt ra hiệu cho Võ Bá Chiến bước ra, giả vờ coi chừng xe, còn anh ra cửa sau giả vờ tiểu tiện. Thật sự, hai anh triển khai đội hình chiến đấu. Mụ chủ quán ngăn anh lại : "Giờ này, anh không được đi đâu hết!". Anh dùng võ thuật hất mụ té sấp xuống. Một tiếng nổ to “ầm” phát ra từ cái túi nơi bàn anh Liệt vừa mới bước khỏi. Một cảnh hỗn loạn diễn ra trong quán Lệ Hoa, xương thịt 17 tên sĩ quan Mỹ – ngụy văng tứ tung trên bàn ghế. Lưu Văn Liệt cũng bị thương ở vai.

 

Võ Bá Chiến rút vào hẻm Quận Nghĩa, lội sông qua đình Tân Giai – phường 3 – thị xã Vĩnh Long. Lưu Văn Liệt rút về phía Cầu Lộ, rẽ xuống đường Nguyễn Du, dự định qua cầu Kinh Cụt đến nơi hẹn Võ Bá Chiến. Cầu hư, anh buộc chạy dọc theo đường Nguyễn Du. Cảnh sát ngụy đuổi theo, bắn anh trọng thương.

Biết không còn đủ sức rút lui, chờ cho tên cảnh sát Ngọc và cận vệ đến gần, Lưu Văn Liệt rút chốt lựu đạn, miệng hô khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”. Một tiếng nổ  vang dội. Lưu Văn Liệt anh dũng hy sinh. Lúc đó, anh vừa tròn 21 tuổi.

Ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng cho Lưu Văn Liệt. 

Hiện nay, bia tưởng niệm Lưu Văn Liệt được đặt tại địa điểm trận đánh năm 1966 của anh.

Đào Ngọc Chương – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *